Lật tẩy thủ đoạn cắt ghép hình ảnh nhạy cảm để lừa đảo

Để triệt phá ổ nhóm chuyên cắt ghép hình ảnh nhạy cảm để lừa đảo, tống tiền trên không gian mạng, các trinh sát của Công an tỉnh phải xử lý khối lượng thông tin khổng lồ, đeo bám đối tượng trong thời gian dài.

Công an tỉnh vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tạm giam đối với 3 đối tượng: Lê Việt Hoàng, Vũ Quang Quỳnh và Nguyễn Văn Tới để điều tra, làm rõ về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Với các cán bộ, chiến sĩ Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh), đây là vụ án tốn nhiều công sức. Có những người vì tham gia đánh án mà đêm giao thừa mới về đến nhà, có chiến sĩ trẻ khi khép lại hồ sơ để về quê ở xa ăn Tết đã không còn xe khách. Nhưng bù lại đó là niềm vui khi đưa được những đối tượng lừa đảo ẩn mặt trên không gian mạng ra ánh sáng.

 Cán bộ Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đấu tranh phá án.

Cán bộ Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đấu tranh phá án.

Vào tháng 10/2024, qua công tác nắm tình hình trên không gian mạng, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phát hiện nhiều hình ảnh khuôn mặt của cán bộ, lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh và các tỉnh, thành phố khác trên cả nước bị cắt, ghép vào hình ảnh đồi trụy, nhạy cảm để đe dọa, tống tiền. Cùng đó, lực lượng chức năng phát hiện một số giao dịch tài khoản ngân hàng nghi vấn có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi. Do đó, Phòng đã báo cáo Giám đốc Công an tỉnh để xác lập chuyên án đấu tranh.

3 đối tượng đã đứng tên lập 71 tài khoản tại các ngân hàng, cho thuê và thực hiện quét nhận dạng sinh trắc học khuôn mặt để thực hiện hành vi phạm tội, luân chuyển khoảng 200 tỷ đồng của gần 1.000 bị hại trên cả nước.

Đại úy Nguyễn Văn Quý kể: Khi bắt tay vào đấu tranh với các đối tượng, những người trực tiếp đánh án phải nghiên cứu hàng nghìn trang hồ sơ, lần theo từng dấu vết nhỏ nhất của bọn chúng. Các đối tượng thu thập, lấy thông tin, hình ảnh của nhiều cá nhân là cán bộ, lãnh đạo để cắt ghép, tạo ra những bức ảnh nhạy cảm. Sau đó gửi những hình ảnh đó qua mạng xã hội hoặc gmail cùng lời lẽ đe dọa, lừa đảo, mục đích để nạn nhân lo sợ, liên hệ với chúng, cuối cùng là bị lừa mất tiền.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, sau khi xác định được các đối tượng, lãnh đạo đơn vị phân công các tổ công tác bám sát, âm thầm theo dõi sát sao mọi di biến động của chúng. Khi đủ chứng cứ, ngày 6/2, lực lượng phá án đã đấu tranh, làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Vũ Quang Quỳnh (sinh năm 1998) thường trú xã Đại An, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, hiện ở chung cư Bách Việt, phường Dĩnh Kế, thành phố Bắc Giang và Nguyễn Văn Tới (sinh năm 2001), thường trú ở xã Phú Lâm, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Đấu tranh với hai đối tượng, ban chuyên án tiếp tục bắt giữ Lê Việt Hoàng (sinh năm 2004) ở phường 13, quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh.

 Hình ảnh các đối tượng cắt, ghép và nhắn tin cho bị hại.

Hình ảnh các đối tượng cắt, ghép và nhắn tin cho bị hại.

Tại cơ quan điều tra, các đối tượng khai nhận, tháng 8/2024, Vũ Quang Quỳnh xuất cảnh sang Campuchia làm thuê cho người nước ngoài để giúp sức luân chuyển dòng tiền do các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt của người Việt Nam. Đến cuối tháng 9/2024, Nguyễn Văn Tới sang Campuchia cùng làm thuê cho các đối tượng người nước ngoài. Tại đây, các đối tượng chia thành nhiều khâu, nhóm, trong đó nhóm chủ mưu, cầm đầu điều hành hoạt động lừa đảo. Các nhóm còn lại giúp sức như cắt, ghép tạo hình ảnh nhạy cảm, gọi điện thoại, gửi tin nhắn, thư, nhận tiền lừa đảo, luân chuyển dòng tiền có được. Trong số đó, Vũ Quang Quỳnh, Nguyễn Văn Tới và Lê Việt Hoàng đã cho thuê tài khoản cá nhân tại các ngân hàng khác nhau để sử dụng làm tài khoản nhận tiền đã lừa đảo của các bị hại.

Khi nhận được tin nhắn với nội dung đe dọa, cần bình tĩnh, tỉnh táo, tuyệt đối không chuyển tiền, không làm theo hướng dẫn của đối tượng để tránh bị chiếm đoạt tài sản; kịp thời liên hệ, báo tin cơ quan chức năng để điều tra, xử lý

Quỳnh, Tới và Hoàng có nhiệm vụ quét nhận dạng sinh trắc học khuôn mặt phục vụ việc chuyển tiền đến các tài khoản trung gian của các đối tượng nước ngoài quản lý. Theo kết quả điều tra, từ tháng 8 đến tháng 10/2024, 3 đối tượng đã đứng tên lập 71 tài khoản tại các ngân hàng, cho thuê và thực hiện quét nhận dạng sinh trắc học khuôn mặt để thực hiện hành vi phạm tội, luân chuyển tổng số tiền đã chiếm đoạt của gần 1.000 bị hại trên cả nước khoảng 200 tỷ đồng. Mỗi đối tượng được hưởng lợi bất chính khoảng 80 triệu đồng.

Qua vụ án này, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao khuyến cáo người dân tuyệt đối không cho thuê, mượn tài khoản ngân hàng; không đăng ký sim điện thoại cho người khác sử dụng. Nếu phát hiện cần liên hệ với ngân hàng, nhà mạng viễn thông hủy ngay. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ cần lưu giữ thông tin của người mua khi bán sim thẻ điện thoại, trong đó có khách hàng là người nước ngoài. Người dân hết sức thận trọng khi đăng tải hình ảnh cá nhân trên mạng xã hội; luôn cảnh giác trước các cuộc gọi không rõ danh tính, từ số máy lạ. Khi nhận được tin nhắn với nội dung đe dọa, cần bình tĩnh, tỉnh táo, tuyệt đối không chuyển tiền, không làm theo hướng dẫn của đối tượng để tránh bị chiếm đoạt tài sản; kịp thời liên hệ, báo tin cơ quan chức năng để điều tra, xử lý.

Bài, ảnh: Quốc Phương

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/lat-tay-thu-doan-cat-ghep-hinh-anh-nhay-cam-de-lua-dao-postid418101.bbg