Vụ người dân trồng rừng nguyên liệu nhưng không được khai thác: Đừng để 'quýt làm, cam chịu'!

Nhiều hộ dân ở xóm 9, xã Nam Thanh bỏ tiền của, công sức ra nhận đất và trồng hàng chục ha cây keo lai. Thế nhưng lại không được thu hoạch, vì số rừng trồng đã trở thành rừng đặc dụng. Nguyên nhân là do sự tắc trách của cơ quan chức năng không đi kiểm tra thực địa.

Báo Nhà báo & Công luận đã có bài viết “Bỏ công và của trồng rừng nguyên liệu nhưng không được khai thác, hàng chục hộ dân cầu cứu”, phản ánh về việc hàng chục hộ dân ở xóm 9, xã Nam Thanh, Nam Đàn, Nghệ An bỏ tiền của, công sức ra nhận đất và trồng hàng chục ha cây Keo lai nhưng đến khi khai thác lại không được thu hoạch, vì rừng trồng này đã trở thành rừng đặc dụng. Nguyên nhân là do sự tắc trách của các cơ quan chức năng khi không đi kiểm tra thực địa, khiến người dân rơi vào cảnh "quýt làm cam chịu".

Bài liên quan

Nghệ An: Bỏ công và của trồng rừng nguyên liệu nhưng không được khai thác, hàng chục hộ dân cầu cứu

Nhiều cơ quan có kiến nghị, đề xuất

Hàng chục hộ dân cầu cứu khi bỏ công, bỏ của vào trồng rừng nguyên liệu mà không được khai thác.

Được biết, năm 2007, xã Nam Thành thực hiện chủ trương của huyện Nam Đàn, chia đất cho dân phủ xanh đất trống theo Nghị định 163. Theo đó, đã có 48 hộ dân nhận đất trồng cây nguyên liệu. Tuy nhiên, năm 2014 toàn bộ gần 42 ha đất rừng sản xuất đưa vào nằm trong 200 ha đất rừng đặc dụng. Thời điểm đó, cơ quan chức năng lại không thu hồi đất, không yêu cầu người dân dừng sản xuất. Vì vậy, năm 2015, các hộ dân ở xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn tiếp tục trồng vụ 2, cho đến kỳ thu hoạch thì trên không cho khai thác.

Bức xúc trước việc cơ quan chức năng không quan tâm đến quyền lợi của người dân, bà con cho rằng, trước đây thì chính quyền vận động người dân trồng cây để phủ xanh đất trống đồi núi trọc, dân vay mượn đầu tư hàng trăm triệu đồng để thực hiện chủ trương của chính quyền, thì chính quyền lại “âm thầm” chuyển rừng sản xuất của dân thành rừng đặc dụng mà dân không hề hay biết, dẫn đến rất nhiều hộ rơi vào cảnh nợ nần. “Nếu Nhà nước muốn đưa rừng sản xuất vào rừng đặc dụng thì phải có văn bản trước dân để dân biết, và cho dân thu hoạch số keo mà họ đã bỏ công, bỏ của ra trồng và chăm sóc. Đằng này, người dân đã không hề biết đất rừng sản xuất của mình đã có quyết định thu hồi, cũng không hề được bồi thường tài sản trên đất trước khi rừng sản xuất của họ trở thành rừng đặc dụng”.

Người dân bức xúc khi những quyền lợi hợp pháp của họ bị “lãng quên”…

Theo ông Trần Đăng Khoa - Chủ tịch UBND xã Nam Thanh (huyện Nam Đàn, Nghệ An), trước đây là do cháy rừng liên tục nên xã tiến hành giao đất cho dân. Khi giao, các vị không ra thực địa mà ngồi nhà ký hồ sơ nên dẫn đến có sự chồng lấn sang đất Ban Quản lý lâm trường Đại Huệ. Sau đó Lâm trường chuyển đổi thành Ban Quản lý rừng phòng hộ, và từ rừng phòng hộ nâng lên thành rừng đặc dụng.

Cũng theo ông Đậu Đình Hùng - Trưởng BQL rừng đặc dụng Nam Đàn, trước đây khi chuyển từ rừng sản xuất trở thành rừng đặc dụng, các vị tiền bối cũng không đi kiểm tra thực tế, mà chỉ kế thừa số liệu nên mới để xảy ra sự việc này.

Theo tìm hiểu của PV, liên quan đến nội dung này, ý kiến của xã Nam Thanh đề nghị lên Hội đồng Nhân dân huyện Nam Đàn là: nếu trường hợp không cho dân thu hoạch cây lâm nghiệp thì nhà nước tính giá trị cây đã trồng, để trả cho nhân dân hoặc cho bà con thu hoạch xong thì trả lại đất cho nhà nước quản lý.

Tại báo cáo trả lời và tiếp thu các ý kiến kiến nghị của cử tri tại kỳ tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 3, HĐND huyện Nam Đàn khóa XXI nêu rõ: Việc cử tri đề nghị cho nhân dân khai thác số cây trồng mà người dân đã trồng, chăm sóc từ năm 2007 đến nay là chưa thể thực hiện được. Bởi vì theo quy định tại Điều 52, Luật lâm nghiệp 2017 thì người dân không được khai thác cây, gỗ trong khu vực thuộc rừng đặc dụng. Vấn đề này, UBND huyện Nam Đàn giao cho Phòng NN&PTNT phối hợp với Ban quản lý rừng đặc dụng Nam Đàn và UBND xã Nam Thanh trực tiếp làm việc với các hộ gia đình để có phương án xử lý phù hợp, đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên đến nay, xác nhận với phóng viên, ông Trần Đăng Khoa - Chủ tịch UBND xã Nam Thanh cho biết, vấn đề trên vẫn chưa được tiến hành.

Người dân ở xã Nam Thanh có nguy cơ rơi vào cảnh tay trắng sau 15 năm gắn bó với rừng

Từ nội dung trên có thể khẳng định, những bức xúc của hàng chục hộ dân ở xóm 9, xã Nam Thanh là chính đáng. Đề nghị các cơ quan chức năng liên quan có những biện pháp quyết liệt nhằm sớm giải quyết dứt điểm vụ việc trước nguy cơ người dân rơi vào cảnh tay trắng. Không để người dân nơi đây chịu cảnh “quýt làm cam chịu” dẫn đến những quyền lợi hợp pháp, chính đáng của họ bị mất một cách vô cớ.

Nhà báo và Công luận sẽ tiếp tục thông tin.

Trần Phong

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/vu-nguoi-dan-trong-rung-nguyen-lieu-nhung-khong-duoc-khai-thac-dung-de-quyt-lam-cam-chiu-post198858.html