Vụ gần 3.000 tấn giá đỗ ngâm chất cấm: Vì sao 6 cơ sở vẫn hoạt động bình thường?

Do cơ quan công an không yêu cầu ngừng hoạt động, nên 6 cơ sở liên quan đến vụ gần 3.000 tấn giá đỗ ngâm chất cấm vẫn tiếp tục sản xuất. Các cơ sở này phải ký cam kết không sử dụng chất cấm.

Chủ bị tạm giam, 6 cơ sở làm giá vẫn đang hoạt động

Sáng 31/12, thông tin với báo chí, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Đắk Lắk cho biết, đơn vị vừa có văn bản báo cáo thông tin vụ việc sản xuất giá đỗ gửi đến Bộ NN&PTNT, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường.

Theo báo cáo, ngày 27/5, theo đề nghị của Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Đắk Lắk về việc đề nghị cung cấp thông tin về chất sử dụng trong sản xuất giá đỗ, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản đã cung cấp thông tin về chất "6-Benzylaminopurine" là hóa chất nằm ngoài danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam, theo quy định tại Thông tư số 09/2023/TT-BNNPTNT ngày 24/10/2023 của Bộ NN&PTNT.

Công an tỉnh Đắk Lắk triệt phá 6 cơ sở sản xuất giá đỗ sử dụng chất cấm. (Ảnh: T.X.).

Công an tỉnh Đắk Lắk triệt phá 6 cơ sở sản xuất giá đỗ sử dụng chất cấm. (Ảnh: T.X.).

Đến ngày 15/12, theo đề nghị của Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Đắk Lắk, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản đã cử 2 công chức có chứng nhận lấy mẫu thực phẩm cùng Đoàn kiểm tra của Công an kinh tế lấy mẫu tại 6 cơ sở làm giá đỗ (tại Tp.Buôn Ma Thuột – PV), với tổng số 35 mẫu giá đỗ, 6 mẫu hóa chất và 6 mẫu nước ngâm đã pha nước.

Xác định đây là hành vi cố tình sử dụng chất cấm trong sản xuất giá đỗ gây mất an toàn thực phẩm nghiêm trọng, Công an tỉnh Đắk Lắk đã ra quyết định khởi tố và bắt tạm giam 4 đối tượng là chủ 6 cơ sở làm giá đỗ nêu trên.

Qua rà soát, trong 6 cơ sở làm giá đỗ thuộc 3 hộ kinh doanh và 1 doanh nghiệp. Trong đó, có 1 cơ sở của Công ty TNHH Thương mại Lâm Đạo đã được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và Thủy sản cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho hoạt động "sơ chế, đóng gói, kinh doanh giá đậu xanh" ngày 22/4/2024.

Còn lại, 5/6 cơ sở làm giá đỗ nói trên thuộc đối tượng cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý thực hiện theo Thông tư số 17/2018/TT-BNNPTNT ngày 31/10/2018 của Bộ NN&PTNT.

Thông tin từ Sở NN&PTNT cho biết, cả 6 cơ sở làm giá đỗ chưa được kiểm tra qua các đợt đoàn thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất. (Ảnh: T.X.).

Thông tin từ Sở NN&PTNT cho biết, cả 6 cơ sở làm giá đỗ chưa được kiểm tra qua các đợt đoàn thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất. (Ảnh: T.X.).

Trong năm, các cơ quan quản lý của tỉnh, của huyện đã tiến hành nhiều hoạt động thanh kiểm tra, lấy mẫu giám sát đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh các sản phẩm nông lâm thủy sản. Tuy nhiên, cả 6/6 cơ sở làm giá đỗ nêu trên chưa được kiểm tra qua các đợt đoàn thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất.

Đối với cơ sở của Công ty TNHH Thương mại Lâm Đạo là cơ sở xin cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm lần đầu, để được đánh giá các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hoạt động sơ chế, đóng gói nên không có lấy mẫu sản phẩm để kiểm nghiệm. Do xếp vào loại B nên việc thẩm định lại phải đủ 12 tháng, vì vậy đến nay chưa đến thời hạn đánh giá lại.

Sau khi có thông tin về quyết định khởi tố vụ án, khởi tố, bắt tạm giam 4 bị can của 6 cơ sở dùng hoạt chất "6- Benzylaminopurine" để ngâm ủ giá đỗ, Sở NN&PTNTđã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp để tổ chức làm việc tại các cơ sở làm giá đỗ và hệ thống cửa hàng Bách hóa Xanh.

Theo đó, tại thời điểm đoàn đến làm việc thì 6/6 cơ sở nêu trên vẫn đang hoạt động bình thường. Đại diện các cơ sở thông tin khai báo, cả 4 chủ cơ sở đều đã bị tạm giam. Tuy nhiên, cơ quan công an không yêu cầu ngừng hoạt động nên cơ sở vẫn tiếp tục sản xuất và phải ký cam kết không được sử dụng chất cấm.

Vì vậy, khi đến làm việc với các cơ sở thì hoạt động làm giá đỗ đều diễn ra bình thường với sản lượng ít hơn so với những ngày chưa bị cơ quan công an kiểm tra. Cụ thể, có cơ sở hiện bán 1,5 tấn/ngày so với trước khi bị công an kiểm tra là 2 tấn/ngày hoặc có cơ sở hiện bán 200-300kg/ngày so với trước khi bị công an kiểm tra là 400-500kg/ngày.

Sở NN&PTNT cũng thông tin, hiện tại, Công ty TNHH Thương mại Lâm Đạo (cơ sở Lâm đạo) không còn cung cấp giá đỗ cho cửa hàng Bách hóa Xanh.

Đối với yêu cầu truy xuất triệu hồi, ngay tại thời điểm công an kiểm tra (15/12) đã tiến hành tịch thu toàn bộ sản phẩm giá đỗ có chứa chất "6-Benzylaminopurine" và các can chứa đựng hóa chất tại 6 cơ sở làm giá đỗ làm tang vật vụ án.

Đồng thời, các cửa hàng của hệ thống Bách hóa Xanh cũng đã thu hồi tiêu hủy 343kg và đã ngưng mua hàng từ đơn vị cung cấp giá đỗ là cơ sở Lâm Đạo. Do đó, không còn sản phẩm để thu hồi.

Đề nghị khẩn trương nghiên cứu sửa đổi luật

Qua vụ việc nêu trên, Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk nhận thấy, công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm vẫn còn có nhiều tồn tại và vướng mắc và bất cập.

Để các địa phương thực hiện tốt công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng, Sở NN&PTNT đề nghị Bộ NN&PTNT khẩn trương nghiên cứu đề xuất sửa đổi Luật An toàn thực phẩm 2010 (ban hành đã lâu và còn nhiều bất cập so với hiện tại).

Đồng thời, sửa đổi, bổ sung các Nghị định, Thông tư cho đồng bộ, theo hướng: Toàn bộ thực phẩm được sản xuất, chế biến, bảo quản đến tiêu thụ ra thị trường đều phải được thực hiện bởi những chủ thể, tuân thủ theo điều kiện, quy trình chặt chẽ theo quy định, đảm bảo có đăng ký, chứng nhận, truy xuất nguồn gốc.

Cả 4 chủ cơ sở sản xuất giá đỗ sử dụng chất cấm đã bị khởi tố, bắt tạm giam để phục vụ điều tra (Ảnh: T.X.).

Cả 4 chủ cơ sở sản xuất giá đỗ sử dụng chất cấm đã bị khởi tố, bắt tạm giam để phục vụ điều tra (Ảnh: T.X.).

Xác định đầy đủ, rõ ràng vai trò, chức năng, trách nhiệm, nội dung, thẩm quyền và sự phối hợp của các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp trong quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Các ngành có liên quan cần tăng cường công tác phối hợp (Công thương, Y tế, Công an,…) trong công tác quản lý về vệ sinh an toàn thực phẩm. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất, sử dụng các biện pháp nghiệp vụ trong công tác điều tra, nắm bắt tình hình hoạt động của cơ sở.

Theo Sở NN&PTNT, hiện nay, các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm và quy định về xử lý vi phạm hành chính về vệ sinh an toàn thực phẩm còn thấp, chưa có sức răn đe. Do đó, Sở kiến nghị phải tăng mức xử phạt, những hành vi tái phạm (đặc biệt là sử dụng hóa chất cấm có tác động nguy hại đến sức khỏe cá nhân, cộng đồng) phải được xử lý hình sự.

Ngoài ra, Sở cũng đề nghị Bộ NN&PTNT nghiên cứu việc sử dụng tiêu đề "Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm" để làm rõ ràng hơn, giảm thiểu sự hiểu nhầm của người dân hoặc cơ quan báo chí trong thời gian qua.

Đây thực chất chỉ là một thủ tục hành chính nhằm chứng nhận cho những điều kiện về nhà xưởng, trang thiết bị... phục vụ cho công đoạn sơ chế, đóng gói để buộc cơ sở sản xuất phải đáp ứng được các điều kiện, chỉ tiêu cụ thể để đảm bảo yêu cầu hoạt động đối với lĩnh vực này.

Như đã đưa tin, trước đó Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh Đắk Lắk) đã triệt phá 6 cơ sở dùng hóa chất độc hại để sản xuất giá đỗ bán ra thị trường. Cơ quan công an đã quyết định khởi tố, bắt tạm giam 4 đối tượng về hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.

Các đối tượng khai nhận, trong quá trình sản xuất giá đỗ đã sử dụng vôi cục, nước giếng và một loại chất lỏng không màu, mà nhóm này thường trao đổi tiếng lóng với nhau qua mạng là nước "kẹo". Nước "kẹo" thực chất là hoạt chất 6-Benzylaminopurine, không thuộc danh mục được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm và danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam.

Trước sự việc gây xôn xao dư luận nói trên, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) vừa có văn bản đề nghị Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk báo cáo cung cấp thông tin về vụ việc...

Khánh Ngọc

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/vu-gan-3000-tan-gia-do-ngam-chat-cam-vi-sao-6-co-so-van-hoat-dong-binh-thuong-204241231133530024.htm