Vụ 'chuyến bay giải cứu': Nỗi buồn chuyện chiếc cặp da và một điều tra viên

Từng là điều tra viên thụ lý vụ án 'chuyến bay giải cứu', chuyện của Hoàng Văn Hưng khiến nhiều người không khỏi nuối tiếc, xót xa!

Sau hai ngày cách ly để các bị cáo khác khai, bị cáo Hoàng Văn Hưng (cựu trưởng phòng thuộc Cơ quan an ninh điều tra, Bộ Công an) được hội đồng xét xử thẩm vấn về vụ chuyến bay giải cứu. Tại tòa, ông Hưng phản bác lại những lời khai của cựu phó giám đốc Công an Hà Nội về kế hoạch chạy án. Trước những lời truy vấn của Chủ tọa hay đối chất của Cựu phó giám đốc Công an Hà Nội ông Hưng vẫn phủ nhận chạy án hơn 2 triệu USD vụ chuyến bay giải cứu.

Các bị cáo tại phiên tòa xét xử

Các bị cáo tại phiên tòa xét xử

Từng là điều tra viên thụ lý vụ án "chuyến bay giải cứu", Hoàng Văn Hưng bị cáo buộc lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, nhiều lần liên hệ trao đổi thông tin với Nguyễn Anh Tuấn, (nguyên Phó Giám đốc Công an Hà Nội), "bật đèn xanh" cho đối tượng bị điều tra chi tiền để lo lót nhằm không bị xử lý hình sự.

Theo kết luận, để được cấp phép, phê duyệt các chuyến bay combo đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về Việt Nam cách ly phòng dịch Covid–19, Lê Hồng Sơn, Tổng giám đốc Công ty Bầu trời xanh (Blue Sky) và Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó Tổng giám đốc đã liên hệ, gặp gỡ, đưa hối lộ cho nhiều cá nhân có trách nhiệm liên quan thuộc các bộ, ban, ngành ở Trung ương và địa phương.

Quá trình xác minh ban đầu cho thấy, trước khi khởi tố vụ án, Cục nghiệp vụ Bộ Công an tiếp xúc, động viên Nguyễn Thị Thanh Hằng nếu có hành vi đưa hối lộ trong quá trình tổ chức các chuyến bay thì chủ động ra tự thú để được hưởng khoan hồng.

Hằng đã có ý định ra tự thú, tuy nhiên, do lo sợ bị xử lý hình sự và sẵn có mối quan hệ với Nguyễn Anh Tuấn (thời điểm này đang là Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội) nên Hằng đã bàn bạc, thống nhất với Lê Hồng Sơn nhờ ông Tuấn tìm mối quan hệ can thiệp, giúp đỡ, lo lót cho cả Hằng và Sơn không bị xử lý hình sự.

Do ông Tuấn có mối quan hệ với Hoàng Văn Hưng, Trưởng phòng điều tra của Cục An ninh điều tra (Bộ Công an) nên nhờ Hưng giúp đỡ và tổ chức cho Hưng gặp gỡ Hằng tại nhà riêng của mình.

Một chuyến bay giải cứu đưa công dân từ châu Âu về nước, tháng 7/2020. Ảnh: Bộ Ngoại giao

Một chuyến bay giải cứu đưa công dân từ châu Âu về nước, tháng 7/2020. Ảnh: Bộ Ngoại giao

Kết luận điều tra xác định, giai đoạn là Trưởng phòng Phòng Điều tra Cục An ninh điều tra Bộ Công an, đồng thời là điều tra viên thụ lý chính đối với vụ án "chuyến bay giải cứu", ông Hoàng Văn Hưng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao nhiều lần liên hệ trao đổi thông tin điều tra vụ án với Nguyễn Anh Tuấn (người không có trách nhiệm liên quan trong vụ án).

Hưng đã thông tin cho ông Nguyễn Anh Tuấn về việc điều tra, xử lý đối với đối tượng điều tra là Nguyễn Thị Thanh Hằng, và Lê Hồng Sơn. Ngoài ra, Hưng còn gặp gỡ Hằng (là đối tượng đang bị điều tra) thông qua Tuấn ngoài trụ sở làm việc, không báo cáo với lãnh đạo có thẩm quyền. Hưng đã hướng dẫn Hằng và thông qua Hằng hướng dẫn Lê Hồng Sơn cách thức khai báo khi làm việc với điều tra viên để không bị xử lý hình sự.

“Mặc dù không có đủ tài liệu chứng cứ kết luận Hoàng Văn Hưng đã nhận tiền trong giai đoạn này. Tuy nhiên, Cơ quan An ninh điều tra coi “lợi dụng chức vụ quyền hạn” là tình tiết tăng nặng khi truy tố đối với Hưng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, kết luận điều tra nêu.

Nhưng trong buổi thẩm vấn ngày 13/7, ông Hưng nhiều lần khẳng định "không tham gia chạy án". Bị cáo đưa ra nhiều lập luận phản bác lại cáo buộc từ cơ quan truy tố.

Tại tòa, Hoàng Văn Hưng phản bác lời khai của cựu phó giám đốc Công an Hà Nội. Ông thừa nhận có gặp bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng (Phó Tổng giám đốc Công ty Bầu trời xanh) tại nhà riêng của ông Tuấn nhưng "không trao đổi về việc chạy án".

"Tôi nói với ông Tuấn là sớm muộn chị Hằng cũng bị cơ quan điều tra gọi lên, nên động viên ra tự thú. Lúc này vụ án chưa có bất kỳ chứng cứ nào, cũng đang bế tắc trong việc mở rộng. Cơ quan điều tra đang rất cần những người tự thú khai báo", Hưng phân trần và cho biết khi gặp mặt trực tiếp cũng khuyên bà Hằng ra đầu thú.

Tiếp đó, trong ba lần sau Hưng được ông Tuấn mời đến nhà thì đều có bà Hằng ở đây. "Bị cáo và anh Tuấn thống nhất với nhau là Hằng ra tự thú thì xác định sẽ chưa bị khởi tố nhưng trước khi kết thúc vụ án sẽ bị khởi tố và phải chịu mức án", lời khai của ông Hưng tại tòa.

Ông Hoàng Văn Hưng tiếp tục khai báo: "Sau các lần gặp, Hằng về, còn bị cáo ngồi lại với anh Tuấn. Anh ấy cũng hỏi tôi có cần gì thì báo, nhưng tôi bảo, anh em cùng nghề, là cấp trên, anh biết rõ rằng chị ấy tự thú là tự cứu mình. Anh Tuấn có nói thêm, sau này em có phấn đấu lên chức, anh sẽ ủng hộ".

Ông Hưng khẳng định trong tất cả những lần gặp mặt thì "chỉ động viên" nữ bị cáo khai báo thành khẩn để hưởng khoan hồng, "chưa bao giờ đề cập tiền bạc". Hưng khai "không bao giờ có chuyện yêu cầu đưa tiền để giúp Sơn không bị xử lý; không có chuyện hỏi quyết tâm cứu Sơn không" (Lê Hồng Sơn - cựu Tổng giám đốc Công ty Bầu trời xanh.

Về cáo buộc nhận một chiếc cặp do ông Tuấn gửi đến bên trong đựng 450.000 USD, Hưng thừa nhận có được đưa cho chiếc cặp này nhưng bên trong không có tiền.

"Ngày 5/12/2022, bị cáo có nhận một chiếc cặp Tuấn gửi đến ở cổng cơ quan. Lý do gửi là trước đó bị cáo nằm viện điều trị Covid-19, khi ra viện thì Tuấn có gọi điện hỏi thăm. Tuấn nói là đã chu đáo cho bác sĩ chưa và bảo sẽ chuẩn bị quà cho bị cáo. Sau đó, Tuấn có chuyển bốn chai rượu vang cho bị cáo", Hưng khai. Khi tòa hỏi về tội danh bị truy tố, ông Hưng khẳng định mình bị oan và "không chiếm đoạt tiền chạy án" như cáo buộc.

Trước những lời khai trên, tòa cho ông Tuấn lên đối chất. Cựu phó giám đốc Công an Hà Nội khẳng định phần trình bày của Hưng là không chính xác. Ông Tuấn giữ nguyên lời khai nhiều lần gặp Hưng, khi yêu cầu phải có "chi phí để lo việc" thì ông đã chuyển cho Hưng hơn 2 triệu USD.

Những phiên thẩm vấn sẽ tiếp tục, những đối chất dĩ nhiên còn kéo dài, các truy vấn của HĐXX cũng sẽ khiến sự thật được phơi bày. Tuy nhiên, đằng sau những tranh tụng đó lại là những mảng tối trong việc lãnh đạo, quản lý của các cơ quan, tổ chức chức quyền.

Như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: Một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức có quyền, có những biểu hiện sa sút phẩm chất, sống xa dân, vô trách nhiệm với dân. Nhiều cán bộ lãnh đạo các cấp, các ngành giữ tác phong quan liêu, gia trưởng, độc đoán, thậm chí trù dập, ức hiếp quần chúng. Một số hiện tượng tham nhũng, đặc quyền đặc lợi trong Đảng và trong các cơ quan nhà nước không được đấu tranh kiên quyết và xử lý nghiêm minh. Do đó đã làm tổn thương thanh danh, uy tín của Đảng, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng.

Lạm dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi trong hoạt động thanh tra thực chất là hành vi tham nhũng. Người được giao trách nhiệm phòng, chống tham nhũng mà lại tham nhũng là điều thể chấp nhận. Người được giao trách nhiệm chống tham nhũng phải hiểu hơn ai hết về tác hại nhiều mặt của tham nhũng, về sự rủi ro của hành vi tham nhũng, về hình phạt và cái giá phải trả cho hành vi (tội danh) này.

Minh Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/vu-chuyen-bay-giai-cuu-noi-buon-chuyen-chiec-cap-da-va-mot-dieu-tra-vien-262088.html