Vụ 6 người nghi ngộ độc botulinum ở TP.HCM: Báo cáo điều tra viết gì?
Trong 3 vụ nghi ngộ độc botulinum khiến 6 người ở TP.HCM nhập viện, đoàn kiểm tra lấy mẫu bánh mì và chả lụa liên quan đến một vụ. Kết quả cho thấy mẫu kiểm nghiệm âm tính với độc tố botulinum.
Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM vừa có báo cáo kết quả điều tra các vụ ngộ độc Clostridium botulinum xảy ra hồi tháng 5, rải rác ở các phường trên địa bàn TP Thủ Đức.
Vụ số 1: Vụ 3 trẻ nhỏ (N.V.Đ, N.V.H, N.T.X) và bà N.T.H, xảy ra tại phường Long Thạnh Mỹ. Đoàn kiểm tra đã lấy mẫu bánh mì và chả lụa kiểm nghiệm.
Vụ số 2: Vụ ông P.V.H, ngụ tại phường Cát Lái.
Vụ số 3: Hai anh em ruột điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
Vụ 3 trẻ nhỏ ngộ độc: Không còn mẫu chả lụa đã ăn
Ngày 13/5, gia đình mua một cây chả lụa khoảng 250g và 8 ổ bánh mì của người bán dạo. Bốn người trong nhà cùng ăn bữa sáng với món chả lụa và bánh mì là các em Đ., X., H. và bà H.
Bữa trưa và chiều có các món: trứng chiên cà chua, khô cá đủ chiên, canh khổ qua xương heo, cơm trắng, tôm nướng, thịt bò nướng, mực nướng, mì, sữa.
Khoảng 19h ngày 13/5, bà H. có triệu chứng đầu tiên: buồn nôn, nôn ói, đau bụng, nhức đầu, tiêu chảy. Bà H. tự mua thuốc và hồi phục.
Khoảng 7h30 hôm sau, các em H., Đ., X. buồn nôn, nôn ói, đau bụng, nhức đầu, tiêu chảy. Người nhà đưa các bé đi khám rồi về nhà. Khoảng 15h, 3 bé có các biểu hiện như say rượu, đi bị ngã, không ăn uống được nên đã đưa đến Bệnh viện Quân dân y miền Đông. Bé Đ. được chỉ định nhập viện.
Tối cùng ngày, tình hình em Đ. diễn tiến phức tạp, triệu chứng ngày càng nặng nên được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 2. Sau khi làm các xét nghiệm liên quan, hội chẩn với Bệnh viện Chợ Rẫy, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị ngộ độc botulinum. Bệnh viện Nhi đồng 2 yêu cầu 2 bé còn lại nhập viện điều trị do nghi ngờ cùng ngộ độc botulinum.
Kiểm tra thấy gì?
Đoàn kiểm tra liên ngành An toàn thực phẩm đã lấy mẫu bánh mì còn lại ở nhà các em để kiểm nghiệm chỉ tiêu botulinum, kết quả âm tính. Bánh mì lấy tại lò bánh thuộc phường Long Trường (TP Thủ Đức), có giấy cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất.
Các bệnh nhân đã ăn hết phần chả lụa. Cơ sở sản xuất cũng không còn mẫu chả lụa ngày 13/5, chỉ có thành phẩm sản xuất ngày 17/5. Kết quả kiểm nghiệm âm tính với botulinum.
Theo báo cáo, căn cứ trên triệu chứng lâm sàng, cận lâm sàng, thời gian khởi phát, kết quả điều tra dịch tễ, kết quả chẩn đoán của Bệnh viện Quân dân y miền Đông và Bệnh viện Nhi đồng 2, UBND TP Thủ Đức kết luận đây là vụ ngộ độc thực phẩm do độc tố C.botulinum. Tuy nhiên, "chưa đủ cơ sở để kết luận cơ sở nguyên nhân", báo cáo viết.
Chưa đủ cơ sở kết luận 2 vụ còn lại là ngộ độc thực phẩm
Theo báo cáo, 2 vụ việc còn lại không đủ cơ sở kết luận là ngộ độc thực phẩm.
Trong vụ số 2, ông P.V.H. (45 tuổi) nhập Bệnh viện Lê Văn Thịnh vào ngày 15/5 rồi được chuyển lên Bệnh viện Nhân dân Gia Định điều trị. Ngày 24/5, ông H. tử vong.
Khi nhập viện, bệnh nhân có các triệu chứng mệt, hoa mắt, không tỉnh táo. Ngày 13/5, bữa sáng của ông H. gồm chả lụa, bánh ướt; bữa trưa không có thông tin; bữa tối ăn cơm và mắm kho. Ngày 14/5, bữa sáng của ông H. có sữa, bữa trưa và chiều không có thông tin.
Trong vụ số 3 (hai anh em ruột điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy), 2 bệnh nhân ăn các bữa giống nhau vào ngày 13/5. Đến tối cùng ngày, người em đến khám tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh trong tình trạng không tỉnh táo, mệt mỏi, yếu cơ, được chuyển vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới.
Đến ngày 18/5, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy để điều trị. Người anh cũng vào Bệnh viện Chợ Rẫy với triệu chứng không tỉnh táo, mệt mỏi. Hai bệnh nhân không nhớ rõ các món ăn, thời gian ăn trong các ngày.
Do đó, hai vụ số 2 và 3 không thể tiến hành điều tra nhiều nội dung liên quan đến thức ăn, thời gian ăn, nguồn gốc và tình hình chế biến thực phẩm. UBND TP Thủ Đức nhận định 2 vụ trên không đủ cơ sở kết luận là ngộ độc thực phẩm.
Như VietNamNet đã đưa tin, khoảng giữa tháng 5, TP.HCM liên tiếp ghi nhận 6 bệnh nhân nhập viện nghi ngờ ngộ độc botulinum gồm 3 trẻ nhỏ và 3 người lớn. Bệnh viện Chợ Rẫy đã điều chuyển 2 lọ thuốc giải độc BAT để truyền cho 3 trẻ điều trị ở Bệnh viện Nhi đồng 2. Những bệnh nhân còn lại phải thở máy kéo dài.
Ngày 24/5, bệnh nhân 45 tuổi tử vong. Đây là trường hợp xác định sự hiện diện của độc tố botulinum type A khi cấy mẫu phân của người bệnh ngay khi nhập viện.
Bộ Y tế đã liên hệ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và được hỗ trợ 6 lọ thuốc giải BAT. Tối 24/5, thuốc về đến TP.HCM nhưng các bệnh nhân đã quá giai đoạn sử dụng được thuốc. Số thuốc này hiện được phân bố cho các bệnh viện dự trữ.
Sau thời gian điều trị, 2 trẻ nhỏ đã xuất viện, 1 em tiếp tục được theo dõi tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM. Hai anh em ruột điều trị ở Bệnh viện Chợ Rẫy chuyển về theo dõi tại Bệnh viện Đa khoa Hậu Giang.