Vụ Bản tích tụ ruộng đất phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa
Nhằm tiếp tục phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, nâng cao giá trị thu nhập cho nông dân trong điều kiện khí hậu, thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, huyện Vụ Bản xác định giải pháp đẩy mạnh tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa là quan trọng, được tập trung chỉ đạo đồng bộ từ huyện đến cơ sở, góp phần tạo nguồn lực xây dựng... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Nhằm tiếp tục phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, nâng cao giá trị thu nhập cho nông dân trong điều kiện khí hậu, thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, huyện Vụ Bản xác định giải pháp đẩy mạnh tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa là quan trọng, được tập trung chỉ đạo đồng bộ từ huyện đến cơ sở, góp phần tạo nguồn lực xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu ở địa phương.
Xác định tích tụ ruộng đất là giải pháp tất yếu để thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất bền vững nâng cao giá trị thu nhập và tạo việc làm cho nông dân, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Vụ Bản đã ban hành các nghị quyết chuyên đề, chương trình hành động lãnh đạo các xã, thị trấn thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Huyện yêu cầu các địa phương tích cực, chủ động triển khai tích tụ ruộng đất, xác định nhiệm vụ cụ thể của từng năm, từng giai đoạn để đạt được kết quả cao nhất. Thực hiện chỉ đạo của huyện, UBND các xã, thị trấn đã tổ chức quán triệt các nội dung nghị quyết, văn bản chỉ đạo của tỉnh, huyện tạo sự thống nhất khi triển khai thực hiện, thành lập Ban chỉ đạo, xây dựng kế hoạch tái cơ cấu nông nghiệp, tích tụ ruộng đất và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Bên cạnh đó, các cấp, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tích tụ ruộng đất để hình thành những cánh đồng lớn cùng giống, cùng trà, ứng dụng cơ giới hóa các khâu gieo trồng, thu hoạch nhằm đảm bảo thời vụ, giảm lao động nặng nhọc, giảm chi phí đầu vào để nông sản tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Trong 5 năm qua, các cơ quan trong khối nông nghiệp của huyện đã phối hợp với Sở NN và PTNT, Hội Nông dân tỉnh triển khai nhiều chương trình khoa học ứng dụng trong sản xuất, tập huấn chuyển giao kỹ thuật về cây trồng, con nuôi, đào tạo nghề cho nông dân... Toàn huyện đã tổ chức 180 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật với tổng số 21.600 lượt người tham dự; 43 lớp dạy nghề với 1.520 người tham gia học. Đài Phát thanh huyện đã xây dựng phát sóng nhiều tin, bài về các mô hình điểm hiệu quả trong tái cơ cấu nông nghiệp để tuyên truyền, nhân rộng. Qua đó tạo sự chuyển biến căn bản, tích cực trong nhận thức, ý thức của đội ngũ cán bộ, người dân về tái cơ cấu nông nghiệp. Đề án tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất được triển khai đồng bộ, hiệu quả ở các địa phương, qua đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân thực hiện. Theo đánh giá của Phòng NN và PTNT huyện, đến nay các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn đã thực hiện tích tụ ruộng đất để sản xuất lúa tập trung với diện tích khoảng trên 188ha, một số HTX nông nghiệp đã liên kết với các doanh nghiệp xây dựng một số mô hình liên kết sản xuất ổn định ở các xã Liên Bảo, Minh Tân, Trung Thành, Tam Thanh, Minh Thuận… Thông qua các mô hình liên kết, nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống cây trồng, con nuôi, các biện pháp thâm canh tổng hợp được đưa vào sản xuất; đã hình thành các vùng chuyên canh liên kết sản xuất với bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm nhưng giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tiếp tục tăng. Trồng trọt phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với phát triển công nghiệp bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị gia tăng của nông sản, mở rộng tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, chuyển đổi sản xuất từ số lượng sang chất lượng. Tỷ lệ lúa chất lượng cao tăng từ 65% diện tích lên 85% diện tích; hiệu quả sản xuất lúa tăng 7-10%; phương thức sản xuất, nhất là khâu gieo trồng và thu hoạch được cơ giới hóa mạnh mẽ, đã tiết kiệm thời gian, giảm chi phí sản xuất. Đã hình thành nhiều “cánh đồng lớn”, “cánh đồng liên kết” theo chuỗi giá trị giữa hộ nông dân, HTX nông nghiệp với doanh nghiệp với hiệu quả sản xuất tăng từ 15-20%. Việc tích tụ ruộng đất cũng tạo thuận lợi cho việc chuyển đổi linh hoạt đất trồng lúa ở những diện tích không hiệu quả sang sản xuất đối tượng khác cho giá trị kinh tế tốt hơn. Trong 5 năm qua toàn huyện đã chuyển đổi được 264ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản, trồng cây cảnh, cây dược liệu,… hiệu quả kinh tế cao gấp 2-3 lần so với trồng lúa. Hình thành các vùng nuôi thủy sản tập trung quy mô vừa và nhỏ ở các xã Hợp Hưng, Hiển Khánh, Tam Thanh, Tân Khánh, Đại Thắng...; phương thức nuôi chuyển dần từ nuôi quảng canh sang thâm canh, đối tượng nuôi đa dạng với các giống thủy đặc sản có năng suất, chất lượng cao, thị trường tiêu thụ ổn định. Ngoài diện tích mặt nước thì hiện nay nhiều vùng trồng lúa kém hiệu quả đã được cải tạo chuyển sang nuôi 1 vụ cá kết hợp 1 vụ lúa. Hầu hết các mô hình sau chuyển đổi đều cho hiệu quả kinh tế cao gấp 2-3 lần so với cấy lúa. Ruộng đất được tập trung tích tụ, cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn được xây dựng đồng bộ, hệ thống thủy lợi nội đồng được nâng cấp đáp ứng yêu cầu sản xuất linh hoạt đã thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp. Công ty CP Sản xuất và Đầu tư nông nghiệp công nghệ cao Thần Nông thực hiện dự án xây dựng và phát triển kinh tế trang trại sản xuất rau, củ, quả sạch quy mô 3,5ha tại xã Đại Thắng. Công ty Tư vấn và Đầu tư dịch vụ nông nghiệp Việt Nam triển khai dự án trồng lạc theo chuỗi áp dụng cơ giới hóa. Đến nay đã triển khai ký hợp đồng thuê đất của các hộ dân để thực hiện với diện tích 14ha tại thị trấn Gôi và 2 xã Tam Thanh, Liên Bảo. Công ty TNHH STEVION thực hiện dự án trồng và chế biến cỏ ngọt tại thị trấn Gôi với quy mô 3ha. Công ty TNHH một thành viên Dược liệu xanh Nam Hà hiện đang thực hiện các thủ tục thuê đất đầu tư dự án trồng và bảo tồn nguồn gen các cây dược liệu Việt Nam với quy mô 2,5ha tại xã Đại Thắng... Bên cạnh đó, toàn huyện có 121 hộ nông dân đã tập trung ruộng đất chủ yếu bằng hình thức “mượn đất” để đầu tư sản xuất với quy mô từ 1ha trở lên. Ngoài ra, trên địa bàn huyện đã quy hoạch và xây dựng được một số mô hình liên kết sản xuất ổn định, trong đó, doanh nghiệp giữ vai trò đầu mối, định hướng cho nông dân; HTX là cầu nối đại diện của nông dân tham gia các liên kết với doanh nghiệp như các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ giống lúa Bắc thơm số 7; mô hình liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ ngô ngọt; mô hình sản xuất và bảo quản khoai tây giống quy mô 50ha tại xã Thành Lợi, Đại Thắng, Liên Bảo, Liên Minh theo hình thức liên kết sản xuất và tiêu thụ. Nông dân nhận giống, vật tư nông nghiệp của HTX và tổ chức sản xuất theo chỉ đạo của HTX, cuối vụ bán sản phẩm cho HTX theo hợp đồng ký kết đầu vụ…
Có thể thấy, việc thúc đẩy tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất nông sản hàng hóa ở Vụ Bản đang ngày càng khẳng định sự đúng đắn và phù hợp với thực tiễn hiện nay, góp phần tăng năng suất lao động, hiệu quả sử dụng đất và nâng cao khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông sản trên thị trường./.
Bài và ảnh: Văn Đại