Vụ Công ty Định An khai thác, vận chuyển đất san lấp ở Thanh Hóa: Lập biên bản vi phạm hành chính
Vụ Công ty Định An khai thác, vận chuyển đất san lấp ở Thanh Hóa: Lập biên bản vi phạm hành chính Khai thác, vận chuyển đất san lấp khi chưa hoàn thành thủ tục thu hồi đất, giao đất, Công ty TNHH Định An đã bị cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa lập biên bản vi phạm hành chính.
Như Gia đình Việt Nam đã phản ánh: Công ty TNHH Định An là một trong 3 doanh nghiệp thuộc liên danh nhà thầu trúng thầu thi công gói thầu số XL12: Xây lắp và khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công đoạn Km349+000 – Km364+410,75, Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Quốc lộ 45 – Nghi Sơn thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020. Giá trị trúng thầu của gói thầu gần 1.194 tỷ đồng. Mỏ đất san lấp tại xã Xuân Phúc được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương đầu tư và cấp giấy phép khai thác đất san lấp để phục vụ công trình trên.
Đáng chú ý, tại quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư dự án khai thác mỏ đất làm vật liệu san lấp tại xã Xuân Phúc của UBND tỉnh Thanh Hóa đã nêu rõ trách nhiệm của UBND huyện Như Thanh phải chỉ đạo UBND xã Xuân Phúc quản lý nguyên trạng, không cho phép thực hiện bất kỳ hoạt động nào trên khu đất khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho thuê đất.
Giấy phép khai thác cấp cho Công ty TNHH Định An cũng yêu cầu chủ đầu tư phải thực hiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên doanh nghiệp này đã ngang nhiên tiến hành bóc phong hóa, làm đường vào mỏ, khai thác, vận chuyển đất san lấp đi thi công khi chưa được giao đất, cho thuê đất. Việc tự ý bóc phong hóa, làm đường, khai thác, vận chuyển vật liệu san lấp của công ty TNHH Định An đã bị UBND huyện Như Thanh phát hiện, có văn bản yêu cầu dừng mọi hoạt động. Văn bản của UBND huyện Như Thanh nhận định, việc làm trên của Công ty TNHH Định An là vi phạm pháp luật về đất đai, khoáng sản.
Toàn bộ diện tích đất có nguồn gốc là đất trồng rừng sản xuất đã được Ban quản lý rừng phòng hộ Như Thanh giao khoán cho các hộ gia đình. Theo quy định, diện tích rừng trồng phải thực hiện trình tự, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang dự án khai thác đất san lấp làm vật liệu xây dựng.
Ngày 18/3, Ban quản lý rừng phòng hộ Như Thanh đã cung cấp cho phóng viên biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai tại thôn Phúc Minh, xã Xuân Phúc.
Theo đó, sáng 13/3, đại diện UBND xã Xuân Phúc và đại diện Ban quản lý rừng phòng hộ Như Thanh đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Định An.
Hành vi vi phạm hành chính được nêu trong biên bản cụ thể: Công ty TNHH Định An đã tự ý khai thác khoáng sản khi chưa được cấp có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất được quy định tại Điều 3 và Điểm đ, khoản 2, Điều 14 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai. Diện tích Công ty TNHH Định An làm đường vào mỏ, bóc phong hóa và vận chuyển đất san lấp là đất thuộc quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ Như Thanh.
Sau khi tiến hành kiểm tra và lập biên bản vi phạm hành chính, ngày 15/3, Ban quản lý rừng phòng hộ Như Thanh đã có báo cáo về việc Công ty TNHH Định An khai thác, vận chuyển đất đi san lấp đường cao tốc khi chưa được giao đất, cho thuê đất. Ngoài việc xác định việc khai thác đất san lấp của công ty này vi phạm Luật Đất đai 2013, Ban quản lý rừng phòng hộ Như Thanh còn chỉ ra việc làm trên vi phạm Luật Lâm nghiệp 2017.
Đại diện Ban quản lý rừng phòng hộ Như Thanh cho biết, dù rất chia sẻ với khó khăn về tiến độ thi công đường cao tốc của chủ đầu tư nhưng trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ được giao, đơn vị phải phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính. Cũng theo đại diện đơn vị này, việc xử phạt hành vi vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền của chính quyền. Do đó, Ban quản lý rừng phòng hộ Như Thanh chỉ kiểm tra, phối hợp lập biên bản và báo cáo với UBND huyện Như Thanh.
Hiện tại Công ty TNHH Định An đã dừng toàn bộ hoạt động khai thác, vận chuyển đất san lấp và làm đường vào mỏ. Theo lý giải của đại diện công ty, để giải bài toán thiếu hụt nguồn vật liệu đất thi công 2 gói thầu đường cao tốc Bắc – Nam, công ty đã được áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng theo Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 16/6/2021 và Nghị quyết số 133/NQ-CP ngày 19/10/2021 của Chính phủ.
Với đặc thù địa chất vùng Nông Cống, nơi thi công hai gói thầu là vùng đất rất yếu, theo thiết kế thời gian gia tải là 9 tháng. Như vậy với thời gian hoàn thành dự án là 24 tháng thì thực tế thời gian thi công chỉ còn 15 tháng.
Về tính cấp thiết của dự án, trước đó, trao đổi với PV Gia Đình Việt Nam, ông Đặng Tiến Dũng, Chủ tịch UBND huyện Như Thanh cho biết, ông đã chỉ đạo các các phòng ban của huyện phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành và công ty TNHH Định An hoàn thiện thủ tục càng sớm càng tốt để đưa công trình vào hoạt động phục vụ thi công tuyến cao tốc Bắc – Nam.
“Các bước, các thủ tục phải đẩy nhanh để đưa mỏ vào khai thác. Tuy nhiên, đẩy nhanh tiến độ có thể là làm ngày làm đêm, rút ngắn thời gian, phối hợp thật tốt để rút ngắn thủ tục nhưng phải đúng theo các văn bản chỉ đạo và quy định của pháp luật. Quan điểm của huyện là ủng hộ dự án, không kìm hãm, cản trở gì cả. Cái gì không đúng quy định thì phải làm cho đúng, tất cả cũng vì việc chung là đẩy nhanh tiến độ thi công đường cao tốc. Không phải chỉ riêng nhà thầu thi công mà các cấp chính quyền từ trung ương đến, huyện, xã đều mong muốn sớm có đường cao tốc để thúc đẩy phát triển kinh tế”, ông Dũng chia sẻ.
Theo tìm hiểu của phóng viên, Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 16/6/2021 và Nghị quyết số 133/NQ-CP ngày 19/10/2021 của Chính phủ về áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho các dự án thi công đường cao tốc Bắc- Nam không có nội dung nào quy định chủ đầu tư được khai thác mà không phải thực hiện hoặc nợ thủ tục giao đất, cho thuê đất. Nghị quyết chỉ cho phép Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi Dự án đường cao tốc đi qua được “phê duyệt các khu vực khoáng sản làm VLXDTT đã có trong quy hoạch khoáng sản liên quan, đủ tiêu chuẩn và chỉ phục vụ thi công Dự án đường cao tốc là khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản”. Điều này đã được UBND tỉnh Thanh Hóa thực hiện đúng theo tinh thần nghị quyết.
UBND tỉnh Thanh Hóa trước đó cũng đã không chấp thuận đề nghị bỏ quyết định chủ trương đầu tư đồng thời chấp nhận nhà đầu tư, nợ thủ tục đánh giá tác động môi trường, bỏ thủ tục trồng rừng thay thế, gộp thủ tục cấp giấy phép khai thác khoáng sản và thuê đất vào 1 thủ tục…của Công ty TNHH Định An. UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đồng ý cắt giảm thời gian thực hiện thủ tục xuống còn ít nhất 2/3 thời gian theo quy định để phục vụ thi công đường cao tốc Bắc – Nam.
Gia đình Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin./.