Vụ án 'Ve sầu thoát xác'
BP - Trong điều tra phá án, việc lần tìm manh mối, xâu chuỗi sự kiện, tình tiết vụ án cần có sự logic. Vì vậy, đức tính không thể thiếu của người làm công tác điều tra, đó là sự nhẫn nại, cẩn trọng, tỉ mỉ, không bỏ qua bất cứ tình tiết, manh mối nào dù là nhỏ nhất. Điều này từng được minh chứng qua trường hợp Hình bộ Lang trung Phí Trực thời vua Trần Minh Tông khi điều tra vụ Văn Khánh - một tên đầu sỏ bọn trộm cướp.
Phí Trực là người nổi tiếng thông minh và làm việc rất cẩn thận nên ai cũng kính nể. Mỗi lần xử án, Phí Trực thường xem đi xét lại rất kỹ, thà mang tiếng chậm, chứ quyết không xử sai. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” chép rằng, tháng 3 năm Đinh Tỵ (1317), thượng hoàng phong Phí Trực làm An phủ Thiên Trường. Đây là đặc ân của triều đình, vì phủ Thiên Trường lúc đó coi như kinh đô thứ 2 của nhà Trần, các thượng hoàng thường ngự về đó. Theo thông lệ, chức An Phủ sứ Thiên Trường phải là những viên quan từng kinh qua chức an phủ sứ cấp lộ, tức là đứng đầu mỗi lộ, tương đương như tỉnh hiện nay. Nhưng Phí Trực thì được ngoại lệ bởi tính cẩn thận, minh bạch của ông.
Sự việc xảy ra vào năm 1317, triều đình đã nhiều lần cho quan quân lùng bắt tên trộm khét tiếng mà không được. Thế nhưng bỗng dưng có người khai bắt được một tên cướp, giải lên nộp quan và bảo tên này chính là Văn Khánh. Đến khi quan ngục tra hỏi nghi phạm, kẻ bị bắt cũng nhận ngay mình là Văn Khánh mà bấy lâu nay đang bị tróc nã gắt gao. Vì thế, ai cũng cho là đã bắt được Văn Khánh, mà chẳng mảy may nghi ngờ có điều gì khuất tất.
Thế nhưng với kinh nghiệm của một vị quan tham gia lãnh đạo bộ Hình, Phí Trực lấy làm nghi ngờ, không hiểu sao tên trộm cướp đầu sỏ khét tiếng mà lại bị bắt một cách dễ dàng đến thế và cũng khai ngay mình là Văn Khánh. Điều này không khỏi làm ông băn khoăn. Bởi luật pháp nhà Trần thời đó rất nghiêm khắc đối với tội trộm cướp với hình phạt rất nặng. Kẻ trộm và người trốn tránh có thể bị chặt ngón chân cho đến chặt chân, chặt tay hay là cho voi giày đến chết để chừa mãi thói đạo chích. Vì phân vân, nên việc xét xử tên Văn Khánh để lâu không giải quyết.
Thượng hoàng Trần Anh Tông biết chuyện lấy làm nóng lòng nên đã cho hỏi và Phí Trực bấy giờ mới trải lòng mình rằng: Thưa thượng hoàng, sinh mạng con người rất đáng quý. Trong vụ việc này, lòng thần còn có chỗ nghi ngờ nên không dám liều lĩnh xử án. Và cứ thế mà vụ xét xử tên Văn Khánh vẫn đình lại, chưa có tiến triển gì mới. Một thời gian sau, thượng hoàng Trần Anh Tông sốt ruột, lại hỏi đến án Văn Khánh thế nào, Phí Trực vẫn trả lời như lần trước. Thượng hoàng lấy làm giận ông, mới bảo: Nó đã nhận như thế, ngươi còn ngờ gì nữa mà không xử đi. Sao để mất thời gian nhiều đến thế!
Phí Trực thấy bề trên nóng ruột, trách móc, bèn tâu bày uẩn khúc trong lòng mình:Thần thấy nó không bị tra tấn khổ sở mà điềm nhiên thú nhận, nên thần trộm lấy làm ngờ có vấn đề khuất tất chi đây trong vụ này. Và nghi ngờ của Phí Trực quả nhiên không sai, bởi khoảng 1 năm sau, tên tướng cướp Văn Khánh thật mới bị sa lưới, đeo gông vào cổ. Thượng hoàng lúc đó thấy tài năng của ông Hình bộ Lang trung xét việc cẩn trọng như thế nào, coi trọng sinh mạng con người ra sao.
Và vì còn có nhiều nghi ngờ, khuất tất trong vụ án này nên quan tra án là Phí Trực quyết không thi hành án tử với người tự nhận là tướng cướp. 1 năm sau, Văn Khánh quả nhiên bị bắt. Biết không thể thoát tội, tên Văn Khánh thật đã khai rằng việc có tên Văn Khánh giả nhận tội thay y chỉ là kế “ve sầu thoát xác” do âm mưu của chính tên Văn Khánh thật. Khi ấy, thượng hoàng Trần Anh Tông không biết nói gì khác ngoài xuống chiếu khen Phí Trực là vị quan xét án nghiêm minh, cẩn thận.
Lời bàn:
Dưới thời phong kiến, mỗi khi vua chúa băng hà, triều đình có thể đem chôn theo các cung tần, mỹ nữ, gia nô và thậm chí là cả lính canh. Như thế cũng đủ biết mạng người lúc ấy chẳng đáng là gì. Và giữa cái thời buổi mà sinh linh bị rẻ rúng ấy, Phí Trực đã dám nói rằng mạng người rất trọng thì quả là lạ, là đáng khâm phục. Bởi với lời tâu ấy mà rất có thể ông sẽ tự rước họa vào thân. Bởi vua là người có quyền sinh, quyền sát đối với mọi thần dân. Thế mới hay rằng, làm quan tòa cũng cần có dũng khí, bởi thiếu dũng khí thì chẳng bao giờ bảo vệ được công lý, công bằng và lẽ phải.
Một khi là quan tòa mà chỉ trước là lo làm vừa lòng bề trên, sau là lo giữ thân mình và cuối cùng mới tính đến sự đúng - sai, thì công lý đành phải ngả nón mà chào bái biệt. Như vậy, tấm gương cẩn trọng của quan tra án Phí Trực thời Trần thật đáng để người đời sau noi theo. Thế nhưng, hậu thế ngày nay không phải ai cũng làm được việc mà ông Phí Trực đã làm cách đây gần 700 năm. Vì thế, thời nay mới có chuyện ở đâu cũng có cuộc thi “chạy”: Chạy hủy chứng cứ, tang vật; chạy án, chạy tội, chạy khỏi bị tù hoặc chạy để được hưởng án treo... Ngày 26-7-2018, Cơ quan Điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã thực hiện lệnh bắt, tạm giam Lê Thị Bích Anh (cựu Phó chánh án Tòa án nhân dân huyện Đan Phượng, Hà Nội). Theo đó, nữ thẩm phán này đã nhận 300 triệu đồng của người nhà bị cáo với thỏa thuận tuyên án tù treo. Thật đáng buồn thay!.
Nguồn Bình Phước: http://baobinhphuoc.com.vn/content/vu-an-ve-sau-thoat-xac-322314