Vụ cựu Cục trưởng VSATTP bị bắt: Kẻ gác cổng mở cửa cho sai phạm, ai bảo vệ dân?
Việc cựu Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế bị bắt không chỉ phơi bày sự tiếp tay cho hàng giả, mà còn giáng đòn chí mạng vào niềm tin của công chúng. Khi 'lá chắn' bảo vệ sức khỏe trở thành kẻ mở cửa cho sai phạm, ai sẽ bảo vệ người dân?
Niềm tin của người tiêu dùng bị “đánh cắp”
Thông tin nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) bị bắt liên quan đến vụ việc cấp phép cho Công ty Cổ phần Dược phẩm MEDIUSA và Công ty Cổ phần Dược liên doanh Mediphar sản xuất thực phẩm chức năng, dược phẩm giả đã khiến dư luận chấn động. Vụ án không chỉ phơi bày một mắt xích đáng báo động trong hệ thống giám sát và cấp phép của ngành y tế.
Theo thông tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, Công ty Cổ phần Dược phẩm MEDIUSA và Công ty Cổ phần Dược liên doanh Mediphar đã sản xuất và đưa ra thị trường hàng trăm loại sản phẩm giả mạo có nhãn mác, công dụng tương tự các sản phẩm dược phẩm nổi tiếng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng. Các sản phẩm này đều được Cục An toàn thực phẩm cấp phép hợp pháp, thậm chí được quảng cáo rầm rộ trên các nền tảng mạng xã hội và bày bán trên các trang thương mại điện tử.

Vụ việc tạo ra cú sốc lớn đối với người tiêu dùng, đặc biệt trong bối cảnh ngành thực phẩm chức năng và sản phẩm hỗ trợ sức khỏe đang bùng nổ tại Việt Nam. Những sản phẩm được gắn mác “được Bộ Y tế cấp phép” từng là bảo chứng cho chất lượng, nhưng giờ đây trở thành sự hoài nghi của người tiêu dùng.
Không ai khác, chính người dân là nạn nhân trực tiếp và tổn thương nhất trong vụ việc này. Điều mất mát lớn nhất không nằm ở một quy trình sai lệch, một cá nhân sai phạm bị khởi tố – mà là ở sự sụp đổ của niềm tin của cộng đồng, của hàng triệu người tiêu dùng.
Người tiêu dùng, với tâm lý đặt trọn niềm tin vào cơ quan quản lý nhà nước. Bởi họ không có công cụ để phân biệt hàng thật – giả, càng không có khả năng tự thẩm định hồ sơ kỹ thuật hay thành phần hoạt chất. Vì vậy, họ đặt trọn niềm tin vào hệ thống giám sát của Cục An toàn thực phẩm. Nơi họ tin rằng, có sự giám sát nghiêm túc, minh bạch và có trách nhiệm. Nhưng vụ việc khiến niềm tin của người tiêu dùng vốn đã mong manh lại càng trở nên dễ lung lay và sụp đổ.
Cần cải tổ tận gốc hệ thống quản lý
Có lẽ sự nguy hiểm nhất là khi một bộ phận trong hệ thống quản lý bị thao túng, mua chuộc, khiến hệ thống này khó đứng vững. Nghiêm trọng hơn, khi chính người đứng đầu cơ quan được giao trọng trách bảo vệ sức khỏe lại là mắt xích của sai phạm, thì toàn bộ hệ thống trở nên khó tạo dựng niềm tin với người dân. Người dân sẽ đặt câu hỏi: Còn bao nhiêu sản phẩm khác đang được “chống lưng”? Bao nhiêu cá nhân khác trong bộ máy cũng đang lạm dụng quyền lực vì lợi ích cá nhân? Và liệu vụ việc lần này có phải là cá biệt?

Cục An toàn thực phẩm, cơ quan được ví như “người gác cổng” bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đã để lọt, thậm chí tạo điều kiện cho hàng giả tràn vào hệ thống. Việc khởi tố, bắt tạm giam Cục trưởng là bước đầu cho thấy quyết tâm làm rõ trách nhiệm cá nhân, nhưng đòi hỏi tiếp theo là cải tổ tận gốc hệ thống quản lý, tránh để “con sâu làm rầu nồi canh”.
Người dân đang cần một thông điệp rõ ràng từ phía cơ quan chức năng: Sẽ không có vùng cấm trong quản lý thực phẩm và dược phẩm, và những ai tiếp tay cho hàng giả, dù ở vị trí nào, cũng sẽ bị xử lý nghiêm minh. Hậu quả của một viên thuốc giả có thể đo được bằng con số. Nhưng hậu quả của một niềm tin bị đánh cắp thì không thể định lượng. Nó khiến người dân sống trong nghi ngờ, hoang mang và đôi khi chọn “tự cứu mình” bằng những cách tiêu cực như quay sang tin vào lời đồn, sản phẩm trôi nổi, hoặc tẩy chay mọi sản phẩm trong nước.

Vụ việc này là minh chứng rõ nhất cho hậu quả của quản lý lỏng lẻo, thiếu minh bạch và không có cơ chế giám sát nội bộ độc lập. Cục trưởng bị bắt chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, khi hệ thống cấp phép từ chuyên viên thẩm định đến bộ phận hậu kiểm đều có thể bị “bôi trơn” bằng lợi ích.

Tổng số thực phẩm chức năng thu giữ khoảng 100 tấn -Ảnh: Bộ Công an
Nếu không nhanh chóng cải tổ từ gốc, thiết lập một cơ chế quản lý minh bạch hơn, độc lập hơn, thì hôm nay là MEDIUSA, Mediphar, ngày mai sẽ là những cái tên khác với chiêu trò tinh vi hơn, hậu quả nghiêm trọng hơn.
Khi cơ quan được giao trọng trách “gác cổng” sức khỏe cộng đồng lại trở thành người mở cửa cho hàng giả, thì hậu quả không chỉ dừng lại ở vài sản phẩm sai phạm. Nó là một lỗ hổng đạo đức và quản trị mà nếu không được bịt lại ngay, sức khỏe hàng triệu người dân sẽ còn bị đe dọa trong im lặng.