Vụ khu du lịch biển Phan Thiết: Kê biên hàng loạt bất động sản của các cựu quan chức

Lực lượng chức năng kê biên nhiều bất động sản gắn liền với đất của 14 bị can trong vụ án khu du lịch biển Phan Thiết.

Cựu Chủ tịch tỉnh Bình Thuận chỉ đạo xuyên suốt dự án

VKSND Tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố 17 bị can trong vụ án Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, xảy ra tại dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết, phường Phú Thủy, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.

Trong số này có nhiều cựu lãnh đạo của Bình Thuận như: cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương; ông Nguyễn Ngọc, cựu Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh; Xà Dương Thắng, cựu Giám đốc Sở Xây dựng; Hồ Lâm, cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; Lê Nguyễn Thanh Danh, cựu Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; Nguyễn Thanh Cho, cựu Chi cục trưởng quản lý đất đai thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường.

Theo cáo trạng, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

 Ông Lê Tiến Phương.

Ông Lê Tiến Phương.

Trên cương vị là Chủ tịch UBND tỉnh đồng thời là Chủ tịch Hội đồng thẩm định giá đất, bị can Lê Tiến Phương chỉ đạo xuyên suốt việc triển khai thực hiện Dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết.

Bị can Phương biết rõ đồ án quy hoạch chi tiết và cơ cấu sử dụng đất tại Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết được Hội đồng thẩm định giá đất báo cáo đầy đủ về quá trình triển khai, kết quả thẩm định kết quả tư vấn xác định giá đất của Công ty SIVC và Dự thảo Phương án giá đất của Sở Tài nguyên và Môi trường.

Tuy nhiên, ông Phương vẫn thống nhất với kết quả tư vấn xác định giá đất và phương án giá đất do Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng. Trong đó, sử dụng tài sản so sánh không đủ điều kiện, không căn cứ quy hoạch chi tiết được phê duyệt làm cơ sở tính toán, tính giá đất nhà cao tầng bằng cách thức, phương pháp xác định như đối với đất biệt thự, nhà liền kề.

Ngoài ra, ông Phương còn ký ban hành quyết định số 3371 ngày 25/11/2015, phê duyệt giá đất tại dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết với giá hơn 2,5 triệu đồng/m2 trái quy định pháp luật và ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Cùng thực hiện hành vi phạm tội với bị can Lê Tiến Phương còn có nhiều bị can khác. Các bị can với các vai trò khác nhau đã cố ý làm trái nhiệm vụ được giao trong quy trình xây dựng, thẩm định phương án giá đất; thống nhất sử dụng kết quả xác định giá đất trong đó sử dụng tài sản so sánh không đủ điều kiện, không căn cứ quy hoạch chi tiết được phê duyệt làm cơ sở tính toán; tính chung giá đất nhà cao tầng như đất biệt thự, nhà liền kề và ước tính tổng doanh thu phát triển đất nhà cao tầng từ việc chuyển nhượng diện tích đất nền nhà cao tầng; trái quy định pháp luật và ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Trong vụ án này, có 3 bị can thuộc công ty tư vấn thẩm định giá, cùng bị cáo buộc đã thống nhất việc xây dựng chứng thư thẩm định giá không đúng quy định, nguyên tắc của phương pháp thặng dư, là đồng phạm với các bị can tại các cơ quan quản lý Nhà nước.

Trong đó, cơ cấu sử dụng đất gồm 363.534m2 đất ở kết hợp thương mại dịch vụ, còn lại là diện tích đất công cộng, công trình giao thông, công viên, cây xanh... và không bố trí 20% quỹ đất ở để xây dựng nhà ở xã hội.

Ông Lê Tiến Phương và các bị can tại các sở, ngành, đơn vị liên quan đã thực hiện các hành vi vi phạm quy định pháp luật trong việc xây dựng, thẩm định phương án giá đất và phê duyệt giá đất cụ thể để tính tiền sử dụng đất của dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tới tài sản Nhà nước.

Cáo trạng xác định, hành vi phê duyệt giá với hơn 10ha đất ở quy hoạch nhà cao tầng tại dự án trái quy định, gây thiệt hại hơn 154 tỷ đồng. Việc định giá với hơn 25ha nhà thấp tầng cũng trái pháp luật, gây thêm thiệt hại 154 tỷ đồng. Cơ quan điều tra do vậy xác định các bị can trong vụ gây thiệt hại tổng cộng hơn 308 tỷ đồng.

Kê biên hàng loạt bất động sản của cựu quan chức Bình Thuận

Theo cáo trạng, đến nay, các bị can trong vụ nộp khắc phục hậu quả 150 triệu đồng; Công ty Rạng Đông nộp 90 tỷ đồng và Công ty Thẩm định giá Miền Nam nộp 179 triệu đồng theo yêu cầu của bị can Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch doanh nghiệp. Hậu quả còn lại là do chênh lệch giá đất, Viện kiểm sát đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận làm việc với chủ đầu tư để giải quyết.

Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng kê biên nhiều bất động sản gắn liền với đất của 14 bị can.

Trong đó, ông Lê Tiến Phương, bị kê biên 5 bất động sản và tài sản gắn liền với đất gồm: 300m2 nhà đất ở phường Xuân An, TP Phan Thiết, Bình Thuận; 149,3m2 nhà đất tại phường Phú Thủy, TP Phan Thiết; 297m2 nhà đất tại phường Phú Thủy, TP Phan Thiết; 305m2 nhà đất tại phường Phú Thủy, TP Phan Thiết; 4.762m2 đất tại xã Hàm Minh, huyện Thuận Nam, Bình Thuận.

Đỗ Ngọc Điệp, cựu Chủ tịch UBND TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận bị kê biên 9 thửa đất và tài sản gắn liền với đất; Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thông tin và thẩm định giá Miền Nam bị kê biên 10 thửa đất và tài sản gắn liền với đất.

Quỳnh An

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/vu-khu-du-lich-bien-phan-thiet-ke-bien-hang-loat-bat-dong-san-cua-cac-cuu-quan-chuc-post180450.html