VPBank đạt mức lợi nhuận kỷ lục hơn 10.000 tỷ đồng

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) vừa công bố lợi nhuận hợp nhất trước thuế trong năm 2019 đạt mức cao nhất trong lịch sử là 10.334 tỷ đồng, vượt 9% kế hoạch và tăng 12,3% so với năm 2018. Như vậy, doanh nghiệp này chính thức ghi tên mình vào danh sách số ít các ngân hàng có mức lợi nhuận hơn 10.000 tỷ đồng.

Động lực từ những phân khúc cốt lõi

Đại diện VPBank cho biết, lợi nhuận trước thuế của riêng ngân hàng mẹ năm 2019 là 5.835 tỷ đồng, chiếm gần 57% tổng lợi nhuận hợp nhất. Nếu tính riêng lợi nhuận được tạo ra từ hoạt động kinh doanh cốt lõi của ngân hàng, tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận lên đến 23,9%. Tổng thu nhập hoạt động hợp nhất trong năm của ngân hàng đạt 36.356 tỷ đồng, tăng 20,3% so với thời điểm một năm trước đó tính trên hoạt động kinh doanh cốt lõi và tiếp tục duy trì vị thế là một trong những ngân hàng tư nhân dẫn đầu về doanh thu. Tăng trưởng tín dụng hợp nhất đạt 17,6%, cao hơn so với mức tăng trưởng tín dụng trung bình của toàn hệ thống ngân hàng (khoảng 13,7%). Tăng trưởng huy động đạt mức 23,7% so với năm 2018, giúp ngân hàng đảm bảo an toàn vốn và mở rộng hoạt động kinh doanh.

 Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng.

Động lực chính giúp VPBank ghi nhận mức lợi nhuận kỷ lục là từ sự đột phá của hầu hết các phân khúc khách hàng, đặc biệt là sự đột phá ở các phân khúc tài chính tiêu dùng, khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ. Điều đó lý giải vì sao lợi nhuận từ ngân hàng mẹ ngày càng đóng góp tỷ trọng nhiều hơn vào lợi nhuận hợp nhất. Bằng cách tập trung khai thác sâu tệp khách hàng cá nhân hiện hữu, song song với việc đẩy mạnh tìm kiếm khách hàng mới, mở rộng hệ sinh thái thông qua những sản phẩm và dịch vụ tài chính đa dạng, lợi nhuận đến từ phân khúc khách hàng cá nhân đã tăng hơn 120% so với năm 2018. Đây là mức tăng trưởng mạnh nhất được ghi nhận trong phân khúc khách hàng cá nhân của VPBank từ trước đến nay. Kết quả này đạt được sau nhiều năm tập trung đầu tư các hệ thống nền tảng theo hướng một ngân hàng bán lẻ hiện đại.

Hoạt động kinh doanh trong các phân khúc khách hàng doanh nghiệp cũng đã bứt phá mạnh mẽ trong năm qua. Trong đó, lợi nhuận đến từ phân khúc khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng 36% và phân khúc khách hàng doanh nghiệp lớn cũng được cải thiện đáng kể so với năm 2018. Trong khi thu nhập lãi thuần vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nguồn thu hợp nhất của ngân hàng, lãi thuần từ phí dịch vụ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm 2019, đạt xấp xỉ 3.000 tỷ đồng. Đáng lưu ý là nếu tính về số tuyệt đối, VPBank là một trong những ngân hàng có doanh thu phí dịch vụ lớn nhất hệ thống. Tăng trưởng doanh thu từ phí dịch vụ chủ yếu hưởng lợi từ các hoạt động kinh doanh thẻ, hợp tác bán bảo hiểm và dịch vụ thanh toán. Sự đa dạng về nguồn thu và tăng trưởng mạnh ở nhiều mảng kinh doanh trong năm qua phản ánh nỗ lực không ngừng của ngân hàng trong các hoạt động nghiên cứu thị trường, đưa ra những sản phẩm phù hợp nhu cầu khách hàng, tinh chỉnh quy cách khai thác và phục vụ khách hàng.

Thêm dư địa tăng trưởng cho năm 2020

Kết thúc năm 2019, tỷ lệ nợ xấu hợp nhất của VPBank là 2,95% và tỷ lệ nợ xấu tại ngân hàng mẹ là 2,18%. Đặc biệt, ngân hàng đã tất toán toàn bộ dư nợ trái phiếu trị giá hơn 3.100 tỷ tại Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các Tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) còn lại trong năm 2019. Kiểm soát nợ xấu có thể được coi là một trong những điểm sáng bứt phá mạnh mẽ của VPBank trong năm 2019, khi tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng mẹ bao gồm cả dư nợ trái phiếu tại VAMC giảm từ 4,01% cuối năm 2018 xuống còn 2,18%. Quyết tâm xử lý dứt điểm dư nợ trái phiếu tại VAMC làm cho tổng chi phí dự phòng của ngân hàng mẹ năm 2019 tăng tới 35,3% so với năm trước đó. Nợ xấu giảm và dư nợ trái phiếu tại VAMC được tất toán sẽ mở ra dư địa tăng trưởng lợi nhuận lớn hơn cho ngân hàng trong năm 2020 và những năm tiếp theo, nhờ giảm được chi phí dự phòng nợ xấu.

Bên cạnh việc kiểm soát tốt nợ xấu, hiệu quả hoạt động của ngân hàng trong năm qua cũng đã được cải thiện rõ rệt nhờ tập trung tinh chỉnh cơ cấu tổ chức, tối ưu hóa hệ thống quy trình, nâng cấp phương pháp kinh doanh và thúc đẩy năng suất lao động tại ngân hàng mẹ. Tổng chi phí hoạt động của ngân hàng mẹ trong năm 2019 chỉ tăng 8,8%, thấp hơn rất nhiều so với tốc độ tăng 24,7% của doanh thu cốt lõi. Chỉ số chi phí hoạt động trên tổng thu nhập từ hoạt động kinh doanh cốt lõi giảm từ 40,9% năm 2018 xuống còn 37,9% trong năm 2019. Lợi nhuận tăng trưởng mạnh trong khi chi phí hoạt động được kiểm soát đã giúp VPBank tiếp tục duy trì vị thế là một trong những ngân hàng hoạt động hiệu quả nhất hệ thống. Tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) ở thời điểm cuối năm 2019 là 2,4%, cao hơn so với mức 2,2% cuối năm 2018. Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 21,5%, cao hơn so với mức 20,7% cuối năm 2018. Tổng hợp các biện pháp điều chỉnh lại hoạt động và cơ cấu kinh doanh theo định hướng tăng trưởng chất lượng, bền vững, tối ưu hóa chi phí hoạt động đã phát huy hiệu quả trong năm 2019 và tạo ra dư địa tăng trưởng lớn hơn trong những năm tiếp theo.

Bài và ảnh: NGUYỄN ANH VIỆT

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/vpbank-dat-muc-loi-nhuan-ky-luc-hon-10-000-ty-dong-609287