Vụ 'Dân khốn đốn vì UBND huyện 'bẻ kèo'': Thanh tra chỉ ra hàng loạt sai phạm

Luật Đất đai quy định chỉ được giao thực hiện các dự án phục vụ tái định cư, nhưng UBND huyện Châu Phú, tỉnh An Giang vẫn đề xuất tiếp tục thực hiện dự án khu dân cư (KDC) trung tâm thương mại (TTTM) Vịnh Tre để ưu tiên cho cán bộ mua nền. Trong quá trình thực hiện, chủ đầu tư nhiều lần thỏa thuận với dân để mở rộng diện tích theo hình thức đổi đất lấy nền. Do không có chức năng nên cách làm này sau đó bị 'tuýt còi', dẫn đến việc huyện 'bẻ kèo' với người dân.

Cán bộ được ưu tiên mua nền

Như Chuyên đề Công an TPHCM thông tin, KDC TTTM Vịnh Tre (thuộc TT.Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú, An Giang) do Công ty Công trình giao thông An Giang (gọi tắt Cty giao thông An Giang) đầu tư, thực hiện với diện tích 93.884m2, tổng mức đầu tư hơn 19,7 tỷ đồng, trong đó có 351 triệu đồng từ vốn ngân sách huyện. Thời gian thực hiện từ năm 2002 - 2004. Dự án chưa hoàn thành và sau đó Cty giao thông An Giang giải thể, các hạng mục tại dự án chỉ thực hiện khoảng 30%.

Sau đó, UBND huyện Châu Phú xin chủ trương điều chỉnh quy hoạch, bổ sung quy mô, điều chỉnh dự án và được UBND tỉnh An Giang chấp thuận. Theo chủ trương, KDC TTTM Vịnh Tre được giao lại cho UBND huyện Châu Phú tiếp tục quản lý và hoàn thành các hạng mục còn lại của công trình.

Đến năm 2017, UBND huyện Châu Phú phê duyệt chủ trương đầu tư với quy mô 98.546m2, tổng mức đầu tư là hơn 36,8 tỷ đồng từ nguồn ngân sách huyện. Thời gian thực hiện dự án đến năm 2019. Sau đó, dự án được giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực (QLDA ĐTXDKV) huyện Châu Phú thực hiện. Đến năm 2020, UBND huyện Châu Phú trình UBND tỉnh An Giang xin chủ trương mở rộng dự án thêm 1.700m2 và thực hiện theo phương thức đất đổi nền...

Trước đó, dư luận cho rằng việc bán nền chỉ ưu tiên cho cán bộ thì khác nào là khu dân cư cán bộ. Trả lời với phóng viên về vấn đề này khi còn là Phó chủ tịch UBND huyện (nay là Chủ tịch HĐND, Phó bí thư Huyện ủy Châu Phú), ông Nguyễn Phước Nên cho rằng: Cho cán bộ đăng ký mua nền, rồi tổ chức đấu giá công khai chứ không phải là khu dân cư cán bộ...

Việc huyện tạo điều kiện cho cán bộ mua nền khi họ chưa có nhà ở thể hiện chính sách nhân văn của địa phương. Tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế của phóng viên thì hàng trăm nền được bán đấu giá cho cán bộ, thì chỉ có vài chục căn nhà được xây dựng, phần lớn bỏ trống. Tình trạng này đã thể hiện những người được xét duyệt thực tế không có nhu cầu mua đất để cất nhà ở. Ngoài ra, người dân còn phản ánh, nhiều cán bộ đã bán nền để hưởng tiền chênh lệch. Việc làm này khác nào làm giàu cho cán bộ (?!).

Phần lớn nền nhà bán cho cán bộ đang bỏ trống

Phần lớn nền nhà bán cho cán bộ đang bỏ trống

Theo tài liệu thu thập, dự án KDC TTTM Vịnh Tre (giai đoạn 1) có diện tích hơn 28.000m2, với 293 nền. Trong số nền được đấu giá thì cơ quan cấp huyện là 159 nền, cấp xã 25 nền, cơ quan theo ngành dọc đặt tại huyện 62 nền và 10 nền thuộc lực lượng vũ trang.

Mới đây, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Phước Lăng - Giám đốc Ban QLDA và ĐTXDKV huyện Châu Phú cho biết: Dự án giai đoạn 2 có tổng cộng 293 nền, trong đó đất đổi nền là 18. Đến nay còn 23 nền, gồm 18 nền đất đổi nền và 5 nền Nhà nước đang quản lý, chưa đấu giá. Số nền còn lại đã bán đấu giá với số tiền hơn 54 tỷ đồng.

Sai phạm nối tiếp sai phạm?

Theo kết luận thanh tra số 02/KL-TT ngày 21/01/2019 do Chánh thanh tra tỉnh An Giang Võ Thanh Tráng ký, liên quan đến giai đoạn 1 dự án KDC TTTM Vịnh Tre thể hiện: Qua kiểm tra giá khởi điểm của 260 nền thuộc dự án, phát hiện 1 nền với diện tích 146m2 có giá khởi điểm thấp hơn giá quy định của UBND tỉnh, với số tiền chênh lệch 99,2 triệu đồng. Về công tác đấu giá nền, qua kiểm tra phát hiện 8 nền không có trong quyết định phê duyệt giá khởi điểm ban đầu.

Ngoài ra, đến thời điểm thanh tra, người trúng đấu giá nộp vào ngân sách Nhà nước chỉ hơn 26,5 tỷ đồng (50% tổng giá trị giá trúng đấu). Trong khi đó, theo quy định người trúng đấu giá mua tài sản phải nộp hết trong thời hạn là 30 ngày. Bên cạnh đó, Thanh tra tỉnh còn xác định, Phòng Kinh tế hạ tầng (KTHT), Ban QLDA, UBND huyện Châu Phú đã thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán về việc chi vượt chi phí thiết kế và chi phí quản lý với số tiền hơn 37 triệu đồng.

Thanh tra tỉnh kiến nghị, UBND huyện chấn chỉnh việc đầu tư xây dựng các công trình, dự án thuộc nguồn vốn ngân sách phải đúng mục đích. Chỉ đạo Phòng Nội vụ, tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với ông Phạm Thanh Lợi - Phó trưởng Phòng KTHT, ông Nguyễn Phước Lăng - Giám đốc Ban QLDA và thu hồi chi phí thiết kế, quản lý...

Đối với giai đoạn 2 của dự án này, mới đây các ngành chức năng tỉnh An Giang cũng có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo, hối thúc chủ đầu tư. Theo văn bản của Sở Xây dựng gửi UBND tỉnh An Giang vào tháng 12/2022, theo quy định của Luật đất đai (khoản 2, khoản 3, Điều 55 Luật Đất đai), pháp luật nhà ở (khoản 1, Điều 21 Luật nhà ở) thì chỉ có tổ chức kinh tế mới đủ điều kiện làm chủ đầu tư phát triển nhà ở thương mại, cơ quan hành chính nhà nước (UBND cấp huyện, Ban QLDA ĐTXD) chỉ được giao đất để thực hiện các dự án phục vụ tái định cư theo khoản 4, Điều 54 Luật Đất đai. Như vậy, cho thấy dự án được giao cho UBND huyện Châu Phú thực hiện đã có những bất cập, có dấu hiệu vi phạm Luật Đất đai, Luật Nhà ở.

Không những vậy, theo văn bản của Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) An Giang, quá trình thực hiện đầu tư dự án, huyện Châu Phú có điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, quy mô nhiều lần trên cơ sở ý kiến của Sở Xây dựng và các ngành liên quan. Dự án đến tháng 02/2023 vẫn chưa kết thúc. "Đây là dự án chuyển tiếp giai đoạn 2016 - 2020 nên áp dụng theo quy định của Luật Đầu tư công năm 2014, thời gian bố trí vốn để hoàn thành theo tiến độ thực hiện được cấp có thẩm quyền quyết định không quá 3 năm", theo nội dung văn bản do Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh An Giang Phạm Minh Tâm ký. Do đó, Sở KH&ĐT đề nghị UBND tỉnh giao UBND huyện Châu Phú khẩn trương lập các thủ tục hồ sơ hoàn thành, kết thúc dự án theo quy định do dự án đã kéo dài thời gian vượt quy định của Luật Đầu tư công.

Trước đó trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Phước Lăng cho rằng đã thực hiện xong nội dung kết luận thanh tra liên quan đến dự án giai đoạn 1. Ngoài ra, giai đoạn 2 cũng đã được Thanh tra nhưng nội dung không thể cung cấp vì phải xin ý kiến của Thường trực UBND huyện...

Trao đổi về nội dung trên, ngày 11/5/2023, ông Huỳnh Thanh Quang - Chánh văn phòng Thanh tra tỉnh An Giang cho biết: "Từ năm 2020 đến nay, Thanh tra tỉnh không có thanh tra dự án này".

Việc chủ đầu tư thỏa thuận với 2 hộ dân lấy đất để đổi 18 nền trong dự án nhưng sau đó không thực hiện và các vấn đề: không đủ chức năng lại được triển khai dự án nhà ở; mở rộng diện tích giai đoạn 2, giai đoạn 3; dự án triển khai trước khi ra quyết định thu hồi đất của dân... Thiết nghĩ UBND tỉnh An Giang cần chỉ đạo Thanh tra tỉnh vào cuộc làm rõ để tránh gây bức xúc và thiệt thòi quyền lợi của người dân.

Nguyễn Nhân

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/song-theo-phap-luat/thanh-tra-chi-ra-hang-loat-sai-pham_147182.html