Vụ sập giàn giáo 4 người tử vong ở Hà Nội: Ba bị cáo lĩnh hơn 17 năm tù
Quá trình vận hành, khi giàn giáo treo lên đến tầng 7 thì bị gãy ở đoạn giữa khiến vật tư cùng 4 người rơi xuống đất. 3 người bị tử vong tại chỗ, 1 người được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện nhưng bị tử vong sau đó.
Ngày 6/7, TAND quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) đã ra phán quyết về vụ sập giàn giáo tại công trình xây dựng trên phố Nguyễn Công Trứ, quận Hai Bà Trưng khiến 4 người tử vong. Trước đó, TAND quận Hai Bà Trưng đã mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử vụ án này và nghị án kéo dài.
Ba bị cáo là: Nguyễn Nhật Lộc (SN 1980, trú tại phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội), Phạm Văn Chiến (SN 1996, trú tại xã Thành Công, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) và Đường Văn Kiểm (SN 1988, trú tại xã Ngũ Kiên, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc).
Theo cáo trạng của Viện KSND quận Hai Bà Trưng, khoảng 20h ngày 30/7/2020, tại công trình xây dựng số 16A phố Nguyễn Công Trứ xảy ra vụ tai nạn lao động làm 3 người tử vong tại chỗ, 1 người được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện nhưng sau đó cũng tử vong. Đây là những người được thuê lao động thời vụ, dọn vệ sinh tại công trình này.
Công trình xây dựng số 16A phố Nguyễn Công Trứ là Tòa nhà văn phòng do Công ty cổ phần Du lịch thương mại và đầu tư là chủ đầu tư. Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và thương mại An Nam (viết tắt là Công ty An Nam) được thuê để lắp đặt hạng mục vách ngăn khu nhà vệ sinh.
Ngày 30/7/2020, anh Trương Xuân Trung (Trưởng phòng Kỹ thuật xây dựng, Công ty An Nam) cử Nguyễn Nhật Lộc (nhân viên kỹ thuật công ty) đến công trình xây dựng 16A Nguyễn Công Trứ sắp xếp công việc chuyển vật tư là các tấm vách ngăn bằng nhựa để lắp đặt vào khu vệ sinh.
Nguyễn Nhật Lộc khảo sát và thấy chỉ có thể chuyển vật tư từ tầng 1 lên sàn tầng 7 nên đã nhờ các mối quan hệ để liên hệ với hai nhân viên tại công trường là Đường Văn Kiểm và Phạm Văn Chiến để mượn giàn giáo treo vận chuyển vật tư.
Đường Văn Kiểm và Phạm Văn Chiến không trực tiếp điều khiển giàn giáo treo mà hướng dẫn nhóm người lao động thời vụ dọn vệ sinh điều khiển thiết bị này. Quá trình vận hành, khi giàn giáo treo lên đến tầng 7 thì bị gãy ở đoạn giữa khiến vật tư cùng 4 người rơi xuống đất. 3 người bị tử vong tại chỗ, 1 người được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện nhưng bị tử vong sau đó.
Quá trình điều tra, cơ quan điều tra xác định, Nguyễn Nhật Lộc, Đường Văn Kiểm và Phạm Văn Chiến vi phạm quy định về an toàn lao động, gây ra vụ tai nạn lao động thương tâm làm 4 người tử vong.
Đánh giá về vụ án, HĐXX sơ thẩm TAND quận Hai Bà Trưng nhận thấy, đây là vụ án vi phạm quy định về an toàn lao động rất nghiêm trọng, gây ra hậu quả rất đau lòng là 4 người tử vong.
Hành vi phạm tội của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm các quy định của Nhà nước về đảm bảo an toàn lao động, dẫn đến hậu quả thiệt hại về tính mạng cho người lao động. Do đó, cần phải áp dụng hình phạt tù nghiêm đối với các bị cáo để đảm bảo tính giáo dục và phòng ngừa chung trong xã hội.
Với phán quyết trên, HĐXX sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Nhật Lộc 6 năm 3 tháng tù về “Vi phạm quy định về an toàn lao động” theo quy định tại Điều 295 BLHS.Cùng tội danh trên, HĐXX tuyên phạt bị cáo Phạm Văn Chiến 6 năm tù, và bị cáo Đường Văn Kiểm 5 năm tù.
Xem xét hoàn cảnh các bị cáo là công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn nên HĐXX không áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền đối với các bị cáo.
Liên quan đến vụ án này, các bị cáo, đại diện gia đình bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã tự giải quyết việc bồi thường thiệt hại. Đến nay không ai có yêu cầu gì về trách nhiệm dân sự nên HĐXX không xem xét.
Trong phần tuyên án, HĐXX kiến nghị Thanh tra Sở Lao động Thương binh và xã hội TP Hà Nội xử phạt vi phạm hành chính đối với những lỗi vi phạm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong vụ án đối với các trường hợp chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
HĐXX cũng kiến nghị Viện đào tạo ESC Việt Nam phải kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong vấn đề bảo quản hồ sơ đào tạo chứng chỉ học viên trong lĩnh vực an toàn lao động.