Vụ bắt xưởng gỗ lậu tại Chư Sê: Trách nhiệm thuộc về ai?

Gần 200 m3 gỗ lậu đã được phát hiện trong một xưởng gỗ nằm trong khu dân cư. Vấn đề đặt ra là các lực lượng chức năng đã ở đâu khi lượng gỗ lớn vẫn đều đặn được vận chuyển trên quãng đường dài nhưng không bị phát hiện.

Công an tỉnh Gia Lai vừa đột kích vào xưởng gỗ của Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Hùng Ny (thôn Mỹ Thạch 3, thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê) và đã phát hiện 193 m3 gỗ căm xe, bằng lăng không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Đây là vụ bắt giữ gỗ lậu với khối lượng lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh. Chủ doanh nghiệp là ông Nguyễn Quốc Hùng (SN 1976) đã bị bắt giữ để phục vụ công tác điều tra. Tuy nhiên, nhiều vấn đề đặt ra là trách nhiệm của các lực lượng chức năng khi để một lượng gỗ lậu lớn tuồn về xưởng của doanh nghiệp này.

Một xe công nông chở gỗ lậu bị Đồn Biên phòng Ia Mơr bắt giữ. Ảnh: V.N

Một xe công nông chở gỗ lậu bị Đồn Biên phòng Ia Mơr bắt giữ. Ảnh: V.N

Theo tài liệu của các trinh sát Công an, nguồn gốc số gỗ lậu được các đối tượng vận chuyển từ khu vực biên giới giáp ranh giữa xã Ia Mơr, huyện Chư Prông. Gỗ được chất lên các xe ô tô loại 7 chỗ ngồi đã được tháo hết băng ghế. Đáng nói, vì vận chuyển các lóng gỗ dài lên đến 3 m khiến thùng xe không thể đóng lại, gỗ không được che đậy. Tuy nhiên, các đối tượng vẫn có thể vận chuyển gỗ trên một chặng đường hàng chục km, qua nhiều địa phương với các khu dân cư khác nhau trước khi được nhập về xưởng của DNTN Hùng Ny.

Bước đầu xác định hàng đêm có 2-3 xe ô tô 7 chỗ chở gỗ với hành trình trên cho DNTN Hùng Ny. Mỗi xe chỉ có thể vận chuyển khoảng 1,5 m3, điều này chứng tỏ các đối tượng đã thực hiện hành vi trong một thời gian dài để tuồn gần 200 m3 gỗ lậu về xưởng. Liên quan đến vấn đề này, P.V Báo Gia Lai đã trao đổi với các đơn vị liên quan. Thiếu tá Nguyễn Trường Giang-Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ia Mơr thừa nhận: “Thực tế ở khu vực biên giới vẫn còn tình trạng các thanh niên người dân tộc thiểu số dùng xe máy độ chế len lỏi trong các khu rừng vận chuyển gỗ nhỏ lẻ tập kết về gần khu vực đường quốc lộ 14C để bán cho các đối tượng đi xe ô tô. Thời gian qua, đơn vị đã phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ nhiều phương tiện là xe máy độ chế. Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều khó khăn bởi các đối tượng trà trộn vào người dân địa phương đi làm nương rẫy, đơn vị vẫn nhắc nhở, răn đe nhưng một số thanh niên vẫn bằng nhiều cách luồn lách qua các chốt chặn”.

Cũng theo Thiếu tá Giang, trong tháng 6-2020, đơn vị đã bắt giữ 1 xe máy độ chế và 1 xe công nông liên quan đến vận chuyển lâm sản trái phép và thu giữ 9 m3 gỗ lậu. “Địa bàn Đồn quản lý rất rộng nhưng phần lớn khu vực lại không có sóng điện thoại, đường sá đi lại khó khăn cho công tác tuần tra, kiểm soát. Đơn vị cũng tham mưu cho UBND huyện Chư Prông tăng cường lực lượng để phối hợp tuần tra, kiểm soát trong công tác bảo vệ rừng”-Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ia Mơr cho hay.

Các đối tượng vận chuyển gỗ lậu bằng xe ô tô loại 7 chỗ ngồi đã được tháo hết băng ghế. Ảnh: V.N

Các đối tượng vận chuyển gỗ lậu bằng xe ô tô loại 7 chỗ ngồi đã được tháo hết băng ghế. Ảnh: V.N

Ông Trương Văn Thắng-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Chư Prông cũng “than” rằng địa bàn biên giới rộng nhưng lực lượng kiểm lâm mỏng. Bên cạnh đó, địa bàn biên giới huyện Chư Prông đặc thù bởi có nhiều con đường thông thương với các địa phương lân cận như Đức Cơ, Chư Sê và tỉnh Đak Lak… nên các đối tượng lợi dụng để hoạt động. Về thông tin gỗ lậu được vận chuyển từ khu vực biên giới về xưởng gỗ của DNTN Hùng Ny, ông Thắng cho biết: “Chuyện họ khai vậy thôi chứ ở đâu sao chúng tôi biết được. Hạt cũng tham mưu với UBND huyện thành lập 6 tổ công tác với 60 người của các lực lượng như kiểm lâm, Công an, Biên phòng, các Ban quản lý rừng… để tham gia truy quét, ngăn chặn. Hiện tình hình trên địa bàn tương đối ổn không phức tạp”.

Trong khi đó, ông Dương Hoàng Nguyện-Trưởng phòng Thanh tra-Pháp chế (Chi cục Kiểm lâm tỉnh) cũng kêu khó cho lực lượng mình. “Trước đây, theo quy định thì doanh nghiệp hàng tháng, hàng quý phải báo cáo việc nhập, xuất gỗ cho lực lượng kiểm lâm. Và khi xuất hàng thì phải có kiểm lâm xác nhận. Thế nhưng từ đầu năm 2019 đến nay, theo quy định mới thì kiểm lâm chỉ xác nhận gỗ rừng tự nhiên khai thác trong nước. Loại này chỉ có những doanh nghiệp lớn còn tồn chỉ tiêu khai thác mới có, hầu như rất ít và không có. Còn các loại gỗ khác thì doanh nghiệp tự lập bảng kê kèm các hồ sơ chứng minh nguồn gốc là họ được phép vận chuyển, không phải trình báo lực lượng nào hết. Cho nên lực lượng kiểm lâm không được xác nhận, không được báo cáo nên rất khó kiểm soát”.

Theo nguồn tin của P.V Gia Lai Điện tử, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh đang củng cố hồ sơ để khởi tố với ông Nguyễn Quốc Hùng đồng thời mở rộng điều tra, xử lý các đối tượng liên quan.

LÊ VĂN NGỌC

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/8301/202007/vu-bat-xuong-go-lau-tai-chu-se-trach-nhiem-thuoc-ve-ai-5689300/