Vụ bảo kê nuôi trồng thủy sản ở Vịnh Bái Tử Long: Bắt Chủ tịch phường
Nguyễn Công Thọ, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Cẩm Trung, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh bị tạm giam vì liên quan đến vụ 'bảo kê' nuôi trồng thủy sản ở Vịnh Bái Tử Long.
Mở rộng điều tra vụ "bảo kê" nuôi trồng thủy sản ở Vịnh Bái Tử Long, chiều 16/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện lệnh tạm giam đối với Nguyễn Công Thọ, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Cẩm Trung.
Nguyễn Công Thọ từng giữ chức Đội trưởng Đội kiểm tra trật tự đô thị và môi trường thành phố Cẩm Phả.
Thành ủy Cẩm Phả sẽ tiến hành các bước theo quy định xét kỷ luật cán bộ sớm nhất đối với Nguyễn Công Thọ, dự kiến trong chiều 17/3.
Trước đó, hồi giữa năm 2022, bốn cán bộ Đội kiểm tra trật tự đô thị và môi trường thành phố Cẩm Phả bị Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố khởi tố bị can, bắt tạm giam để điều tra về hành vi nhận hối lộ, liên quan đến việc nuôi trồng thủy sản trái phép trên Vịnh Bái Tử Long và bị khai trừ ra khỏi Đảng.
Cụ thể, Ban Thường vụ Thành ủy Cẩm Phả đã quyết định khai trừ ra khỏi Đảng đối với Phạm Thành Nam (Phó đội trưởng), Trần Văn Hùng, Đoàn Quốc Hiệp (cùng là viên chức) và Bùi Duy Tùng (hợp đồng lao động).
Các cán bộ, nhân viên nói trên có hành vi nhận hối lộ liên quan đến việc hơn 100 hộ dân nuôi trồng thủy sản trái phép trên Vịnh Bái Tử Long.
Từ năm 2018 đến nay, với chức năng nhiệm vụ quản lý nhà nước về tuần tra kiểm soát công tác nuôi trồng thủy sản trên vịnh Bái Tử Long thuộc lãnh hải thành phố Cẩm Phả, Đội Kiểm tra trật tự đô thị và môi trường thành phố đã để xảy ra tình trạng các hộ dân nuôi trồng thủy sản tự phát, ngoài vùng quy hoạch, lấn chiếm luồng lạch, gây mất an toàn giao thông đường thủy, ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan trên vịnh.
Từ đầu tháng 8/2022, thành phố Cẩm Phả phải huy động nhân lực, vật lực thành lập tổ công tác cưỡng chế, yêu cầu các hộ dân tháo dỡ, di dời, khắc phục hậu quả công trình nuôi trái phép trên vịnh Bái Tử Long. Tuy nhiên, nhiều hộ nuôi vẫn “qua mặt” cơ quan chức năng, trực tiếp là Đội kiểm tra trật tự đô thị và môi trường thành phố Cẩm Phả.
Người dân vẫn cố tình tiếp tục thả giống xuống biển, dẫn đến thiệt hại nặng nề khi bị cưỡng chế, nhiều hộ rơi vào cảnh nợ nần. Cơ quản lý Nhà nước phải xử lý hậu quả, tốn kém ngân sách và nhân lực, môi trường biển bị ô nhiễm, an toàn giao thông đường thủy bị đe dọa.
Để tăng cường quản lý và phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản trên biển trên phạm vi toàn tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký mới đây đã chỉ đạo đến ngày 31/3/2023, tất cả các địa phương có biển phải hoàn thành đánh giá hiện trạng, làm rõ diện tích, vị trí, tọa độ những trường hợp nuôi trồng thủy sản trên biển mới phát sinh, nuôi biển, qua đó xác định rõ trách nhiệm và nguyên nhân, kiến nghị biện pháp xử lý.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh giao Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo thành lập đoàn kiểm tra liên ngành do Công an tỉnh chủ trì, phối hợp cùng cơ quan quản lý nhà nước khác, tiến hành kiểm tra toàn diện trên phạm vi toàn tỉnh, tổng hợp báo cáo về tỉnh chậm nhất trước ngày 30/4/2023./.