Vụ 100 container hạt điều: Doanh nghiệp vì sao sập bẫy?
Nguyên nhân chính dẫn đến bị lừa là các doanh nghiệp quá tin tưởng vào công ty môi giới, không kiểm tra thông tin về đối tác.
Doanh nghiệp bị lừa do quá tin công ty môi giới
Theo báo cáo của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại hội thảo phòng ngừa lừa đảo, tranh chấp trong thương mại quốc tế ngày 23.8, các doanh nghiệp toàn cầu thiệt hại khoảng 5% doanh thu mỗi năm do bị lừa đảo.
Ngoài ra, có 52% doanh nghiệp tham gia khảo sát của PwC từ Việt Nam cho biết họ trải nghiệm lừa đảo hoặc tội phạm kinh tế khác trong 2 năm trước thời điểm khảo sát. Tỷ lệ này cao hơn mức 46% của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và mức 49% của toàn cầu.
Tuy nhiên, không nhiều doanh nghiệp Việt Nam muốn báo cáo cho cơ quan nhà nước. Lý do chủ yếu là không tin tưởng cơ quan nhà nước, lo ngại thông tin bị lộ lọt ra ngoài…
Liên quan đến vụ việc các doanh nghiệp Việt Nam bị lừa xuất khẩu hạt điều sang Ý, ông Bạch Khánh Nhựt, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) chia sẻ, ngày 7.3.2022, sau khi nắm được thông tin ban đầu về vụ lừa đảo, VINACAS đã tổ chức họp khẩn với các doanh nghiệp liên quan để nắm tình hình; đồng thời gửi công văn cho các cơ quan chức năng.
“Anh Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại đã hỗ trợ rất nhiệt tình, hiệu quả thông qua việc lập ngay một group trên Viber gồm các anh chị liên quan của Đại sứ quán Việt Nam tại Ý, thương vụ Việt Nam tại Ý, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ; các cục, vụ liên quan của Bộ Công Thương để trao đổi thông tin, chuyển tải văn bản trong xử lý vụ việc”, ông Nhựt nói.
Ngày 9.3, VINACAS tổ chức làm việc với các ngân hàng, các hãng vận chuyển và các doanh nghiệp để các ngân hàng xác nhận tình trạng thất lạc bộ chứng từ của của các container để làm cơ sở cho VINACAS báo cáo vụ việc lên Thủ tướng và các bộ ngành liên quan; đồng thời, đề nghị các hãng tàu tạm giữ các lô hàng, không giao cho bất cứ ai.
Đến ngày 17.3, cảnh sát kinh-tài của Ý đã ra quyết định tạm giữ các container nghi bị lừa khi đến các cảng của họ. Hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam đã được bảo vệ.
Theo ông Nhựt, nguyên nhân dẫn đến các doanh nghiệp bị lừa do quá tin tưởng vào công ty môi giới, không kiểm tra thông tin đối tác. Trong thời gian dịch bệnh khó khăn, có được những đơn hàng lớn nên doanh nghiệp mong muốn bán được hàng; nhất là vào thời điểm thị trường ít có giao dịch. Ngoài ra, doanh nghiệp sử dụng phương thức thanh toán nhiều rủi ro.
Làm sao tránh sự lừa đảo?
Ông Ngô Khắc Lễ, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cho biết cách phòng tránh là trong trường hợp người mua yêu cầu chỉ dùng một bộ vận đơn do hãng tàu cấp (ký phát) thì nên sử dụng vận đơn theo lệnh (to order bill of lading) và ở phần "người nhận hàng (consignee)" nêu trên vận đơn ghi là "theo lệnh của ngân hàng".
Ngân hàng này là ngân hàng mà người bán nhờ thu tiền và giao chứng từ cho người mua. Người bán sẽ chỉ thị cho ngân hàng này khi nhận được tiền hàng của người mua thì ký (endorsed) trên vận đơn và ghi rõ là chuyển quyền nhận hàng cho họ, ví dụ "Yêu cầu giao hàng cho Công ty ABC" (người mua) (please deliver to ABC company).
Với cách làm này, người mua không thể cho rằng có thể gây ra chậm trễ cho họ trong việc nhận hàng vì họ chỉ cần trả tiền hàng là sẽ có vận đơn để nhận hàng và nếu vận đơn có bị thất lạc khi gửi đến ngân hàng thì người nhận hàng cũng không nhận được hàng vì vận đơn không hợp lệ (chưa có ký chuyển quyền nhận hàng của ngân hàng) nên hãng tàu không trả hàng.
Nếu người mua yêu cầu dùng vận đơn đích danh là loại vận đơn ghi rõ tên người nhận hàng trên vận đơn thì người bán nên sử dụng nghiệp vụ vận đơn chủ (master bill of lading) và vận đơn thứ cấp (house bill of lading).
Như vậy, trên vận đơn chủ, ghi tên người nhận hàng là đại lý của người giao nhận. Đối với vận đơn thứ cấp, tên người nhận hàng chính là tên người mua hàng. Bộ chứng từ gửi cho ngân hàng phía người mua có vận đơn thứ cấp.
Sau khi trả tiền hàng cho ngân hàng, người mua sẽ có vận đơn này và nộp cho đại lý của người giao nhận để nhận hàng. Vận đơn chủ được gửi thẳng từ người giao nhận cho đại lý của họ. Như vậy, nếu một phần hoặc tất cả vận đơn bị thất lạc, người có vận đơn cũng không thể nhận hàng từ hãng tàu vì chỉ đại lý của người giao nhận mới nhận được hàng từ hãng tàu bằng vận đơn chủ.
Cẩn trọng với lòng tham
Cũng theo ông Lễ, nên chỉ định ngân hàng quốc tế có uy tín tại nước nhập khẩu để thu tiền, ký hậu vận đơn (trong trường hợp dùng 1 bộ vận đơn), giao bộ chứng. Chi phí tăng thêm không đáng kể so với trị giá lô hàng để bảo đảm an toàn; nên có đặt cọc một số tiền nhỏ để giảm thiệt hại khi người mua không nhận hàng, thông thường khoảng 10% trị giá lô hàng.
Đồng thời không cho người mua biết tên hãng chuyển phát bộ chứng từ mà chỉ cho họ biết khoảng thời gian cần liên hệ với ngân hàng nhờ thu để thanh toán tiền hàng, nhận chứng từ. Việc này cũng không có gì là không thể chấp nhận vì đó không phải việc của người mua.
Ông Lễ cho rằng nên thận trọng hơn với doanh nghiệp đối tác mới giao dịch lần đầu. Nên chủ động gửi đăng ký kinh doanh của mình trước cho đối tác để có cơ sở đề nghị họ gửi đăng ký kinh doanh và coi đây là việc bình thường khi giao dịch để qua đó biết được thông tin của doanh nghiệp. Ngoài ra, có thể tìm hiểu đối tác qua sự giúp đỡ của đại sứ quán, thương vụ Việt Nam ở nước sở tại.
“Lựa chọn đối tác gần như là khâu quyết định của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Đối tác có uy tín, làm ăn lâu năm thì dù giá có tăng hay giảm, họ vẫn duy trì hợp đồng”, ông Lễ nói.
Một giải pháp nữa là nên gọi điện thoại để biết cụ thể tên người, số điện thoại bàn, số di động; sử dụng địa chỉ email của công ty (có thể kết hợp với địa chỉ thư điện tử công cộng) để dễ dàng hơn khi xác định người, công ty sau này vì họ phải đăng ký dịch vụ điện thoại để bàn, thư điện tử riêng (không phải công cộng) ở nước sở tại; nên thuê tư vấn soạn thảo hợp đồng…
“Cố gắng kiểm soát lòng tham trong kinh doanh vì đó là mục tiêu đối tác xấu nhắm đến ngay từ ban đầu (cho giá tốt, mời đi du lịch miễn phí...) cũng như trong quá trình làm ăn với nhau thời gian sau đó (tăng số lượng hàng để có trị giá hợp đồng cao hơn đến mức nào đó; dùng sơ hở có từ trước, hoặc mới phát sinh và vì đã tin nhau để lừa đảo)”, ông Lễ nói.