Vụ Hiệu phó yêu cầu HS ăn thức ăn lấy lại từ thùng rác: Phụ huynh không vô can trong câu chuyện này
'Thầy hiệu phó này cũng sẽ bị kỷ luật, như thông báo của Sở Giáo Dục tỉnh Cà Mau. Nhưng chúng ta, các phụ huynh không vô can trong câu chuyện này', nhà văn Hoàng Anh Tú khẳng định.
Vụ việc một Hiệu phó tại trường Chuyên ở Cà Mau bắt học sinh ăn thức ăn lấy từ thùng rác đang nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận. Rất nhiều phụ huynh bày tỏ sự bức xúc trước hành động được cho là thiếu tính nhân văn và giáo dục của người đứng trong hàng ngũ lãnh đạo nhà trường.
Tuy nhiên, trong câu chuyện này có phải chỉ thầy Hiệu phó mới là người có lỗi, phụ huynh liệu có vô can? Trách nhiệm của những người làm cha làm mẹ ở đâu trong sự việc này?
Mới đây, đứng ở góc nhìn cá nhân, nhà văn Hoàng Anh Tú đã có những chia sẻ xoay quanh vụ việc nói trên, nhận về nhiều sự đồng tình của bạn đọc:
"Một hiệu phó ở Cà Mau bắt học sinh lấy lại đồ ăn ở thùng rác ra và ăn hết như một hình phạt mà thầy dành cho học sinh vi phạm nội quy mang đồ ăn vào trong lớp. Đó là một hành động phản giáo dục, ai cũng thấy là vậy. Thầy hiệu phó này đã xin lỗi học sinh cũng như phụ huynh của 2 em bị thầy phạt. Thầy hiệu phó này cũng sẽ bị kỷ luật, như thông báo của Sở Giáo Dục tỉnh Cà Mau. Nhưng chúng ta, các phụ huynh không vô can trong câu chuyện này.
Tôi thật lòng vẫn mong câu chuyện là 2 em nam sinh lớp 12 bị thầy bắt lấy lại đồ ăn ở thùng rác ra ăn đã phản ứng lại thầy bằng việc từ chối ăn, chấp nhận bị kỷ luật, mời bố mẹ đến. Và nếu vậy, là bố mẹ của 2 nam sinh này, tôi sẽ vô cùng tự hào vì con mình làm vậy. Là con biết nói KHÔNG với những sự xúc phạm và những hành vi sai trái của người khác dành cho mình. Là con bảo vệ lòng tự trọng của mình. Là con biết giá trị của con thay vì khúm núm, sợ sệt và răm rắp nghe theo. Nên nhớ, các con đều đã là nam sinh lớp 12, đủ hiểu biết để phân định đúng sai và tự bảo vệ được danh dự của mình.
Vẫn biết là ở đâu đó, nơi xa xôi, quê mùa, nhiều đứa trẻ không được hiểu biết như học sinh thành phố, nơi mà chính cha mẹ cũng sợ cường quyền, ác bá. Gặp công an là rúm ró. Vào các UBND là sợ từ bảo vệ sợ đi. Nhưng nếu chúng ta vẫn chọn cách im lặng trước mặt rồi sau đó về nhà lên tiếng trên FB thì chẳng có gì giải quyết được cả. Giống như chuyện nhiều phụ huynh lên tiếng vụ thầy cô ép bỏ thi vào 10 vậy. Chúng ta không thể dùng cách chửi bới Bộ Giáo Dục, lên án những thầy cô giáo phản giáo dục để giúp Giáo Dục Việt Nam tốt lên được. Bởi mỗi chúng ta chính là một hạt mưa góp phần làm nên cơn lũ lớn.
Chúng ta không vô can trong mỗi “sự xuống cấp của Giáo Dục Việt Nam”. “Bạn không thể dạy trẻ ứng xử tốt hơn bằng cách khiến chúng cảm thấy tồi tệ hơn. Khi trẻ cảm thấy tốt hơn, chúng cư xử tốt hơn”. Và với Giáo Dục Việt Nam cũng vậy, hãy làm cho nó “tăng cấp” bằng việc có mặt của bạn trong giám sát, nhân chứng và lên tiếng trước mỗi cái sai, cái xấu".