Vốn nội và vốn ngoại tại thị trường Việt Nam còn nhiều dư địa

Theo ông Nguyễn Phan Dũng, Phó tổng giám đốc Công ty Quản lý Quỹ SSI (SSIAM), nhiều nhà đầu tư lớn nước ngoài đang chờ đợi sẵn sàng để tham gia thị trường Việt Nam.

Toàn cảnh phiên thảo luận

Toàn cảnh phiên thảo luận

Tại Tọa đàm "Lực đẩy dòng vốn mới" do Báo Tài chính - Đầu tư tổ chức sáng 23/7, đại diện các công ty quản lý quỹ đã đưa ra những đề xuất, giải pháp nhằm hấp dẫn dòng vốn ngoại, khơi thông dòng vốn nội.

Ông Nguyễn Phan Dũng, Phó tổng giám đốc Công ty Quản lý Quỹ SSI (SSIAM) cho biết, cả dòng vốn nội địa và bên ngoài đều còn nhiều dư địa.

Nói riêng về vốn nội, các chính sách hỗ trợ nhà đầu tư rất quan trọng, nhất là chính sách thuế. Tại một số thị trường quốc tế với dòng vốn đầu tư mạnh mẽ, có thể thấy các chính sách thuế hướng tới hoạt động đầu tư dài hạn. Các nhà đầu tư lâu năm trên thị trường, có tầm nhìn dài hạn, đầu tư thông qua các quỹ đầu tư chuyên nghiệp có thể được hưởng chính sách thuế ưu đãi, giảm thuế, thậm chí miễn thuế.

“Người dân Việt Nam có tỷ lệ tiết kiệm cao, tiền gửi ngân hàng lớn. Hiện tại, chênh lệch giữa lãi suất tiết kiệm và các kênh đầu tư khác đã khá cao, khi nhà đầu tư đáo hạn tiết kiệm, họ sẵn sàng tìm tới các kênh khác. Các quốc gia có hoạt động đầu tư đột phá chính là các quốc gia có chính sách thuế hướng tới đầu tư dài hạn. Đây là điểm cực kỳ quan trọng, nhất là khi chúng ta đang ở thời điểm bổ sung các luật thuế”, ông Dũng chia sẻ.

Ông Nguyễn Phan Dũng, Phó tổng giám đốc Công ty Quản lý Quỹ SSI (SSIAM)

Ông Nguyễn Phan Dũng, Phó tổng giám đốc Công ty Quản lý Quỹ SSI (SSIAM)

Về dòng vốn ngoài nước, khi nâng hạng thị trường chứng khoán thành công lên thị trường mới nổi, dự báo sẽ có dòng vốn thụ động qua các quỹ ETF, quỹ đầu tư toàn cầu… Theo ông Dũng, ở giai đoạn đầu, dòng vốn qua các quỹ thụ động như quỹ ETF sẽ không quá lớn, khoảng 1 - 2 tỷ USD. Dòng vốn thông qua các quỹ đầu tư khác vào khoảng 5 - 10 tỷ USD là hoàn toàn có thể. Đây là các quỹ chủ động lựa chọn doanh nghiệp để đầu tư, theo đó, để tiếp cận được các quỹ này, doanh nghiệp phải đáp ứng được các tiêu chuẩn đồng bộ về công bố thông tin bằng tiếng Anh, thực hành ESG…

“Khi tiếp xúc với các nhà đầu tư tổ chức lớn, chúng tôi thấy nhiều nhà đầu tư lớn đang chờ đợi sẵn sàng. Họ chờ thị trường Việt Nam được nâng hạng và đáp ứng tiêu chuẩn đầu tư để tham gia”, ông Dũng cho biết.

Trong việc thu hút dòng vốn ngoại, bà Trịnh Quỳnh Giao, Tổng giám đốc PVI AM chia sẻ thêm, câu chuyện nâng hạng thị trường đã được nhắc tới nhiều trong hút vốn ngoại, tuy nhiên yếu tố quan trọng cần được chú ý là nâng mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia.

“Khi tăng mức tín nhiệm lên mức đầu tư, sẽ có hai tác dụng. Thứ nhất, vốn vay của doanh nghiệp với nước ngoài sẽ thấp hơn, ví dụ, các khoản vay của Masan có thể ở mức 8%/năm, nhưng với doanh nghiệp tương tự tại Indonesia thì chỉ 4 - 5%/năm. Thứ hai, khi định mức tín nhiệm quốc gia được nâng lên, dòng vốn ngoại vào Việt Nam cũng mang tính dài hạn hơn. Xếp hạng tín nhiệm quốc gia nâng cao thể hiện rủi ro chính sách thấp đi, các cải thiện tích cực hơn, từ đó cả cổ phiếu và nguồn vốn vay sẽ vào nhiều hơn, dài hạn hơn”, bà Giao cho biết.

Bà Trịnh Quỳnh Giao, Tổng giám đốc PVI AM

Bà Trịnh Quỳnh Giao, Tổng giám đốc PVI AM

Với dòng vốn nội, quan điểm của bà Giao không phải thu hút, mà là khơi thông.

“Nguồn vốn trong dân rất nhiều, theo thống kê của chúng tôi, có 76 triệu tỷ đồng tiền gửi trong ngân hàng, tỷ lệ tiết kiệm của người dân Việt Nam cao so với các nước khác. Về tài sản số, Việt Nam đang đứng thứ hai thế giới về nắm giữ. Vốn trong dân cũng nằm ở kênh vàng… Vậy làm thế nào để khơi thông nguồn vốn này vào doanh nghiệp, vào các kênh đầu tư? Theo tôi, cần tăng cường giáo dục kiến thức tài chính cho người dân”, bà Giao cho biết.

Hiện tại, Ủy ban Chứng khoán (UBCK) và các thành viên thị trường đã triển khai nhiều hoạt động giáo dục tài chính cho nhà đầu tư, nhưng cần tích hợp mạnh mẽ, cụ thể hơn nữa vào chương trình giáo dục cho học sinh phổ thông.

“Tôi nhìn thấy những series giáo dục tài chính thu hút hàng trăm nghìn lượt xem. Chúng tôi cũng đã tổ chức những khóa đào tạo ngắn hạn cho các em 15 - 19 tuổi, việc đầu tư 100 - 200 nghìn đồng ngay từ bé được các bạn rất quan tâm”, bà Giao nói và cho biết thêm, khi giáo dục tài chính đã định hình, nguồn vốn dồi dào trong dân sẽ được khơi thông, chuyển vào các quỹ đầu tư chuyên nghiệp. Quỹ sẽ biết đưa dòng vốn đó vào doanh nghiệp như thế nào để hỗ trợ cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế phát triển dài hạn.

Bên cạnh đó, một vấn đề quan trọng nữa là kênh phân phối các sản phẩm đầu tư chưa có sự kết hợp toàn diện. Ở nước ngoài, kênh tiếp cận nhà đầu tư đầu tiên là ngân hàng. Nhân viên ngân hàng là kênh tư vấn cho nhà đầu tư gần nhất, nếu họ đã tư vấn về cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ thì họ phải được cấp chứng chỉ hành nghề và được quản lý bởi UBCK. Tổ chức quản lý các nhân viên đó là ngân hàng, công ty chứng khoán phải có quy trình để việc tư vấn đó đáp ứng đúng khẩu vị nhà đầu tư cá nhân và có hình thức xử lý nhân viên nếu họ tư vấn không phù hợp. Khủng hoảng thị trường trái phiếu năm 2022 thực sự nằm ở kênh này, khi nhân viên không đủ kiến thức và không có quy trình bài bản tư vấn cho khách hàng.

Lam Phong

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/von-noi-va-von-ngoai-tai-thi-truong-viet-nam-con-nhieu-du-dia-post373590.html