Vũ khí bí mật của tàu ngầm Đức trong Thế chiến 2

Ngày 20/9/1943, ở vùng biển bắc Đại Tây Dương, đoàn tàu ON-202 chở hàng quân sự từ Vương quốc Anh đến Arkhangensk của Liên Xô bị 20 chiếc tàu ngầm Đức tấn công. Các con tàu Anh không thể tránh khỏi những quả ngư lôi kiểu mới chưa từng biết đến. Khinh hạm lớp River HMS Lagan (K-59) của Hải quân Hoàng gia Anh hộ tống đoàn tàu ON-202, đã trở thành nạn nhân đầu tiên của loại vũ khí bí mật này.

Những bí ẩn của Vịnh Phần Lan

Từ đầu năm 1944, ở eo biển Bjorkosund (tiếng Phần Lan - Koivistonsalmi) thuộc Vịnh Phần Lan, Biển Baltic, bắt đầu xảy ra những sự kiện khó hiểu. Lần lượt, hai tàu tuần tra của Liên Xô đã bị chìm trong những hoàn cảnh bí ẩn - đầu tiên là tàu MO-304 đang làm nhiệm vụ tuần tra, còn vài ngày sau, đến lượt tàu MO-107. Những thành viên còn sống sót của thủy thủ đoàn không thể giải thích được gì: biển lặng, không có máy bay địch, và tuyến đường biển mới được rà phá mìn gần đây.

Thuyền trưởng hạng nhất Yury Kolesnikov trong cuốn sách "Lực lượng đặc nhiệm hải quân" (2004) kể rằng, khi phần đuôi còn nổi của tàu MO-107 được kéo về thị trấn Koivisto lúc bấy giờ, người ta phát hiện các mảnh vỡ của một loại ngư lôi chưa xác định bị kẹt trong thân tàu.

Tàu ngầm U-250 loại VII C của Đức.

Tàu ngầm U-250 loại VII C của Đức.

Eo biển Bjorkosund với nhiều mỏm đá và bãi cạn, theo quan niệm lúc bấy giờ, không cho phép tàu ngầm, thậm chí cả tàu nổi, qua lại. Một bất ngờ tiếp theo đã xảy ra vào ngày 30/7/1944, khi một tàu ngầm Đức chưa xác định nổi lên "dưới kính tiềm vọng", có ý định tấn công các tàu khu trục của Liên Xô đang neo ở bến. Hai tàu tuần tra, MO-160 và MO-103, lao vào tấn công tàu ngầm. MO-160 đã bị chính con tàu ngầm đang rút lui tấn công. Thấy dấu vết của ngư lôi tàu ngầm, tàu tuần tra đã đổi hướng đột ngột, nhưng ngư lôi cũng đổi hướng và đâm thẳng vào mạn tàu: MO-160 bị phá hủy hoàn toàn.

Chỉ huy tàu tuần tra MO-103 ra lệnh cho các thủy thủ tăng tốc lên mức tối đa; họ đã định vị được tàu ngầm và thả xuống sáu quả bom chìm. Một vệt bong bóng xuất hiện dọc theo đường nổ - dấu hiệu rõ ràng cho thấy tàu ngầm đã bị hư hại. Với bong bóng lớn cuối cùng, 6 thành viên của thủy thủ đoàn tàu ngầm Đức nổi lên mặt nước. Trong số đó, như sau này được biết, có thuyền trưởng tàu ngầm, Đại úy Werner-Karl Schmidt và hoa tiêu Oskar Ridel. Người thứ hai đã mở nắp hầm tàu để thoát ra ngoài, khiến 46 thành viên còn lại của thủy thủ đoàn thiệt mạng. Chỉ huy tàu tuần tra MO-103 nhìn đồng hồ: lúc đó là 19 giờ 25 phút. Từ khoảnh khắc này, câu chuyện giải mã bí mật của Đức bắt đầu.

Bí mật của tàu ngầm và thuyền trưởng

Như sau này được biết, tàu tuần tra MO-103 đã đánh chìm tàu ngầm U-250 loại VII C. Tàu này được hạ thủy tại xưởng đóng tàu Friedrich Krupp Germania ở thành phố Kiel vào ngày 11/11/1943 và chính thức được đưa vào biên chế Hải quân Đức vào ngày 12/12/1943, dưới sự chỉ huy của Werner-Karl Schmidt. Trong chiến dịch đầu tiên, tàu ngầm U-250 đã đánh chìm một tàu ngầm Liên Xô 56 tấn trên Biển Baltic cùng 19 thành viên thủy thủ đoàn. Hitler đã đích thân trao tặng huân chương Thập tự Sắt cho viên chỉ huy yêu thích của mình, Schmidt.

Số là trước khi đảm nhiệm chức vụ chỉ huy tàu ngầm, Schmidt từng là hoa tiêu trong lực lượng không quân tầm xa và đã được Hitler trực tiếp trao tặng Huân chương Thập tự Hiệp sĩ vì các cuộc không kích vào Paris, Belgrade và Moscow. Sau đó, viên phi công huyền thoại này muốn trở thành thuyền trưởng tàu ngầm, và thượng cấp đã đáp ứng nguyện vọng của y.

Werner-Karl là kẻ tự mãn, kiêu ngạo, và tin vào năng lực đặc biệt của mình. Trong các cuộc thẩm vấn, y im lặng hoặc mỉm cười khinh bỉ. Y tin chắc rằng không ai có thể tìm thấy tàu ngầm U-250 của mình và có thể giải mã được lộ trình bí mật của nó.

Quả thật, không ai có thể tìm thấy con tàu, vì khu vực nơi nó chìm đang bị pháo binh Phần Lan và không quân Đức tấn công dữ dội. Trong những điều kiện như vậy, không thể tiến hành các hoạt động tìm kiếm dưới nước một cách hú họa.

Một điều tra viên quân sự giàu kinh nghiệm đã khéo léo khai thác tính cách của viên thuyền trưởng Đức. "Làm sao một hoa tiêu hàng không nổi tiếng như ông lại ra biển mà chẳng hiểu gì về nó cả? - nhà điều tra kiêm chuyên gia tâm lý hỏi. - Ông đã làm hỏng con tàu của mình. Sao ông lại có thể đi theo một lộ trình ngớ ngẩn như vậy?". Schmidt dùng móng tay vạch một đường ngoằn ngoèo trên tấm bản đồ đặt trên bàn. Đồng thời hét lên rằng mình đã điều khiển tàu theo đúng lộ trình và con tàu bị đánh chìm chỉ là do sự ngớ ngẩn và số phận xui xẻo. Nhưng nhà điều tra đã đạt được điều mong muốn: việc tìm kiếm tàu ngầm bị chìm, nằm trên tuyến đường của hành lang bí mật, giờ đây đã trở nên dễ dàng hơn.

Khinh hạm lớp River HMS Lagan (K-59) của Anh.

Khinh hạm lớp River HMS Lagan (K-59) của Anh.

Giải mã bí mật

Hóa ra, tàu ngầm nằm ở độ sâu 30 mét, có những vết lõm ở khu vực nắp ống phóng ngư lôi, còn nguyên nhân bị chìm là do một lỗ lớn đường kính không dưới hai mét ở khoang đuôi. Thợ lặn cao to người Moscow, Sergey Nepomnyaschy, trong bộ đồ lặn nặng nề liều mạng chui vào tàu ngầm. Với sự trợ giúp của một chiếc xà beng đặc biệt, anh đã mở được cửa vào buồng thuyền trưởng.

Trong cuốn sách nói trên, thuyền trưởng Kolesnikov viết: "Khi Sergey được đưa lên tàu, tay trái anh nắm chặt quai một chiếc hộp hình trụ. Sergey được cởi bỏ quần áo và hồi sức, sau đó, người ta mở nắp hộp và lấy ra một tấm bản đồ. Đó là những gì cần tìm kiếm - mật mã và bản đồ thương mại của Biển Baltic. Lộ trình bí mật bắt đầu từ Swinoujscie (Ba Lan) và kéo dài đến tận Leningrad”. Các cơ quan tình báo của Hải quân Nga ngay lập tức so sánh mật mã của tàu ngầm U-250 với mật mã được tìm thấy trên tàu ngầm Đức U-110, bị nhóm tàu hộ tống số 3 của Anh bắt giữ ngày 9/5/1941 ở Bắc Đại Tây Dương.

Lúc bấy giờ, lần đầu tiên các nước Đồng minh thu giữ được máy mã hóa "Enigma" cùng với các mật mã, điện báo vô tuyến và những tài liệu khác. "Enigma" đã giúp đẩy nhanh quá trình giải mã các lệnh vô tuyến của Đức. Một manh mối khác đến từ việc người Đức đã thiếu thận trọng khi sử dụng cùng một tổ hợp ký tự trong các bản tin dự báo thời tiết được truyền đi bằng "Enigma". Tháng 7/1942, một máy giải mã có tên “Tunny” đã được chế tạo. Máy này đóng vai trò quan trọng trong thành công quân sự của hải quân Anh. Việc phát hiện các mã từ tàu ngầm U-250 cho thấy người Đức không hề biết rằng các nước Đồng minh sở hữu máy “Tunny”.

Vấn đề ngư lôi phức tạp hơn: khi rơi xuống đáy biển, tàu ngầm va vào một mỏm đá và các nắp ống phóng ngư lôi bị hư hỏng nặng. Việc mở chúng dưới nước và lấy ngư lôi ra là không thể. Bộ chỉ huy Hải quân Liên Xô đã quyết định trục vớt tàu ngầm Đức.

Lãnh tụ Joseph Stalin.

Lãnh tụ Joseph Stalin.

Phần Lan rút khỏi chiến tranh, còn tàu ngầm được vớt từ đáy biển

Ngày 19/9/1944, tại Moscow, hiệp định đình chiến giữa Phần Lan với Liên Xô và Anh được ký kết. Yêu cầu của Stalin rất ngắn gọn: cắt đứt hoàn toàn quan hệ với Đức và rút lực lượng Wehrmacht ra khỏi lãnh thổ Phần Lan. Phần Lan đã đồng ý với tất cả các điều kiện do Liên Xô đưa ra. Sau đó, Hải quân Liên Xô có cơ hội trục vớt chiếc tàu ngầm Đức từ đáy vịnh Phần Lan. U-250 được đưa lên mặt nước và kéo vào ụ khô ở Kronstadt.

Trong các cuộc thẩm vấn, Werner-Karl Schmidt khẳng định rằng tuyệt đối không được trục vớt tàu ngầm. Còn khi được dẫn tới ụ khô ở Kronstadt và được yêu cầu giúp mở các ống phóng ngư lôi, y hét lên rằng không được làm điều đó, vì các thiết bị nổ đặc biệt sẽ phát nổ.

Nhưng bí mật của tàu ngầm U-250, vốn được nâng lên thành bí mật quốc gia của Đệ tam Đế chế, đã bị giải mã. Trên những quả ngư lôi chưa từng biết đến trước đây, được tìm thấy trên tàu ngầm, có dòng chữ tiếng Đức viết bằng sơn đỏ: "Chú ý! Không được chạm vào! Không được mở!"

Ngay cả thủy thủ đoàn của tàu ngầm Đức cũng không nắm được cấu tạo của loại vũ khí mới này. Đó là loại ngư lôi điện T5 với ngòi nổ không tiếp xúc, có khả năng tự động dẫn đường theo tín hiệu âm thanh để tấn công mục tiêu. Chúng có khả năng tiêu diệt không chỉ các tàu chiến lớn trên và dưới mặt nước mà còn các tàu và thuyền có trọng tải nhỏ. Chính với loại vũ khí này, Đức Quốc xã hy vọng hoàn toàn phong tỏa các cảng của Anh.

Winston Churchill.

Winston Churchill.

Các chính khách vào cuộc

Trong tập 1 "Thư từ của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô với Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Anh trong thời kỳ Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại 1941-1945", có bức thư của Winston Churchill gửi Stalin:

"Hải quân Liên Xô đã thông báo cho Bộ Hải quân Anh rằng trong chiếc tàu ngầm bị bắt giữ, đã phát hiện loại ngư lôi âm thanh T5 của Đức. Đây là loại ngư lôi duy nhất được điều khiển dựa trên các nguyên lý âm thanh, và nó rất hiệu quả không chỉ đối với tàu thuyền mà còn cả tàu hộ tống. Mặc dù loại ngư lôi này chưa được sử dụng rộng rãi, nó đã đánh chìm hoặc làm hư hại 24 tàu hộ tống của Anh, gồm 5 tàu thuộc các đoàn tàu hướng tới nước Nga Xôviết…

Chúng tôi yêu cầu các nhà chức trách hải quân Liên Xô gửi ngay một quả ngư lôi T5 sang Anh để nghiên cứu và thử nghiệm. Tôi mong các ngài lưu ý vấn đề quan trọng này, vì Đức Quốc xã có thể đã chuyển giao bản vẽ của loại ngư lôi này cho hải quân Nhật Bản".

Stalin trả lời như sau: "Quả thật, Hải quân Liên Xô đã thu giữ được hai quả ngư lôi âm thanh của Đức. Tiếc rằng hiện chúng tôi không có khả năng gửi một trong hai quả ngư lôi này sang Anh, vì cả hai đều bị hư hỏng do vụ nổ, và vì vậy, để nghiên cứu và thử nghiệm, cần phải thay thế các bộ phận bị hỏng của quả này bằng các bộ phận của quả kia.

Từ đây xuất hiện hai khả năng: hoặc các bản vẽ và mô tả thu được trong quá trình nghiên cứu ngư lôi sẽ được chuyển giao ngay lập tức, hoặc các chuyên gia Anh sẽ ngay lập tức sang Liên Xô để nghiên cứu chi tiết ngư lôi và chụp các bản vẽ. Chúng tôi sẵn sàng cung cấp một trong hai khả năng này". Người Anh đã chọn phương án thứ hai.

Vĩ thanh

Các trận đánh của hải quân trong Thế chiến II sử dụng các loại ngư lôi có thiết kế khác nhau đã tiếp diễn trên các đại dương và biển cả cho đến khi Nhật Bản chính thức ký kết đầu hàng trên chiến hạm "Missouri" của Hoa Kỳ vào ngày 2/9/1945. Từ ngày 12/4/1945, chiếc tàu ngầm U-250 đã gia nhập lực lượng Hải quân Liên Xô với số hiệu TS-14, nhưng thời gian hoạt động không lâu: sau ngày 12/8/1945, nó bị loại biên và gửi đi phá dỡ.

Trần Hậu

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/vu-khi-bi-mat-cua-tau-ngam-duc-trong-the-chien-2-i748138/