Vụ nổ kho tên lửa Severomorsk 1984: Lộ lý do suýt gây thảm họa hạt nhân
Chuỗi nổ kinh hoàng tại Severomorsk năm 1984 phá hủy hàng trăm tên lửa Liên Xô, đẩy thế giới suýt rơi vào khủng hoảng hạt nhân.

Hình ảnh ban đầu về vụ nổ. Ảnh: portalmilitarny.pl
Vào tháng 5/1984, một chuỗi vụ nổ kinh hoàng tại kho đạn dược chính của Hạm đội phương Bắc Liên Xô ở Severomorsk đã phá hủy hàng trăm tên lửa quan trọng, làm tê liệt khả năng sẵn sàng chiến đấu của hạm đội và suýt chút nữa gây ra một thảm họa hạt nhân quy mô toàn cầu. Theo trang tin en.defence-ua.com mới đây, nguyên nhân chính xác vẫn còn là bí ẩn, nhưng một điếu thuốc lá bị vứt bỏ được cho là đã châm ngòi cho sự kiện chấn động này.
Loạt vụ nổ chấn động tại kho đạn dược chiến lược
Từ ngày 13 đến ngày 17/5/1984, thành phố Severomorsk (nay thuộc Nga) rung chuyển bởi một chuỗi các vụ nổ liên hoàn tại kho đạn dược Okolnaya, nơi chứa những tài sản chiến lược quan trọng nhất của Hải quân Liên Xô. Trong số đó có 400 tên lửa hành trình P-5 và P-500 Bazalt (cả hai đều có khả năng mang đầu đạn hạt nhân) và 900 tên lửa đất đối không cho hệ thống S-125.
Thảm họa bắt đầu vào lúc 18 giờ (giờ địa phương) ngày 13/5, khi một đám cháy bùng phát tại một cơ sở lưu trữ chứa 500 tên lửa SAM. Ngay sau đó là một vụ nổ nhỏ. Ban đầu, cư dân địa phương tỏ ra thờ ơ, không nhận thức được mức độ nguy hiểm. Nhưng vào lúc 18 giờ 43 phút cùng ngày, một vụ nổ lớn đã xảy ra tại cùng một kho. Sóng xung kích mạnh đến mức làm hư hại tòa nhà trụ sở của Hạm đội phương Bắc, báo hiệu một thảm kịch thực sự đang diễn ra.
Tổng cộng có ba vụ nổ rất lớn và nhiều vụ nổ nhỏ hơn. Vụ nổ đầu tiên không gây ảnh hưởng đáng kể đến thành phố. Tuy nhiên, vụ nổ thứ hai mạnh hơn nhiều so với vụ nổ đầu tiên. Vụ thứ ba gây chấn động toàn thành phố nhất. Sau mỗi vụ nổ, một đám khói xuất hiện trên bầu trời, rất giống với đám mây hình nấm. Nguyên nhân có thể là do một lượng thuốc nổ khổng lồ phát nổ cùng lúc tại một trong những nhà kho.

Sau vụ nổ kho đạn dược ở cảng, tàu tuần dương Kirov được triển khai với các hệ thống phòng không để bắn hạ các tên lửa đe dọa thành phố. Ảnh: portalmilitarny.pl
Ứng phó với hỗn loạn và nguy cơ hạt nhân
Sự hoảng loạn lan rộng khắp thị trấn hải quân khi bộ chỉ huy Liên Xô tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn hạm đội và cảnh báo nguy cơ hóa học. Đội ngũ chỉ huy nhanh chóng di chuyển đến một boongke dự phòng kiên cố, được xây dựng cho các tình huống chiến tranh hạt nhân.
Trong một động thái chưa từng có, Hải quân Liên Xô thậm chí đã triển khai một trong những tàu tuần dương chạy bằng năng lượng hạt nhân mới nhất của mình, Kirov (Dự án 1144 Orlan), trong tình trạng chờ để đánh chặn bất kỳ tên lửa nào có thể vô tình phóng trong lúc hỗn loạn và bay về phía thành phố.
Các cuộc di tản diễn ra khẩn trương, chính quyền hướng dẫn người dân đến những khu vực an toàn hơn. Đồng thời, các rào chắn đường được dựng lên để điều hướng những người hoảng loạn. May mắn thay, các địa điểm lưu trữ đầu đạn hạt nhân riêng biệt vẫn nguyên vẹn, dù điều này chỉ được xác nhận sau khi các vụ nổ lắng xuống hoàn toàn vào ngày 17/5.
Nguyên nhân và hậu quả
Theo trang tin quốc phòng Ba Lan Portal Militarny, vụ nổ không chỉ gây sợ hãi cho người dân địa phương mà còn khiến các tàu hải quân và đơn vị ven biển của Liên Xô không có nguồn cung cấp thiết yếu, buộc phải nỗ lực tiếp tế khẩn cấp.
Tổng cộng, 320 tên lửa hành trình và 580 tên lửa đất đối không đã bị phá hủy. Chính phủ Liên Xô chính thức thừa nhận chỉ có hai người tử vong, mặc dù số thương vong thực tế có thể cao hơn.
Nguyên nhân chính xác của vụ nổ vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, giả thuyết phổ biến nhất đổ lỗi cho một điếu thuốc lá bị vứt bỏ, được cho là do một lính nghĩa vụ canh gác địa điểm này ném ra. Nếu điều này là sự thật, đây sẽ là một ví dụ đáng suy ngẫm về việc chỉ một lỗi nhỏ của con người cũng có thể gây ra hậu quả thảm khốc, làm tê liệt một "cỗ máy quân sự hùng mạnh" và suýt chút nữa đẩy thế giới đến bờ vực thảm họa toàn cầu.
Các giả thuyết khác chỉ ra khả năng có sai sót trong quá trình lưu trữ đạn dược, khi vũ khí tên lửa và các chất nguy hiểm khác được lưu trữ quá gần nhau.

Một trong những vụ nổ lớn nhất tại kho đạn. Ảnh: portalmilitarny.pl
Vụ nổ ở Severomorsk đã gây ra hậu quả nghiêm trọng cho khả năng sẵn sàng chiến đấu của Hạm đội Phương Bắc. Việc phá hủy một phần đáng kể kho tên lửa có nghĩa là hạm đội không thể tiến hành các hoạt động chiến đấu trong ít nhất nửa năm, điều này làm mất cân bằng tạm thời các lực lượng thông thường ở khu vực Bắc Cực. Ngay sau khi tình hình được kiểm soát, Phó Tư lệnh Hạm đội phương Bắc, Phó Đô đốc Vladimir Kruglakov, người có mặt tại sở chỉ huy vào thời điểm xảy ra thảm kịch, đã bị cách chức. Vài tháng sau, số phận tương tự cũng xảy ra với chỉ huy Hạm đội phương Bắc, Đô đốc Arkady Mikhailovsky.
Sự kiện trên được mô tả vẫn là một trong những sự kiện kịch tính và bí ẩn nhất trong lịch sử Hải quân Liên Xô. Mặc dù thời gian đã trôi qua, nhiều khía cạnh của vụ án vẫn còn chưa sáng tỏ. Thông tin về vụ nổ không xuất hiện trên các phương tiện truyền thông Liên Xô, còn các nhà ngoại giao và tùy viên quân sự Mỹ chỉ biết về vụ việc này qua các báo cáo tình báo. Chỉ sau này, quy mô tàn phá và số nạn nhân mới được tiết lộ. Tuy nhiên, một số tài liệu liên quan đến thảm họa vẫn được giữ bí mật cho đến ngày nay.