Vụ ngộ độc botulinum ở Quảng Nam: 7 người được xuất viện
Sau nửa tháng điều trị, 7 bệnh nhân ngộ độc botulinum sau khi ăn cá chép muối chua ở Quảng Nam đã được cho xuất viện. Còn 2 bệnh nhân vẫn cần phải theo dõi thêm.
Ngày 6/4, ông Tô Mười, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam cho biết, 7 trên 9 bệnh nhân bị ngộ độc botulinum sau ăn cá chép muối đã được xuất viện chiều qua trong tình trạng khỏe mạnh. Riêng hai bệnh nhân còn lại đang được theo dõi, do đây là những người bị ngộ độc nặng, từng thở máy.
“Hai bệnh nhân này từng bị biến chứng rối loạn nhịp thở, nguy cơ loạn nhịp, ngừng tim rất cao, nên cần cẩn trọng. Tuy nhiên, hiện sức khỏe hai bệnh nhân này tiến triển tốt, ăn uống bình thường, có thể xuất viện trong 5-7 ngày tới nếu diễn tiến lâm sàng tốt", ông Mười nói.
Trước đó, từ ngày 7-16/3, ở huyện Phước Sơn xảy ra 2 vụ ngộ độc khi ăn cá chép ủ chua (món ăn truyền thống của người đồng bào Gié Triêng), khiến 1 người tử vong và 9 người có diễn biến nặng (nhiều bệnh nhân đang phải thở máy).
Kết quả xét nghiệm cấy mẫu cá muối ủ chua xác định họ bị ngộ độc botulinum. Để điều trị, các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) mang 5 lọ thuốc giải độc đến Quảng Nam hỗ trợ cứu người. Đây là thuốc rất hiếm, thông thường Việt Nam không dự trữ hoặc cả nước chỉ có vài lọ. Ba bệnh nhân nặng nhất được tiêm thuốc giải độc .
Được biết, botulinum là loại độc tố thần kinh cực mạnh, sinh ra bởi vi khuẩn yếm khí - loại vi khuẩn ưa môi trường kín như thức ăn đóng hộp, hoặc môi trường thực phẩm không đủ tiêu chuẩn kiềm chế vi khuẩn phát triển.
Triệu chứng nhiễm độc là đau bụng, đau cơ, mệt mỏi, nhìn mờ hay nhìn đôi, khô miệng, nói khó, nuốt khó, sụp mi mắt, yếu cơ toàn thân. Cuối cùng, bệnh nhân khó thở, không thở được do liệt các cơ hô hấp. Các dấu hiệu này xuất hiện chậm hay nhanh tùy thuộc vào lượng botulinum ăn phải.
Các chuyên gia khuyến cáo người dân nên ăn chín uống sôi, chọn sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng và an toàn. Thận trọng với thực phẩm đóng kín có mùi vị hoặc màu sắc thay đổi, đồ hộp bị phồng, hở.