Vụ bắt cóc kỳ lạ… quan tài của hề Sác-lô
Tháng 3/1978, hai người đàn ông đã âm mưu làm giàu bằng một chiêu quái lạ là đánh cắp quan tài đặt thi thể của huyền thoại điện ảnh Charlie Chapline.
Charlie Chaplin biết cách để tiêu khiển, đúng hơn là ông biết chính xác điều gì khiến mọi người cười. Sự nghiệp diễn hài của nam diễn viên, đạo diễn người Anh đã trải dài gần tám thập niên, bắt đầu từ năm lên 10 tuổi khi ông vào vai diễn với điệu nhảy buộc chân năm 1897.
Từ sân khấu hài kịch, Chaplin tham gia đóng bộ phim câm đầu tiên vào những năm 20 tuổi. Chỉ trong lần xuất hiện thứ hai trước máy quay, ông đã trình làng nhân vật điện ảnh bất tử của mình, “Người lang thang”, một sáng tạo khiến những người yêu điện ảnh cùng cười và khóc theo hàng chục bộ phim của ông.
Thời hoàng kim của phim câm, Chaplin sở hữu “bàn tay của Vua Midas”, chạm đâu cũng là vàng! Ngay cả khi thế giới đã bùng nổ của điện ảnh nói, siêu sao phim câm vẫn khiến công chúng khắp nơi ngả mũ với hình ảnh chế trùm phát xít Đức Adolf Hitler trong bộ phim “The Great Dictator” vào năm 1940.
Nhưng điều kỳ lạ hơn với sự nghiệp của Chaplin là ông vẫn có thể có một trò giải trí cuối cùng để cống hiến cho thế giới, hai tháng sau khi chết.
Từng trải qua những cơn đột quỵ vào thập niên 1960 và 1970, ông già Chaplin ốm yếu ngồi xe lăn trải qua những năm tháng cuối đời bên người vợ thứ tư, Oona, trong căn nhà bên Hồ Geneva, Thụy Sĩ.
Đúng ngày Giáng sinh năm 1977, ông qua đời trong giấc ngủ tại biệt thư riêng của mình ở Corsier-sur-Vevey, thọ 88 tuổi. Vài ngày sau Chaplin được an táng trong nghĩa trang địa phương, nhưng giấc ngủ yên bình của ông chỉ kéo dài được vài tháng.
Ngày 2/3/1978, cảnh sát gọi điện đến biệt thự nhà Chaplin để thông báo với bà Oona, người vợ góa 51 tuổi của cố huyền thoại, rằng vừa xảy ra một vụ trộm giữa đêm và quan tài của chồng bà đã biến mất.
Một trong những người có mặt đầu tiên tại nghĩa trang là công tố viên hình sự Jean-Daniel Tenthorey. “Giờ nó giống như một cái hố. Một cái hố lớn, đất ở hai bên, và cây thánh giá vứt đó”, ông Tenthorey nói. Không lâu sau, lại một cuộc điện thoại khác, lần này là từ một giọng đàn ông, tuyên bố anh ta chính là người đã đánh cắp chiếc quan tài.
Với giọng Đông Âu đặc sệt, người gọi điện yêu cầu gia đình phải nộp 1 triệu franc Thụy Sĩ (1,5 triệu bảng Anh ngày nay) để chuộc lại quan tài và thi thể người quá cố.
Hành động "bắt cóc" xác chết không phải là chuyện hiếm trong lịch sử. Từ những kẻ cướp mộ lấy đi xác ướp Ai Cập, cho đến nhóm cướp xác thời Nữ hoàng Victoria, bán thi thể người chết cho các nhà giải phẫu. Ngoài ra, từng có một số âm mưu chiếm giữ thi thể của Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln sau khi ông bị ám sát; Và không lâu sau cái chết của Elvis Presley, bốn người đàn ông đã bị bắt khi tìm cách xâm nhập mộ phần của "ông vua" rock&roll... Chỉ vài năm trước, thi thể Enzo Ferrari (tay đua huyền thoại, người sáng lập đội đua Scuderia Ferrari) gần như đã bị đánh cắp khỏi khu mộ của gia đình, và những tên trộm âm mưu đòi tiền chuộc 10 triệu USD.
Do Chaplin đã không còn xa lạ với những tranh cãi từ khi còn trẻ, nên nhiều tin đồn đã dấy lên xung quanh vụ trộm quan tài ông. Liệu có phải những người chống Do thái đã mạo phạm ngôi mộ vì tức giận với việc một người được cho là Do thái được chôn cất trong nghĩa trang Ki-tô giáo? Hay những kẻ theo chủ nghĩa phát xít mới đã đánh cắp thi thể để trả thù cho sự châm biếm chính trị của Chaplin trong phim "The Great Dictator"? Hoặc đó chỉ là một trò hề để kiếm tiền nhanh chóng?
Dù động cơ là gì, bà Oona (với sự hỗ trợ của các luật sư) đã từ chối trả tiền chuộc. Bất chấp những lời đe dọa đối với đứa con út của Chaplin, bà không bao giờ coi hành động cướp mộ là quá nghiêm trọng, và tự nhủ rằng “Charlie hẳn sẽ nghĩ việc trả tiền chuộc là quá vô lý”.
Tuy nhiên nhiều tuần trôi qua, nhóm trộm vẫn tiếp tục yêu cầu tiền chuộc, bọn chúng đòi người quản gia của Chaplin mang tiền mặt đển một địa điểm, đặt trong chiếc xe Rolls Royce của gia đình. Nhận ra đây là một cơ hội để phá án, cảnh sát đã sắp xếp một sĩ quan đóng giả làm quản gia và dựng một màn trao tiền chuộc giả. Tuy vậy, màn diễn của họ đã thất bại khi bắt nhầm phải người đưa thư địa phương.
Cảnh sát Thụy Sĩ chuộc lại được sai lầm vào tháng 5 năm đó. Trông đợi một cuộc gọi tiếp theo từ nhóm trộm, họ đã không chỉ nghe lén điện thoại đến nhà Chaplin mà còn nghe lén khoảng 200 đường điện thoại khác trong khu vực. Và họ đã thành công, 11 tuần sau khi chiếc quan tài bị lấy trộm, cảnh sát cuối cùng bắt được một nghi phạm 24 tuổi tên là Pole Roman Wardas.
Tên đồng phạm của hắn, một gã người Bulgari tên Gantscho Ganev bị bắt giữ sau đó. Wardas khai nhận do rơi vào khó khăn tiền bạc, hắn hy vọng kiếm tiền nhờ âm mưu đánh cắp quan tài danh hài. Wardas đưa cảnh sát tới cánh đồng ngô nằm cách biệt thự nhà Chaplin chừng một dặm và chỉ cho họ chỗ đào. Dưới lớp đất vùi sơ sài, cỗ quan tài bằng gỗ sồi nặng 130kg vẫn còn nguyên vẹn.
Bị kết tội là chủ mưu vụ trộm, tên Wardas lĩnh 4 năm tù giam, còn đồng phạm Ganev chịu18 tháng tù treo vì chỉ là người hỗ trợ bê vác. Cả hai nhận tội, thậm chí đã viết thư cho Oona để xin lỗi và được bà chấp nhận.
Trong khi đó, thi thể Chaplin vĩ đại được chôn cất lại - lần này, quan tài được bọc trong bê tông để đảm bảo ông có thể yên nghỉ vĩnh viễn.
Xem phim ngắn "A dog's life" (1918) của Charlie Chapline:
Năm 2014, nhà làm phim người Pháp Xavier Beauvois đã đưa câu chuyện lên màn bạc qua bộ phim “The Price of Fame” (Cái giá của sự nổi tiếng), kể về hai người đàn ông âm mưu đánh cắp xác chết Chaplin để đòi tiền chuộc.