Vụ đê sông Hồng bị nứt: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội nói gì về vụ việc?
Sau khi Báo Gia đình và Xã hội đăng tải bài viết 'Vụ đê sông Hồng bị nứt: Ông Chu Phú Mỹ ký hàng loạt văn bản bất chấp cảnh báo của Tổng cục Phòng, chống thiên tai' đại diện Sở NN&PTNT Hà Nội đã phản hồi về vụ việc.
Theo đại diện Sở NN&PTNT TP Hà Nội, vị trí của trạm bơm nước thô của nhà máy nước mặt sông Hồng nằm gần trạm bơn Đan Hoài đã vận hành hàng chục năm. Vị trí được giới thiệu dựa trên tổng thể đề xuất của Sở Quy hoạch Kiến trúc, của địa phương và các đơn vị liên quan. Từ đề xuất của các đơn vị chuyên môn, TP Hà Nội mới có văn bản xin ý kiến của Bộ NN&PTNT.
Thẩm quyền thẩm định dự án nhà máy nước mặt sông Hồng thuộc Bộ Xây dựng, liên quan đến lĩnh vực đê điều thì phải có sự chấp thuận của Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT). Tổng cục này đã có văn bản chấp thuận về vị trí và trong đó có khuyến cáo một số nội dung.
Trên cơ sở khuyến nghị của Tổng cục Phòng, chống thiên tai, Tổng cục Thủy lợi, Sở NN&PTNT Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo chủ đầu tư hoàn thiện các hồ sơ liên quan.
"Sở NN&PTNT Hà Nội là đơn vị quản lý nhà nước thì chỉ biết dựa trên cơ sở các quy định, thẩm định, đề xuất, tính toán của các đơn vị chuyên ngành do chủ đầu tư thuê. Các đơn vị chuyên ngành (Viện thủy điện và năng lượng tái tạo và Viện Thủy công - PV) cũng toàn là các đơn vị đầu ngành về lĩnh vực thủy lợi ở Việt Nam. Các tổ chức này đều được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực chuyên môn của họ, các cá nhân liên quan cũng có chứng chỉ hành nghề. Từ tính toán của các đơn vị nêu trên, Sở đã báo cáo lại Tổng cục Phòng, chống thiên tai để đơn vị này cho ý kiến.
Tuy nhiên, trong tính toán và quá trình thi công cũng có những cái bây giờ chưa thể khẳng định được nguyên nhân chính xác gây ra sự cố là do khâu nào. Hiện chỉ mới nắm được nguyên nhân ban đầu là do quá trình thi công trạm bơm nước thô và để biết đích xác là do đơn vị thi công hay do thiết kế hay do nguyên ngân nào khác thì TP Hà Nội phải thành lập tổ đánh giá và đưa ra kết luận.
Trước mắt, chủ đầu tư đã tự chịu hoàn toàn trách nhiệm khắc phục, kinh phí và các vấn đề liên quan. Hiện nay, hiện trường đã được lấp lại toàn bộ và đã hoàn thành thảm đá lên mặt. Việc xử lý sự cố đều có tư vấn, thẩm tra và ý kiến của Tổng cục Phòng, chống thiên tai".
Về diễn tiến tiếp theo nhằm xử lý vụ việc, đại diện Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, UBND TP Hà Nội đang lập tổ kiểm tra. Thành phần tổ kiểm tra ngoài các Sở liên quan còn có đại diện Bộ NN&PTNT, Bộ Xây dựng và các chuyên gia hàng đầu về thiết kế, thi công, thẩm định. Với chủ đầu tư, việc cấp phép đến thời điểm này đã hết hạn, tổ kiểm tra do UBND TP Hà Nội lập sẽ đánh giá và đưa ra kết luận cuối cùng sau khi kiểm tra.
Trước đó, như Báo Gia đình và Xã hội phản ánh, Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) đang ráo riết vào cuộc vụ đê hữu Hồng thuộc địa phận huyện Đan Phượng, Hà Nội bị nứt. Tổng cục Phòng, chống thiên tai xác định đây là sự cố đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn và khả năng chống lũ của đê sông Hồng địa phận TP Hà Nội khi đã bước vào mùa mưa lũ chính vụ năm 2021.
Ngày 10/5, các bên liên quan đến sự cố nêu trên đã có buổi làm việc tại Tổng cục Phòng, chống thiên tai. Thành phần tham dự có đại diện chủ đầu tư là ông Vũ Hồng Trường, Phó Tổng giám đốc Công ty CP nước mặt sông Hồng và Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Hà Nội ông Nguyễn Văn Quyến.
Sau khi các bên liên quan báo cáo, ông Phạm Đức Luận, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Phòng, chống thiên tai kết luận: "Sự cố nứt đê tại vị trí K46+130 đê hữu Hồng là do việc đào hố móng của trạm bơm nhà máy nước mặt sông Hồng gây ra".
Hiện nguyên nhân chính xác gây ra sự cố đặc biệt nghiêm trọng, uy hiếp đến an toàn của hàng triệu người dân Thủ đô trong mùa mưa lũ tới đang được gấp rút làm rõ.
Báo Gia đình và Xã hội sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.