Vụ bé gái 8 tuổi bị bạo hành tử vong: Hát xẩm lên án tội ác, mong con hãy rũ bụi trần

Vụ việc bé gái 8 tuổi bị bạo hành tử vong gây bức xúc dư luận, vừa được nhạc sĩ Nguyễn Quang Long chuyển hóa thành bài xẩm 'Con ơi hãy rũ bụi trần'.

Hát xẩm tố tội ác của kẻ bạo hành bé gái 8 tuổi tử vong

Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long chia sẻ, vụ bé gái 8 tuổi bị bạo hành tử vong tại TP.HCM vừa qua đã khiến dư luận phẫn nộ, hầu như tất cả chúng ta đều cảm thấy đau lòng và xót thương cho bé có cuộc đời ngắn ngủi. Đã lâu Nguyễn Quang Long chưa viết các bài xẩm về đề tài xã hội vì nhiều lý do nhưng quan trọng nhất là chưa có sự kiện xã hội tác động mạnh mẽ nhất đến tâm lý mình.

Ngay cả vụ việc bé gái 8 tuổi bị bạo hành tử vong trong thời điểm đầu, Nguyễn Quang Long cũng không có ý định viết, dù hình ảnh và vụ việc luôn ám ảnh anh. Tới cuối tuần vừa qua, tự nhiên những lời ca đầu tiên trong bài vang lên. Có một điều rất đặc biệt, những câu vang lên đầu tiên lại rất nhẹ nhàng, mong bé được siêu thoát miền cực lạc: "Con ơi hãy rũ bụi trần/ Bay cao con nhé trời xanh đón chào".

Bài xẩm Con ơi hãy rũ bụi trần kết hợp giữa điệu xẩm tàu điện và điệu xẩm chợ, như câu chuyện kể xót xa về sự chịu đựng của một bé gái mới 8 tuổi trước những trận đòn roi và lời nhiếc móc của mẹ ghẻ, sự làm ngơ của người cha. Từng lời hát của bài xẩm này như bản cáo trạng lên án cái ác cùng lòng thương cảm cho cháu bé xấu số, cho kiếp người ngắn ngủi của bé gái 8 tuổi: Em theo mẹ, con theo cha/ Theo luôn cái lũ quỷ ma lốt người/ Chúng hành hạ chúng trêu ngươi/ Ngăn con gặp mẹ ngăn người giúp con...

Người dân thắp nến tưởng niệm bé gái 8 tuổi bị bạo hành tử vong. (Ảnh T.Q)

Người dân thắp nến tưởng niệm bé gái 8 tuổi bị bạo hành tử vong. (Ảnh T.Q)

Lời bài xẩm cũng là tiếng nói đanh thép vạch trần tội ác của mẹ kế có tâm địa, hành động tàn nhẫn trong sự việc đau lòng vừa qua: Ban ngày quỷ vẫn mẹ con/ Bên trong hành xác miệng còn nguýt ngoa/ Bên ngoài thơm má tặng hoa/ Bên trong quỷ lẫn cả cha con hành/ Roi mây tay đánh miệng rằn/ Mắt long lòng đỏ, vết hằn tím xanh/ Gãy rồi chuyển thành gỗ thanh/ Đánh con trong lúc quỳ nằm uống ăn… Nhưng sau tất cả, người nghệ sĩ mong bé gái 8 tuổi bị bạo hành có thể rũ hết bụi trần, trở về với trời xanh qua câu hát Để con yên ấm trên mây trên trời.

Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long và nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa.

Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long và nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa.

Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long và nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa đã cùng nhau thể hiện bài xẩm này trên nền tiếng đàn nhị của nghệ sĩ Nguyễn Hải Đăng, bộ gõ của nghệ sĩ Phạm Đình Dũng; nhà sản xuất âm nhạc Kiên Ninh thực hiện thu âm. Khi bài xẩm ra đời đã nhận được nhiều sự quan tâm của công chúng, nhiều người đánh giá bài xẩm góp phần lên án vấn nạn bạo lực gia đình, bạo hành trẻ em.

Rất cần rung những hồi chuông báo động thông qua các tác phẩm nghệ thuật phù hợp

Theo tác giả Con ơi hãy rũ bụi trần, hát xẩm ngay từ khi sinh ra đã gắn với cuộc đời của những người lầm than cơ cực. Người hát xẩm mượn tiếng đàn lời ca để giãi bày hay khích lệ hoặc cảnh báo thay cho những người lầm than, những người yếu thế trong xã hội.

Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long. (Ảnh: Mỹ Trà).

Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long. (Ảnh: Mỹ Trà).

Hát xẩm còn nhiều chức năng và sứ mệnh khác nhưng sứ mệnh nói lên những tồn tại trong xã hội, góp phần cùng xã hội cảnh báo những điều xấu vẫn đang còn hiện hữu là chức năng đặc biệt nhất mà không phải nghệ thuật nào cũng có được.

Tất nhiên không phải ai cũng biết được những điều này, bởi hát xẩm là nghệ thuật truyền thống và gần như không có được nhiều người biết đến trong giai đoạn hiện nay. Vì thế qua đây, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long mong muốn mọi người hiểu hơn về hát xẩm, đánh thức chức năng của xẩm nhiều hơn nữa trong năm 2022 này và trong tương lai. "Mong rằng hát xẩm ngày càng được phổ biến rộng rãi. Và hát xẩm góp phần làm đẹp hơn cho cuộc sống này, xã hội này", Nguyễn Quang Long chia sẻ.

"Từ chuyện đau lòng vừa rồi, hay vụ bé trai 2 tuổi bị người tình của mẹ bạo hành đến chấn thương sọ não và qua đời, ta thấy dù xã hội rất quan tâm đến trẻ em nhưng những vụ bạo hành, xâm phạm trẻ em vẫn còn tồn tại lẩn khuất đâu đó trong xã hội.

Rất cần rung những hồi chuông báo động thông qua các tác phẩm nghệ thuật phù hợp; thông qua tiếng nói có sức lan tỏa trong đời sống của các nghệ sĩ. Đặc biệt là sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của pháp luật với các đối tượng vi phạm", nhạc sĩ Nguyễn Quang Long nêu ý kiến.

Hoa Quỳnh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//vu-be-gai-8-tuoi-bi-bao-hanh-tu-vong-hat-xam-len-an-toi-ac-mong-con-hay-ru-bui-tran-169220112130020378.htm