Vốn ngoại đang 'pha loãng' các thương hiệu thực phẩm Việt?
Nhờ tăng trưởng ổn định, thị trường tiêu dùng lớn nên doanh nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm Việt Nam luôn nằm trong tầm ngắm thâu tóm của các quỹ ngoại, nhà đầu tư nước ngoài.
Sự gia tăng thâu tóm của khối ngoại khiến các chuyên gia lên tiếng cảnh báo về viễn cảnh các thương hiệu thực phẩm lớn, tầm cỡ quốc gia… không còn thuần là của doanh nghiệp Việt Nam hoặc biến mất khỏi thương trường.
Vào tầm ngắm doanh nghiệp ngoại
Lãnh đạo một doanh nghiệp chế biến tiêu và cà phê cho biết, gần đây được một quỹ đầu tư châu Âu định giá và ông đang xúc tiến để nhận nguồn vốn đầu tư này.
Hay tại Bình Phước, Giám đốc một doanh nghiệp chế biến hạt điều cho KTSG Online biết, có ba nhà đầu tư ngoại đến từ châu Á và Trung Đông đang tìm hiểu để tham gia rót vốn. Khả năng doanh nghiệp này bán trên 50% cổ phần để có vốn tăng năng lực chế biến.
Do đang trong vòng đàm phán nên cả hai doanh nghiệp đề nghị không nêu tên, vì lo ảnh hưởng đến tâm lí người lao động và việc kinh doanh.
Không chỉ hai thương vụ nói trên, tại hội thảo Xu hướng M&A và chiến lược đầu tư gọi vốn cho doanh nghiệp Việt Nam gần đây, TS. Nguyễn Tuấn Anh (Đại học RMIT Việt Nam), cho biết ngành lương thực – thực phẩm trong nước đã và đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư ngoại, nhất là doanh nghiệp châu Á.
Ông Tuấn Anh dẫn lại câu chuyện giao dịch gần đây của Tập đoàn Nhật Bản Sojitz thông qua Sojitz Asia Pte.Ltd. và Công ty TNHH Sojitz Việt Nam mua lại toàn bộ Công ty cổ phần Đại Tân Việt (New Viet Dairy) – nhà phân phối thực phẩm lớn Việt Nam.
Tại Việt Nam, Sojitz đã hợp tác với Vinamilk để xây dựng tổ hợp trang trại chăn nuôi bò và chế biến thịt bò theo phong cách Nhật Bản. Sojitz cũng giúp đầu tư mở chuỗi cửa hàng tiện lợi Ministop tại Việt Nam.
Thông qua các hoạt động này, Sojitz đã thâm nhập vào ngành phân phối thực phẩm thượng nguồn và hạ nguồn của Việt Nam.
Hay Tập đoàn Marubeni cũng mua lại cổ phần thiểu số có tỷ lệ quan trọng của AIG Asia Components, nhà cung cấp nguyên liệu thực phẩm hàng đầu tại Việt Nam với hơn 1.200 khách hàng doanh nghiệp. Marubeni cũng là cổ đông của Acecook Việt Nam, hãng con của nhà sản xuất mì ăn liền Acecook Japan.
Theo ông Tuấn Anh, sở dĩ có xu hướng này là do giá trị đồng yen Nhật đang giảm, khiến các doanh nghiệp Nhật Bản tìm cách mang tiền của họ đi đầu tư nước ngoài. Trong đó, Việt Nam là một trong những thị trường được nhiều nhà đầu tư xứ mặt trời mọc nhắm đến.
Ông dự báo rằng xu hướng này sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới, đặc biệt là với các lĩnh vực như logistics, chuỗi cung ứng lạnh… của ngành sẽ được đẩy mạnh.
Ngoài các nhà đầu tư Nhật Bản, các chuyên gia cho rằng thị trường M&A sẽ tiếp tục sôi động với sự tham gia của các nhà đầu tư từ Thái Lan, Trung Quốc… Khẩu vị của các nhà đầu tư này đều nhắm tới những doanh nghiệp có chiến lược đầu tư sản phẩm ổn định và lâu dài.
Thương hiệu Việt ngày càng bị ‘pha loãng’
Thời gian qua, các chuyên gia cũng lên tiếng lưu ý về xu hướng vốn ngoại tham gia nhiều vào các doanh nghiệp chế biến thực phẩm Việt Nam.
Trao đổi với KTSG Online gần đây, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM (FFA), cũng đánh tiếng cảnh báo về tình trạng một số doanh nghiệp có thương hiệu lớn, thương hiệu quốc gia đã bắt đầu chuyển dịch một phần hoặc chuyển nhiều nguồn vốn cho các quỹ, nhà đầu tư ngoại. Do đó, các doanh nghiệp này hiện không còn đơn thuần là doanh nghiệp Việt Nam.
Lời cảnh báo của chủ tịch FFA không phải không có cơ sở, thậm chí có những thương hiệu chế biến thực phẩm lớn khi bị nhà đầu tư ngoại thâu tóm thì bị “ngoại lai”.
Đơn cử như Công ty thực phẩm Cầu Tre phổ biến một thời trong nước thì được đổi thành CJ Cầu Tre sau khi công ty con của Tập đoàn CJ (Hàn Quốc) – trở thành cổ đông lớn.
Hay “ông lớn” bánh kẹo Kinh Đô được đổi thành Mondelēz Kinh Đô sau khi Mondelēz International thâu tóm. Đại diện Mondelēz International khi đó cho rằng, khoản đầu tư hàng trăm triệu đô la là phù hợp với chiến lược phát triển kinh doanh tại Châu Á, cũng như tăng cường mảng kinh doanh của tập đoàn tại thị trường đang phát triển như Việt Nam.
Hàng loạt doanh nghiệp, thương hiệu thực phẩm Việt khác cũng bị đổi tên hoặc biến mất khi có sự góp vốn của nhà đầu tư ngoại.
Với thị trường hơn 100 triệu dân trong nước, có mức tăng trưởng ổn định và thu nhập bình quân của người dân đang tăng thì theo các chuyên gia M&A, ngành chế biến thực phẩm Việt ngày càng thu hút nhà đầu tư ngoại.
Đáng chú ý, việc thực thi 16 Hiệp định thương mại tự do (FTAs) là cơ hội để ngành lương thực, thực phẩm tiến xa ở nhiều thị trường lớn với thuế suất ưu đãi hoặc miễn thuế… Điều này cho thấy việc thâu tóm những doanh nghiệp chế biến lương thực thực phẩm Việt Nam là một bước đi chiến lược của nhà đầu tư ngoại.
Sao phải “bán mình”?
Một số ý kiến cho rằng số đông các công ty Việt bán cổ phần cho nước ngoài là do suy yếu và bế tắc trong kinh doanh. Số khác thì do nhận thấy không còn tiềm năng phát triển tốt hoặc thiếu lực lượng kế thừa khi mà phần lớn doanh nghiệp lĩnh vực này đi lên từ quy mô công ty gia đình…
Ở vị trí tiếp cận phản ánh của các doanh nghiệp trong ngành, người đứng đầu FFA Lý Kim Chi còn cho rằng, vướng mắc nguồn vốn là hạn chế.
“Doanh nghiệp luôn cần cải tiến, tăng năng suất nhằm cạnh tranh, nhưng lãi vay trong nước thì cao hơn mặt bằng chung các nước. Mặt khác, đất, mặt bằng nhà xưởng tại TPHCM thì cạn kiệt và đắt đỏ, trong khi một số doanh nghiệp lâu năm cần phải di dời…”, bà Chi nói.
Tương tự, theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nhu cầu vốn hiện tại là rất lớn, không chỉ với các doanh nghiệp nhỏ và vừa mà kể cả với những doanh nghiệp lớn có nhiều năm kinh doanh.
“Những doanh nghiệp tư nhân lâu đời và thành công đã đến lúc cần phải vươn lên, phát triển một tầm cao mới cạnh tranh hơn trước. Những con đường đã thành công trước đây không đủ để đảm bảo cho phát triển trong tương lai và vốn là một trong những điều kiện quan trọng”, bà Lan nói.
Tuy nhiên, hiện nay nguồn vốn trong nước đắt đỏ, chi phí vốn cao so với các nước xung quanh, chưa kể các nước phát triển.
Bên cạnh đó, nguồn vốn trong nước cũng chưa đảm bảo được những điều kiện đi cùng như công nghệ, kỹ năng, quản trị, hệ thống thị trường, kết nối tham gia vào chuỗi giá trị mới hay tận dụng những FTA mà Việt Nam đã ký. “Do đó, thực hiện M&A để tìm kiếm nguồn vốn ở bên ngoài đang là xu hướng, chiến lược lớn của nhiều doanh nghiệp Việt Nam và khả thi hơn so với tìm kiếm nguồn vốn trong nước”, bà Lan phân tích.
Trên thực tế, cũng có một số doanh nghiệp như Cầu Tre, Sabeco… nhờ có sự tham gia vốn ngoại mà nhà máy, công nghệ của họ ngày càng hiện đại; công suất và sản phẩm được mở rộng và vươn xa thị trường thế giới.
Người tiêu dùng Việt cũng có thêm nhiều lựa chọn với sản phẩm chất lượng cao, nhất là các sản phẩm như thịt chế biến sẵn; các loại thịt tươi, đông lạnh; thủy hải sản, nông sản an toàn cao… Tuy nhiên, người chăn nuôi và doanh nghiệp nội cùng ngành phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt ngay trên sân nhà.
Việc M&A là con đường ngắn nhất để đại gia ngoại nắm lấy thị trường Việt Nam và tận dụng ưu đãi thuế quan để xuất khẩu. Điều này không tránh khỏi sự thôn tính của doanh nghiệp ngoại đối với doanh nghiệp Việt.
Theo các chuyên gia, để giảm tình trạng này cần có nhiều sự thông thuận hơn từ chính sách của Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn cạnh tranh.
Bà Lý Kim Chi cho rằng, để giải bài toán này không dễ với doanh nghiệp nội. Nếu theo cơ chế tài chính hiện nay với lãi suất 5-6%, đối với các đơn vị sản xuất thì lãi vay đạt yêu cầu. Nhưng để đầu tư dài hạn cho một tuyến phát triển thì cơ chế lãi suất lúc này không đủ cạnh tranh với doanh nghiệp các nước.
Khẳng định nếu không được “chống lưng” về vốn thì luôn bị thiếu hụt, bà Chi chỉ ra, người dân nuôi trồng thủy hải sản, nông sản ở các nước luôn được hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật. Để đầu tư máy móc thiết bị sản xuất…, một số nước khu vực ASEAN cũng có cơ chế về lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp.
“Tôi nghĩ trong tương lai Chính phủ cần có mức điều tiết, điều chỉnh thế nào để doanh nghiệp có thể phát triển. Còn trong giai đoạn này, doanh nghiệp nào không chịu đựng được nữa thì phải tìm đường đi cho mình”, bà Chủ tịch FFA nói.
Trong khi đó, chuyên gia Phạm Chi Lan cho rằng, nếu doanh nghiệp đi theo hướng bán đứt thì chắc chắn sẽ làm suy yếu nội lực Việt Nam. Một số ngành hàng Việt Nam đang có vị thế nhất định kể cả trong nước lẫn xuất khẩu có thể rơi vào tay các nhà đầu tư nước ngoài.
“M&A theo cách để tăng năng lực doanh nghiệp trong nước thì nên còn nếu theo cách bán đứt, nhường sân chơi cho nhà đầu tư ngoại thì rất đáng lo. Chúng ta không thể có nền kinh tế trung bình cao hay cao nếu không chịu tự lực tự cường mà chỉ dựa vào đầu tư nước ngoài”, bà Lan nhận định