Vốn ngân hàng tiếp sức người dân nuôi tôm
Agribank với sứ mệnh đồng hành, phát triển 'Tam nông', nguồn vốn của Agribank luôn tập trung ưu tiên cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Chính từ nguồn vốn đó mà ngày càng nhiều nông dân mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, tăng thu nhập, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Cà Mau là tỉnh đứng đầu cả nước về diện tích nuôi tôm, với hơn 300.000ha, sản lượng năm 2023 ước đạt 243.000 tấn. Thời gian qua, cùng với những hoạch định chiến lược của tỉnh, bà con nông dân đã không ngừng cải tiến mô hình nuôi để tăng năng suất và chất lượng con tôm. Tại huyện Đầm Dơi (Cà Mau), một trong những địa phương sở hữu tiềm năng dồi dào về phát triển nghề nuôi tôm, chính nhờ những động thái tích cực này đã mang lại cuộc sống ấm no cho rất nhiều người dân.
Qua nhiều giai đoạn phát triển, hiện nay nghề nuôi tôm ở tỉnh Cà Mau nói chung và huyện Đầm Dơi nói riêng không những được mở rộng về diện tích, đa dạng nhiều loại hình nuôi, mà còn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đặc biệt là đầu tư công nghệ tiên tiến vào nuôi siêu thâm canh, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Huyện Đầm Dơi có chiều dài bờ biển 22 km, có cửa biển Gành Hào, Hố Gùi, Giá Lồng Đèn... đây là điều kiện thuận lợi để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản và kinh tế biển. Đặc biệt, nghề nuôi tôm quảng canh và nuôi tôm công nghiệp phát triển mạnh.
Đến thăm mô hình nuôi tôm siêu thâm canh của gia đình ông Châu Hoàng Bon (thị trấn Đầm Dơi, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) có gần 14 năm gắn bó với nghề nuôi tôm. Dù trải qua nhiều thăng trầm với nghề, nhưng ông vẫn quyết chí gắn bó với con tôm. Nhận thấy, để đạt được thành công và phát triển bền vững, người nuôi tôm cần phải có chiến lược bài bản và căn cơ hơn. Vậy là ông mạnh dạn đầu tư ứng dụng công nghệ cao cho 10.000m2 ao nuôi tôm thẻ chân trắng.
Hệ thống ao nuôi được ông Bon đầu tư khép kín từ ao cấp nước, ao lắng, ao vèo, ao nuôi và ao xả nước thải. Trong đó, kỹ thuật nuôi được áp dụng quy trình nghiêm ngặt để đảm bảo chất lượng tôm tốt nhất. Các chỉ số môi trường, tạo oxy và cho tôm ăn đều sử dụng máy tự động. Theo phương thức này, mật độ thả nuôi từ 70-80 con tôm giống/m2 và sau 90 ngày thì cho thu hoạch. Với mô hình nuôi tôm công nghệ cao như thế này, đã giúp ông Bon luôn trụ vững với nghề trong suốt nhiều năm qua.
Cũng giống như ông Bon, ông Giang Viễn Gia ở xã Tạ An Khương, huyện Đầm Dơi đã khởi nghiệp nuôi tôm quảng canh thiên nhiên với con tôm sú từ năm 2001. Nuôi tôm quảng canh thiên nhiên, thời gian từ khi thả nuôi đến khi thu hoạch hơi lâu hơn các phương pháp nuôi khác, nhưng lại thân thiện với môi trường, bền vững và tôm bán cũng có giá hơn.
Ngày mới khởi nghiệp, diện tích nuôi tôm của gia đình ông Gia chỉ có xấp xỉ 3 ha. Sau gần 23 năm nỗ lực phấn đấu, đến nay tổng diện tích đã lên đến 10 ha. Hiện nay, ông Gia thực hiện Mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến kết hợp nuôi cua, nên lợi nhuận thu về khá cao. Mỗi năm, ông Gia thả nuôi từ 120.000 con đến 200.000 con tôm giống, sau 5 tháng thì bắt đầu thu hoạch. Mỗi tháng, gia đình ông Gia thu hoạch tôm 2 lần, tùy thuộc vào con nước và giá cả thị trường, thu nhập dao động từ 50-60 triệu đồng/tháng từ con tôm và cua.
Và để có được thành công như hôm nay, ngoài sự cần mẫn, kiên trì với con tôm thì sự hậu thuẫn về vốn của Agribank đối với gia đình ông Gia có ý nghĩa rất quan trọng. “Gia đình tôi có nhiều đất và ít người nên tôi không chọn cách nuôi tôm công nghiệp mà chọn nuôi tôm quảng canh. Để mà nuôi tôm quảng canh hiệu quả thì mình phải có nguồn vốn để cải tạo vuông. Bởi nếu nguồn vốn mình ít quá thì mình sẽ không có điều kiện để cải tạo ao nuôi thường xuyên thì không đạt hiệu quả. Chính vì vậy, nguồn vốn vay của Agribank đã góp phần rất lớn để gia đình tôi có thành công như ngày hôm nay”, ông Gia chia sẻ.
Có thể thấy để có thể làm giàu từ con tôm và phát triển bền vững đòi hỏi nhiều yếu tố, sự hiệp lực của cơ quan chức năng và bà con nông dân. Trong đó, sự gắn bó, hỗ trợ về vốn của Agribank với người dân nuôi tôm là vô cùng quan trọng và ý nghĩa.
Ông Đặng Minh Luận, Phó Chủ tịch UBND xã Tạ An Khương, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau cho biết, đối với xã Tạ An Khương thì nuôi trồng thủy hải sản là chủ yếu. Thời gian qua, xã cũng có khuyến khích bà con nuôi tôm quảng canh, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trong mô hình nuôi tôm cải tiến 2 giai đoạn để đạt hiệu quả cao hơn.
Tại xã Tạ An Khương, nhiều năm gần đây nuôi tôm là chủ lực. Tuy nhiên, giá cả bấp bênh cho nên khuyến khích bà con nông dân nuôi tôm kết hợp với đa cây đa con trên cùng một diện tích để mang lại hiệu quả cao. Xã Tạ An Khương thường xuyên phối hợp với Agribank tạo mọi nguồn vốn đầu tư cho bà con trong quá trình sản xuất.
Theo thống kê của Agribank Chi nhánh huyện Đầm Dơi, hiện tỷ lệ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chiếm 90% trên tổng dư nợ. Riêng dư nợ cho vay các mô hình nuôi tôm là trên 1.200 tỷ đồng, với hơn 8.000 khách hàng còn dư nợ.
Với vai trò chủ lực là đầu tư cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn, trong thời gian qua, cùng với tất cả các chi nhánh trong khu vực, Agribank Chi nhánh huyện Đầm Dơi đã luôn nỗ lực hết mình để hỗ trợ kịp thời về vốn cho bà con nông dân yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.
Nguồn vốn của Agribank được kỳ vọng sẽ là hậu thuẫn quan trọng để tỉnh nhà thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1026 về Phương án phát triển ngành tôm tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được UBND tỉnh Cà Mau phê duyệt. Đây là một trong những hướng đột phá quan trọng nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đề ra.
Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/von-ngan-hang-tiep-suc-nguoi-dan-nuoi-tom-156506.html