VỤ KHAI THÁC MỞ ĐẤT HIẾM Ở BẮC NẬM XE (LAI CHÂU): Vẫn còn nhiều nỗi lo về môi trường
Tham vấn ý kiến cộng đồng xã Nậm Xe, Phong Thổ vẫn còn nhiều nỗi lo về môi trường và an sinh xã hội của người dân khi dự án khai thác, chế biến mỏ đất hiếm Bắc Nậm Xe.
Theo tìm hiểu của PV, Công ty TNHH xây dựng Hưng Hải (địa chỉ Tổ 10, phường Đoàn Kết, TP Lai Châu, tỉnh Lai Châu) được UBND tỉnh Lai Châu cấp Quyết định chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư dự án khai thác chế biến mỏ đất hiếm Bắc Nậm Xe, huyện Phong Thổ số 490 ngày 24/4/2022.
Theo đó, công ty được khai thác quặng kim loại đất hiếm và khoáng sản đi kèm với công suất 600 nghìn tấn/năm trên diện tích khai thác là 105,73 ha thuộc xã Nậm Xe, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu.
Trong quyết định nêu rõ, UBND tỉnh Lai Châu giao đơn vị chủ đầu tư có trách nhiệm hoàn thiện hồ sơ dự án theo ý kiến của cơ quan thẩm định, tiến hành khảo sát chi tiết lập dự án đầu tư, chấp hành thực hiện đầy đủ các thủ tục pháp lý có liên quan đến dự án môi trường, đất đai, xây dựng, khoáng sản, công nghệ khai thác chế biến, an toàn bức xạ, lâm nghiệp và các thủ tục khác theo quy định của pháp luật…
Ngày 13/4/2023, Công ty TNHH xây dựng Hưng Hải phối hợp với UBND xã Nậm Xe (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) tổ chức họp tham vấn cộng đồng dân cư chịu tác động trực tiếp bởi dự án Khai thác và chế biến mỏ đất hiếm Bắc Nậm Xe.
Qua đó, rất nhiều ý kiến của người dân đưa ra đối với dự án, có nhiều ý kiến đồng thuận, nhưng cũng có nhiều ý kiến bày tỏ sự lo lắng cho vấn đề môi trường, an sinh xã hội của người dân.
Như "bắt được vàng" khi thấy PV tới tìm hiểu, bà Đèo Thị Hương người dân bản Màu bày tỏ, toàn bộ người dân trong khu vực dự án nên phải di dời toàn bộ, trong quá trình di dân, thu hồi đất người dân sẽ làm gì để duy trì cuộc sống.
Ông Phàn Tiến Nghị người dân bản Po Chà lo lắng: Trong đất hiếm có nhiều thành phần khác thì khai thác có ảnh hưởng đến người dân hay không? Chủ đầu tư có biện pháp giảm thiểu như thế nào và chủ đầu tư có trách nhiệm ra sao với người dân bị ảnh hưởng?.
Trò chuyện với PV, ông Đỗ Huy Thanh – cán bộ Đồn Biên phòng Sin Suối Hồ đặt vấn đề, nước mưa tràn chảy từ dự án có ảnh hưởng đến nguồn nước của địa phương không? Tại dự án thuộc bản Màu, xã Nậm Xe có đất quốc phòng, phía chủ đầu tư thu hồi ra sao.
Trong khi đó, ông Thèn Văn Hủ - Phó Chủ tịch HĐND xã Nậm Xe cho rằng, quá trình hoạt động của dự án có liên quan đến nguồn nước không? Phạm vi mỏ có ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân xung quanh ra sao!?…
Đối với Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Phong Thổ (tỉnh Lai Châu) đồng ý với nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án, đồng thời có đề nghị với công ty thực hiện đúng cam kết đã nêu trong báo cáo, công ty cam kết thực hiện các biện pháp khắc phục, đền bù đối với những thiệt hại trong quá trình triển khai, vận hành dự án gây ra.
Ông Nùng Văn Mằn trưởng bản Màu chia sẻ với phóng viên: “Hôm họp ở xã thì có khoảng chục người của bản Màu, ngoài ra còn có các bản khác lân cận. Việc khai thác khoáng sản cũng lo về sức khỏe, an sinh xã hội, nhưng cũng không biết khi nào thì dự án triển khai. Hiện tại bản Màu có hơn 70 hộ dân đang sinh sống”.
Chia sẻ với phóng viên, ông Hà Minh Đồng - Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Xe cho hay: "Toàn xã có khoảng 7.000 nhân khẩu với 17 thôn. Dự án khai thác, chế biến đất hiểm nếu triển khai sẽ phải di dời khoảng 74 hộ thuộc bản Màu sang khu tái định cư".
Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020 mới đây nhất quy định về tham vấn cộng đồng dân cư trong báo cáo đánh giá tác động môi trường và tham vấn ý kiến cộng đồng được quy định cụ thể tại Điều 33 Luật Bảo vệ môi trường 2020 (Luật BVMT 2020), Điều 26 của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số Điều của Luật BVMT như sau:
Tại Khoản 1 Điều 33 Luật BVMT 2020 quy định: cộng đồng dân cư, cá nhân chịu tác động trực tiếp bởi dự án đầu tư; cơ quan, tổ chức có liên quan trực tiếp đến dự án là đối tượng được tham vấn.
Cụ thể hóa hơn tại điểm a khoản 1 Điều 26 Nghị định số 08/2022 quy định đối tượng tham vấn là cộng đồng dân cư, cá nhân chịu tác động trực tiếp bởi tác động môi trường do các hoạt động của dự án gây ra, bao gồm: cộng đồng dân cư, cá nhân sinh sống, sản xuất, kinh doanh tại khu vực đất, mặt nước, đất có mặt nước, khu vực biển bị chiếm dụng cho việc đầu tư dự án; cộng đồng dân cư, cá nhân nằm trong phạm vi tác động trực tiếp của nước thải, khí thải, bụi, tiếng ồn, chất thải rắn, chất thải nguy hại do dự án gây ra; cộng đồng dân cư, cá nhân bị ảnh hưởng do các hiện tượng sụt lún, sạt lở, bồi lắng bờ sông, bờ biển gây ra bởi dự án; cộng đồng dân cư, cá nhân bị tác động khác, được xác định thông qua quá trình ĐTM.
Nội dung tham vấn được quy định tại Khoản 3 Điều 33 Luật BVMT 2020 và quy định chi tiết hướng dẫn tại Khoản 2 Điều 26 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, một số nội dung tham vấn cộng đồng dân cư trong ĐTM như vị trí thực hiện dự án đầu tư; tác động môi trường của dự án đầu tư; biện pháp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường; chương trình quản lý và giám sát môi trường; phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường; các nội dung khác có liên quan đến dự án đầu tư, bao gồm: phương án cải tạo phục hồi môi trường đối với dự án khai thác khoáng sản hoặc chôn lấp chất thải, phương án bồi hoàn đa dạng sinh học đối với dự án có phương án bồi hoàn đa dạng sinh học theo quy định của pháp luật. Đây là những nội dung vô cùng quan trọng trong nội dung của báo cáo ĐTM.
Hình thức tham vấn cộng đồng dân cư trong ĐTM được quy định bao gồm 2 hình thức: tham vấn thông qua đăng tải trên trang thông tin điện tử và tham vấn bằng tổ chức họp lấy ý kiến.
- Quy định pháp luật về hình thức tham vấn cộng đồng dân cư thông qua đăng tải trên trang thông tin định tử, quy định về hình thức tham vấn thông qua việc đăng tải trên trang thông tin điện tử là một quy định hoàn toàn mới của Luật BVMT 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Việc tham vấn thông qua đăng tải trên trang thông tin điện tử được quy định cụ thể tại điểm a khoản 3 Điều 26 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP. Theo đó, trước khi trình cấp có thẩm quyền thẩm định báo cáo ĐTM, chủ dự án gửi nội dung tham vấn báo cáo ĐTM đến đơn vị quản lý trang thông tin điện tử của cơ quan thẩm định báo cáo ĐTM để tham vấn cộng đồng dân cư chịu tác động trực tiếp bởi tác động môi trường do các hoạt động của dự án gây ra, trừ thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
Trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị đăng tải của chủ dự án, đơn vị quản lý trang thông tin điện tử của cơ quan thẩm định có trách nhiệm đăng tải nội dung tham vấn. Việc tham vấn được thực hiện trong thời hạn 15 ngày; hết thời hạn tham vấn, đơn vị quản lý trang thông tin điện tử có trách nhiệm gửi kết quả tham vấn cho chủ dự án.
- Quy định pháp luật về hình thức tham vấn cộng đồng dân cư bằng tổ chức họp lấy ý kiến, quy định tại điểm b khoản 3 Điều 26 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP. Cụ thể, chủ dự án chủ trì, phối hợp với UBND cấp xã nơi thực hiện dự án niêm yết báo cáo ĐTM tại trụ sở ủy ban nhân dân cấp xã và thông báo thời gian, địa điểm tổ chức họp tham vấn lấy ý kiến của cộng đồng dân cư, cá nhân chịu tác động trực tiếp bởi tác động môi trường do các hoạt động của dự án gây ra trước thời điểm họp ít nhất là 5 ngày. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm niêm yết báo cáo ĐTM kể từ khi nhận được báo cáo ĐTM cho đến khi kết thúc họp lấy ý kiến.
Bên cạnh đó, chủ dự án có trách nhiệm trình bày nội dung báo cáo ĐTM tại cuộc họp tham vấn. Ý kiến của các đại biểu tham dự cuộc họp và các phản hồi, cam kết của chủ dự án phải được thể hiện đầy đủ, trung thực trong biên bản họp tham vấn cộng đồng theo mẫu do Bộ TNMT quy định.