Vòng tranh luận cuối cùng trước ngày bầu cử quan trọng 'Siêu thứ 3' tại Mỹ
Sáng 26/2 (theo giờ Việt Nam), các ứng cử viên của đảng Dân chủ bắt đầu cuộc tranh luận thứ 10 được phát sóng trực tiếp từ thành phố Charleston, bang Nam Carolina trước khi diễn ra cuộc bầu cử sơ bộ theo hình thức bỏ phiếu tại bang này vào ngày 29/2.
Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, cuộc tranh luận này rất quan trọng bởi sau cuộc bầu cử diễn ra tại bang Iowa, New Hampshire và Nevada, mọi sự chú ý sẽ đổ dồn về cuộc bầu cử sơ bộ tại bang Nam Carolina, bang lớn nhất trong 4 bang tiến hành bầu cử trong tháng 2 với 63 đại biểu và là bang có tỷ lệ cử tri người Mỹ gốc phi lớn nhất.
Hơn nữa, đây cũng là vòng tranh luận cuối cùng diễn ra một tuần trước ngày bầu cử quan trọng “Siêu thứ 3” khi 15 bang khác của Mỹ đồng loạt tiến hành bầu cử với hơn 30% số đại biểu tham dự Đại hội toàn quốc đảng Dân chủ để chọn ra đại diện chính thức cho đảng Dân chủ tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng với Tổng thống Donald Trump vào tháng 11 tới.
Chính vì vậy, các ứng cử viên đảng Dân chủ phải nỗ lực tập trung thể hiện mạnh mẽ quan điểm chính sách của mình về một loạt các vấn đề như sức khỏe, bảo hiểm y tế, giá thuốc, nhập cư, biến đổi khí hậu, giáo dục nhằm giành thêm được các đại biểu.
Để có thể tham gia tranh luận lần này, 7 ứng cử viên đảng Dân chủ gồm cựu Phó Tổng thống Joe Biden, Thượng nghị sĩ Bernie Sanders, cựu Thị trưởng thành phố South Bend Pete Buttigieg, Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren, Thượng nghị sĩ Amy Klobuchar, tỷ phú quỹ đầu tư Tom Steyer và cựu thị trưởng thành phố New York - tỷ phú Michael Bloomberg, hoặc phải có được một đại biểu ủng hộ ở các bang bầu cử trước đó là Iowa, New Hampshire hoặc Nevada hoặc phải có được tỷ lệ ủng hộ 12% trong hai cuộc thăm dò tại bang Nam Carolina hay ít nhất là 10% trong 4 cuộc thăm dò cấp quốc gia từ ngày 4-24/2.
Tính tới thời điểm này, ông Bernie Sanders hiện vẫn đang dẫn đầu trong các ứng cử viên khi ông liên tiếp giành chiến thắng tại hai bang bầu cử trước đó là New Hampshire và Nevada.
Đối với cựu Phó Tổng thống Joe Biden, cuộc tranh luận này có ý nghĩa quan trọng, giúp ông có thể lấy lại vị trí của mình và giành chiến thắng tại bang Nam Carolina nơi ông nhận được sự ủng hộ của nhiều cử tri người Mỹ gốc Phi sau kết quả không mấy khả quan tại các cuộc bầu cử trước đó.
Sau cuộc bầu cử này, ngày bầu cử “Siêu thứ 3 sẽ diễn ra vào ngày 3/3 tới. Trong lịch trình bầu cử Mỹ, đây là sự kiện đánh dấu giai đoạn quan trọng trong cuộc đua và quyết định liệu một ứng viên có khả năng lôi kéo cử tri ở tầm quốc gia không, chứ không còn ở từng bang riêng lẻ. Vì vậy, người chiến thắng trong ngày "Siêu thứ ba" sẽ có nhiều triển vọng để trở thành ứng viên chính thức của đảng tranh cử tổng thống.