Vụ sản xuất, buôn bán thuốc giả đặc biệt: góc nhìn pháp lý?
Sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả là hành vi đặc biệt nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người bệnh, do đó cần bị xử lý nghiêm khắc theo quy định pháp luật, với mức hình phạt cao nhất có thể là tử hình.
"Tình huống pháp lý"

CA tỉnh Thanh Hóa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc giả quy mô lớn với nhiều thủ đoạn tinh vi. Ảnh: CA Thanh Hóa
Thu giữ gần 10 tấn thuốc giả
Sau một thời gian theo dõi và lập án đấu tranh, Phòng Cảnh sát kinh tế CA tỉnh Thanh Hóa đã triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả với quy mô lớn trên phạm vi toàn quốc, bắt giữ 14 người về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh”.
Trước đó, qua công tác nắm tình hình trên không gian mạng, Phòng Cảnh sát Kinh tế phát hiện tại TP Thanh Hóa và nhiều địa phương khác xuất hiện một nhóm đối tượng có dấu hiệu sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả với thủ đoạn tinh vi. Sau khi lập chuyên án đấu tranh, lực lượng công an đã đồng loạt khám xét 6 địa điểm tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, An Giang và Đồng Tháp – là nơi sản xuất, cất giấu và phân phối thuốc giả.
Tại hiện trường, lực lượng chức năng thu giữ số lượng lớn thuốc xương khớp và thuốc tân dược giả với tổng khối lượng gần 10 tấn. Ngoài ra, công an còn thu giữ hơn 18.000 vỏ hộp thuốc các loại, 142kg viên hoàn, viên nén, bột cùng máy ép vỉ, máy đóng nang, khuôn ép, dây chuyền sản xuất và các thiết bị phục vụ sản xuất thuốc giả. Hàng nghìn sản phẩm không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc cũng bị thu giữ.
Theo kết quả điều tra ban đầu, Nguyễn Tiến Đạt (SN 1991, trú tại Hà Nội) cùng Trịnh Doãn Giáo (SN 1985, trú tại TP Hồ Chí Minh) là hai đối tượng cầm đầu đường dây. Nhóm này lợi dụng thói quen mua thuốc không kê đơn của người dân, đặc biệt là người cao tuổi có nhu cầu sử dụng các loại thuốc xương khớp giá rẻ.
Chúng tự nghĩ ra tên thuốc, lập công ty “ma” có trụ sở ở các quốc gia như: Singapore, Malaysia, Hồng Kông, rồi đặt mua nguyên liệu là dược liệu, thảo mộc không rõ nguồn gốc, thuê công nhân nghiền thành bột, đóng viên, ép vỉ rồi phân phối ra thị trường dưới dạng “thuốc xách tay” hoặc “thuốc khuyến mãi, vượt doanh số”.
Các cơ sở sản xuất được thuê ở khu vực vắng vẻ, sâu trong ngõ cụt tại An Giang, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, nhằm tránh bị phát hiện. Công nhân đa phần là người nhà hoặc người quen, ăn ở khép kín trong kho xưởng, không tiếp xúc với dân cư xung quanh.
Thủ đoạn buôn bán cũng tinh vi không kém: nhóm này giả làm dược sĩ, nhân viên công ty dược, chào bán thuốc qua các kênh mạng xã hội, mạo danh “hàng thầu”, “hàng nội bộ”, “thuốc ngoại xách tay”. Để tạo lòng tin, chúng còn trà trộn thuốc thật vào lô thuốc giả trong giai đoạn đầu. Sau khi đã thiết lập được hệ thống khách hàng ổn định, nhóm này chỉ bán thuốc do mình tự sản xuất. Đối tượng tiêu thụ chính là các dược sĩ kinh doanh tự do tại các chợ thuốc – những nơi dễ qua mặt cơ quan quản lý và không kiểm tra kỹ nguồn gốc xuất xứ.
Từ năm 2021 đến thời điểm bị bắt, nhóm này đã thu lời bất chính gần 200 tỷ đồng. Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra CA tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 14 đối tượng, đồng thời tiếp tục mở rộng điều tra, làm rõ trách nhiệm các cá nhân liên quan.

Hai đối tượng Nguyễn Tiến Đạt và Trịnh Doãn Giáo tại cơ quan công an. Ảnh: CA Thanh Hóa
Hình phạt nghiêm khắc dành cho các bị can
Liên quan đến vụ án này, luật sư Đinh Thị Nguyên, Giám đốc Công ty Luật TNHH Minh Nguyên Legalsun, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, cơ quan điều tra bước đầu xác định số lượng hàng giả có giá trị lên tới khoảng 200 tỷ đồng, nằm trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, nên các bị can bị khởi tố về tội danh này có thể đối diện khung hình phạt cao nhất.
Đáng chú ý, tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh” theo Điều 194, Bộ luật Hình sự hiện hành còn xử lý đối với pháp nhân thương mại. Tùy mức độ vi phạm, pháp nhân có thể bị phạt tiền từ 1 đến 20 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động có thời hạn, hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn nếu vi phạm đặc biệt nghiêm trọng.
“Tại khoản 4 Điều 194, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: hành vi sản xuất, buôn bán thuốc giả thu lợi bất chính từ 2 tỷ đồng trở lên, hoặc làm chết hai người trở lên, gây tổn hại sức khỏe cho nhiều người với tổng tỷ lệ tổn thương từ 122% trở lên, hoặc gây thiệt hại tài sản từ 1,5 tỷ đồng trở lên, sẽ bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình” - luật sư Đinh Thị Nguyên viện dẫn.
Ngoài việc xem xét hành vi phạm tội của các bị can về việc sản xuất buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh thì cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ trách nhiệm của các cơ quan tổ chức có liên quan để làm rõ nguyên nhân điều kiện phạm tội, xem xét trách nhiệm pháp lý và để thực hiện các giải pháp phòng ngừa tội phạm.
Luật sư Đinh Thị Nguyên cũng cho biết, thuốc giả là mối đe dọa đa tầng đối với sức khỏe, kinh tế và niềm tin xã hội. Theo Luật Dược 2016, thuốc giả là những sản phẩm không có hoạt chất, sai hoạt chất, sai liều lượng, hoặc giả mạo nhà sản xuất. Quan trọng, cần phân biệt thuốc giả với thuốc kém chất lượng - loại thuốc được cấp phép nhưng không đạt chuẩn do lỗi kỹ thuật, không mang yếu tố lừa đảo. Theo đó, Luật Dược 2016 cấm tuyệt đối kinh doanh thuốc giả, thuốc không có giấy phép, thuốc chưa đăng ký lưu hành hoặc bán thuốc kê đơn không có đơn và Điều 194, Bộ luật Hình sự quy định mức hình phạt cao nhất với tội “Sản xuất, buôn bán thuốc giả”,
“Vụ án này là một hồi chuông cảnh tỉnh sâu sắc về sự nguy hiểm của thuốc giả và những hệ lụy khôn lường mà nó gây ra. Việc điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh các đối tượng phạm tội và tăng cường các biện pháp quản lý là vô cùng cần thiết để bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người dân, đồng thời giữ vững niềm tin vào hệ thống y tế” - luật sư Đinh Thị Nguyên nêu quan điểm.
Khung pháp lý đã có, công nghệ đã sẵn, điều cần lúc này là sự hành động đồng bộ, quyết liệt và bền bỉ. Chỉ khi nào tất cả chúng ta cùng cảnh giác, lên tiếng và hành động, mới có thể từng bước đẩy lùi thuốc giả ra khỏi đời sống, bảo vệ tính mạng và niềm tin xã hội một cách bền vững.
Luật sư Đinh Thị Nguyên, Đoàn Luật sư TP Hà Nội.