Vụ chặt phá ruộng bí ven sông Lam: Kẻ gian đối mặt trách nhiệm pháp lý nào?
Nếu người đã chặt phá ruộng bí sớm nhận ra hành vi của mình là sai, muốn đến thương lượng bồi thường, bị hại cũng muốn bỏ qua cho người này thì pháp luật có xử lý họ không?
Vợ chồng ông Đinh Văn Huynh ở xã Lam Sơn (huyện Đô Lương, Nghệ An) có ruộng bí rộng 4 ha ven sông Lam. Ngày 20-12, khi ra thăm ruộng bí, vợ chồng ông tá hỏa phát hiện nhiều cây héo rũ do gốc bị nhổ, quả bị chặt ngang rụng giữa ruộng. Ai đó đã ra tay chặt phá trong đêm vắng...
Theo ước tính ban đầu, diện tích ruộng bí bị kẻ gian chặt phá khoảng 1 ha, thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Sau khi phát hiện sự việc, ông Huynh làm đơn trình báo gửi công an địa phương, đề nghị tìm người phá hoại ruộng bí của gia đình.
UBND xã Lam Sơn đã kiểm đếm, ban đầu xác định có khoảng 12.000 gốc bí bị phá hoại.
Hành vi dùng vật sắc cắt, chặt, phá 12.000 gốc bí của người dân, gây thiệt hại sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định pháp luật?
Luật sư Bùi Khắc Toản, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết: Nếu tổng thiệt hại của ruộng bí có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng người có hành vi hủy hoại tài sản của ông Huynh thuộc một trong các trường hợp: Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi hủy hoại tài sản hoặc đã bị kết án về tội hủy hoại tài sản và chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; hoặc tài sản (vườn bí) là phương tiện kiếm sống chính của ông Huynh thì người có hành vi phá ruộng bí sẽ bị xử lý trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi bởi khoản 36 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 (quy định về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản).
Tùy theo tính chất mức độ, hành vi phạm tội, giá trị tài sản bị thiệt hại mà người phạm tội phải đối diện với mức hình phạt tù thấp nhất là 6 tháng và cao nhất là 20 năm tù.
Trong trường hợp người có hành vi phá hoại ruộng bí của ông Huynh không đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021, với mức phạt tiền 3-5 triệu đồng.
Ngoài ra, người có hành vi phá hoại ruộng bí còn bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm và bồi thường toàn bộ thiệt hại cho ông Huynh theo quy định tại Điều 585, Điều 589 Bộ luật Dân sự 2015 và Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao.
Phá hoại rồi muốn bồi thường cũng khó thoát tội
Trường hợp người đã chặt phá ruộng bí sớm nhận ra hành vi của mình là sai, muốn đến thương lượng bồi thường thì sao? Ông Huynh có thể dĩ hòa vi quý, nể nang tình xóm giềng, muốn bỏ qua cho người này thì pháp luật có xử lý họ không?
Luật sư Bùi Khắc Toản cho biết: Các bên có quyền thương lượng nhưng phải trước khi bị hại làm đơn tố giác tội phạm. Nếu bị hại đã tố giác tội phạm và cơ quan điều tra đã thụ lý và xác định có dấu hiệu phạm tội thì người phá hoại ruộng bí vẫn bị khởi tố, truy tố, xét xử về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản. Việc đã bồi thường thiệt hại được xem là tình tiết giảm nhẹ khi tòa lượng hình.