Vốn ngoại chờ hiệu ứng nâng hạng thị trường chứng khoán
Trước sự mạnh lên của đồng USD và những căng thẳng địa chính trị gần đây, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang đối mặt với áp lực rút ròng của khối ngoại.
Tuy nhiên, những nỗ lực cải cách thị trường gần đây được kỳ vọng sẽ đem lại kết quả tích cực trong năm 2025, giúp Việt Nam đạt mục tiêu nâng hạng thị trường, thu hút dòng vốn ngoại đảo chiều sang mua ròng.
![Sở giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE). Ảnh: HOSE](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_324_51449619/723f429d77d39e8dc7c2.jpg)
Sở giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE). Ảnh: HOSE
* Áp lực rút ròng vẫn mạnh
Theo thống kê của Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HOSE), trong tháng 1/2025, tổng giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài đạt trên 46.270 tỷ đồng, chiếm hơn 12% tổng giá trị giao dịch của toàn thị trường.
Đáng chú ý, khối ngoại đã thực hiện bán ròng trong tháng này với giá trị hơn 6.474 tỷ đồng. Đây là con số rút ròng mạnh của khối ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Xu hướng này vẫn đang duy trì trong những phiên đầu tháng 2/2025, gây áp lực lên đà phục hồi của thị trường chung.
Báo cáo về dòng vốn đầu tư mới đây của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI cho thấy, các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) duy trì trạng thái rút ròng trong tháng đầu tiên của năm 2025 với tổng giá trị 616 tỷ đồng. Đây cũng là tháng thứ 15 liên tiếp các quỹ ETF rút ròng khỏi Việt Nam.
Áp lực rút vốn chủ yếu đến từ các quỹ ETF ngoại, đáng chú ý có quỹ VanEck (-423 tỷ đồng), Xtrackers FTSE Vietnam (-88 tỷ đồng), Fubon (-58 tỷ đồng).
Trong khi đó, các quỹ ETF nội có sự phân hóa. Cụ thể, quỹ DCVFM VN30 (-122 tỷ đồng) bị rút ròng 3 tháng liên tiếp, trong khi DCVFM VNDiamond (+54 tỷ đồng) và MAFM VN30 (+56 tỷ đồng) tiếp tục ghi nhận dòng vốn mua ròng tích cực.
Đối với dòng tiền chủ động, SSI cho biết, các quỹ chủ động đều ghi nhận rút ròng trong tháng 1. Trong đó, các quỹ chủ động chỉ đầu tư vào Việt Nam rút ròng mạnh 804 tỷ đồng.
Xu hướng rút ròng của khối ngoại diễn ra trong bối cảnh đồng USD đang neo ở mức cao. Có thời điểm trong tháng 1/2025, chỉ số DXY (đo lường sức mạnh đồng USD) leo lên mức cao kỷ lục trong vài năm gần đây, ở mức 110 điểm. Hầu hết các đồng nội tệ đều mất giá so với đồng USD, thúc đẩy dòng vốn toàn cầu có xu hướng dịch chuyển về Mỹ để hưởng lợi chênh lệch tỷ giá và đồng VND cũng không ngoại lệ.
Theo ông Trịnh Hoài Giang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HSC), đồng VND cũng như các loại nội tệ khác đang chịu sức ép giảm giá so với đồng USD. Tuy nhiên, đây là hiện tượng toàn cầu chứ không chỉ riêng Việt Nam.
Đặc biệt, với những căng thẳng liên quan đến chính sách thuế quan mới đây của Mỹ, đồng USD được dự báo sẽ tiếp tục neo cao, đồng VND theo đó sẽ chịu sức ép mất giá và gây áp lực lên thị trường vốn.
Ông Giang dự báo nhiều khả năng nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục xu hướng bán ròng trong năm nay. Tuy nhiên, giá trị bán ròng sẽ thấp hơn năm 2024 và không tạo ra sức ép quá lớn trên thị trường chứng khoán.
Ông Kang Moon Kyung, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) cũng cho rằng, việc dòng vốn ngoại vẫn chưa tham gia tích cực vào thị trường chứng khoán Việt Nam do nhiều vấn đề. Trong đó, việc đồng USD mạnh lên là lý do chính khiến cho nhà đầu tư toàn cầu vẫn ưu tiên tập trung vào thị trường Mỹ và rút ròng ở nhiều thị trường, trong đó có Việt Nam.
Dù vậy, theo ông Kang Moon Kyung, trong năm nay Chính phủ Mỹ có thể tiếp tục theo đuổi chính sách hạ lãi suất, điều này sẽ thúc đẩy xu hướng đa dạng hóa danh mục đầu tư ra các thị trường mới nổi như Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang đứng trước cơ hội nâng hạng thị trường. Nếu những điều này xảy ra, thị trường chứng khoán Việt Nam kỳ vọng dòng tiền mới chảy vào và nhà đầu tư nước ngoài có thể quay trở lại sang mua ròng.
* Thị trường “ngóng” hiệu ứng nâng hạng
Câu chuyện về sự đảo chiều của khối ngoại đang dồn lên tâm điểm và kỳ vọng nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi trong năm nay. Cơ quan quản lý đã và đang có những động thái rất quyết liệt để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về vấn đề này.
Tại lễ đánh cồng khai phiên giao dịch đầu xuân mới đây, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi một lần nữa nhấn mạnh việc nâng hạng thị trường chứng khoán là nhiệm vụ không thể trì hoãn trong năm nay.
Theo ông, Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện để thị trường chứng khoán nâng lên bước mới, tạo xung lực cho thị trường chứng khoán tăng trưởng cho thời gian tới. Bởi, khi được nâng hạng sẽ đem lại nhiều lợi ích cho nhiều bên, cho cả Việt Nam và các nhà đầu tư nước ngoài. Từ đó, gia tăng sự tham gia của dòng vốn ngoại vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
Về phía HOSE, bà Nguyễn Việt Hà, Quyền Chủ tịch HOSE cũng cho biết, năm nay HOSE đặt mục tiêu đưa hệ thống công nghệ thông tin mới vào vận hành để đưa thêm các sản phẩm, dịch vụ mới ra thị trường, nâng cao năng lực xử lý của hệ thống đáp ứng quy mô tăng trưởng khi thị trường được nâng hạng. Hiện tại, dự án KRX đang ở các bước chuẩn bị cuối để triển khai hệ thống trong thời gian tới.
Đầu tháng 1/2025, HOSE đã ban hành Quy tắc Chỉ số HOSE Index phiên bản 4.0 thay thế cho phiên bản 3.1 có hiệu lực kể từ tháng 3/2025 với một số thay đổi quan trọng giúp tăng thanh khoản, nâng cao chất lượng của các cổ phiếu sàng lọc và góp phần ổn định cơ cấu ngành, hạn chế việc một ngành chiếm tỷ trọng quá nhiều trong rổ chỉ số.
Trước đó, Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư 68/2024/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch chứng khoán; bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán; hoạt động của công ty chứng khoán và công bố thông tin trên thị trường chứng khoán; Luật Chứng khoán sửa đổi được Quốc hội thông qua. Một số điểm nghẽn đang dần được gỡ bỏ như cơ chế thanh toán bù trừ trung tâm (CCP), nới room cho nhà đầu tư ngoại...
Theo SSI, kỳ vọng việc nhà đầu tư nước ngoài quay lại thị trường Việt Nam trong năm 2025 sẽ đến từ câu chuyện nâng hạng lên thị trường mới nổi của FTSE Russell. Các chính sách bước đệm như triển khai hệ thống giao dịch KRX, việc áp dụng Luật Chứng khoán sửa đổi… sẽ tạo tiền đề cho sự phát triển thị trường vốn trong trung và dài hạn.
Báo cáo do Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu của Ngân hàng HSBC phát hành ngày 11/2 cũng bình luận, những diễn biến chính sách gần đây nhằm cải thiện thị trường vốn không chỉ giúp Việt Nam bắt kịp các thị trường khác, mà còn nhằm đa dạng hóa và mở rộng các kênh huy động vốn để tạo sức bền tài chính.
Hoạt động trên các thị trường vốn Việt Nam có tiềm năng phát triển đáng kể, trong đó, việc nâng hạng thị trường chứng khoán mởi chỉ là bước khởi đầu.
Bên cạnh khuyến khích sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường vốn, HSBC cho rằng việc mở rộng và đa dạng hóa nhà đầu tư trong nước (chẳng hạn như Quỹ Bảo hiểm xã hội) sẽ là chìa khóa giúp Việt Nam vững vàng đạt được mục tiêu chính thức về quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 120% và dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đạt 25% GDP vào năm 2030. Đây cũng là khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới đối với thị trường vốn Việt Nam, nhằm giảm áp lực vốn lên hệ thống tài chính ngân hàng.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/von-ngoai-cho-hieu-ung-nang-hang-thi-truong-chung-khoan/362793.html