Vụ ngộ độc sau khi ăn cá chép ủ chua: Bệnh nhân mua cá đông lạnh về làm
Món cá ủ chua mà bệnh nhân ngộ độc đã dùng được người dân mua cá đông lạnh về để làm. Hiện các bác sĩ đang nỗ lực điều trị cho các bệnh nhân.
Liên quan vụ ngộ độc sau khi ăn cá chép ủ chua, chiều 21/3, trao đổi với Tiền Phong, Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam ông Mai Văn Mười cho biết, đến thời điểm hiện tại một số bệnh nhân có tín hiệu khả quan sau điều trị.
Cụ thể, 8 bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa miền núi Quảng Nam chỉ còn 1 bệnh nhân thở máy. Hai bệnh nhân H.T.T. (37 tuổi) và H.V.Đ (26 tuổi) đã thôi phải dùng máy thở và ngồi dậy được.
Riêng bệnh nhân H.V.Đ (57 tuổi) còn thở máy nhưng các chỉ số sinh hiệu ổn định. Bệnh viện hội chẩn với các chuyên gia Bệnh viện Chợ Rẫy và thống nhất dùng thuốc kháng sinh Meronem chống nhiễm trùng đa kháng kịp thời cho bệnh nhân.
Cũng theo ông Mười, loại cá dùng làm món cá ủ chua mà bệnh nhân sử dụng mua từ hàng đông lạnh.
Trong vòng 10 ngày, huyện Phước Sơn (Quảng Nam) liên tiếp xảy ra ba vụ làm 10 người ngộ độc do ăn cá chép muối chua, trong đó 1 người đã tử vong.
Ông Hồ Văn Điền, Chủ tịch UBND xã Phước Đức, nơi xảy ra một trong các vụ ngộ độc, cho rằng cá chua là món ăn truyền thống của người dân và đây là lần đầu tiên xảy ra ngộ độc. Món cá ủ chua được người dân chế biến bằng các nguyên liệu cá tươi sống, muối và cơm nguội. Cá sau khi làm sạch, cắt khúc hoặc để nguyên con, sau đó ủ với muối và cơm nguội, rồi đựng vào hũ ủ khoảng một tuần thì đem ra sử dụng. Tùy sở thích, có người đem cá ủ chua nấu, chưng lên, hoặc chỉ nêm thêm gia vị để ăn liền.
Trước kia người dân tự đi bắt những con cá tươi dưới sông suối để về làm, có thể là cá niêng, cá bống, cá chép hay rô phi. Tuy nhiên, cá suối dần hiếm nên nhiều người dùng cá mua ở chợ để về chế biến. “Từ trước tới giờ chưa từng xảy ra việc ngộ độc do ăn cá chua. Bản thân tôi cũng ăn món này từ bé đến giờ. Khả năng do nguồn gốc thực phẩm không đảm bảo”, ông Điền nói.