Vụ 'siêu lừa' 360 tỉ đồng bất ngờ hoãn tuyên án, trở lại phần xét hỏi
Do có một số vấn đề cần làm rõ, TAND cấp cao tại Hà Nội đã quyết định hoãn tuyên án phiên tòa 'siêu lừa' Nguyễn Thị Hà Thành để quay lại phần xét hỏi
Sau nhiều ngày nghị án kéo dài, chiều 3-4, TAND cấp cao tại Hà Nội dự kiến tuyên án phúc thẩm đối với bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành (SN 1984, trú tại phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) trong vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự" và "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến ngân hàng" xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại chúng (PVCombank), Ngân hàng Quốc dân (NCB) và Ngân hàng Việt Á (VAB). Tuy nhiên, TAND cấp cao tại Hà Nội đã quyết định hoãn tuyên án do xuất hiện một số vấn đề cần làm rõ thêm và quay lại phần xét hỏi.
Trong phần xét hỏi những ngày trước đó, bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành muốn dùng 26% cổ phần tại Công ty MHD để bồi thường, khắc phục tối đa hậu quả của vụ án. Nhưng Ngân hàng Việt Á chưa đưa ra câu trả lời cuối cùng về giá trị số cổ phần của bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành là bao nhiêu.
Trong quá trình xét hỏi bổ sung chiều 3-4, luật sư của bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành cho biết đã có một nhà đầu tư muốn mua lại cổ phần của bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành và sẽ thay bị cáo này trả nợ các bị hại trong vụ án này.
Do bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành muốn trao đổi lại với nhà đầu tư để thống nhất phương án mua lại số cổ phần trên nên Hội đồng xét xử quyết định dành thời gian cho bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành và nhà đầu tư này trao đổi tại chỗ.
Tại tòa, nhà đầu tư định mua cổ phần của bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành đề nghị Hội đồng xét xử tạo điều kiện về thời gian để họ thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật.
Chủ tọa phiên tòa nêu rõ nếu nhà đầu tư chấp nhận mua lại cổ phần của bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành và dùng tiền đó khắc phục hậu quả vụ án cho bị cáo thì phải khắc phục bằng cách nộp tiền vào Cục Thi hành án TP Hà Nội.
Đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên tòa nêu quan điểm việc hoãn phiên tòa là cần thiết để đảm bảo quyền lợi cho các bên nên đề nghị Hội đồng xét xử hoãn tuyên án. Sau khi hội ý, Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa. Thời gian tuyên án chưa được thông báo.
Theo bản án sơ thẩm, do kinh doanh thua lỗ đã nợ khoảng 80 tỉ đồng nên giai đoạn 2016 đến 2018, Nguyễn Thị Hà Thành dùng chiêu vay tiền với lãi suất cao, lấy của người sau trả cho người trước để tạo lòng tin và cũng trở thành khách VIP của các ngân hàng.
Bị cáo còn câu kết với 17 cựu cán bộ ngân hàng để lập các sổ tiết kiệm đồng sở hữu giữa mình với các "đại gia", hứa hẹn trả lãi ngoài cao. Sau đó, Nguyễn Thị Hà Thành giả mạo chữ ký của các đồng sở hữu để cầm cố sổ tiết kiệm và được các ngân hàng giải ngân.
Các cựu cán bộ ngân hàng là bị cáo trong vụ án này đã bỏ qua nhiều bước xác minh như không gặp trực tiếp chủ tài sản đảm bảo, lập tờ trình cấp tín dụng dù hồ sơ giả mạo, chưa qua thẩm định... , qua đó giúp Nguyễn Thị Hà Thành vay tiền bằng tài sản của người khác. Ngoài ra, bị cáo còn vay nặng lãi một số người. Những người liên quan cũng bị phạt tù về tội "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự".
Đối với tổng số tiền 122 tỉ đồng mà ông Đặng Nghĩa Toàn (người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án) gửi tiết kiệm tại ba ngân hàng nhưng bị Nguyễn Thị Hà Thành chiếm đoạt, Hội đồng xét xử tuyên tạm giao cho 3 ngân hàng quản lý cho đến khi cơ quan thi hành án giải quyết xong. Biện pháp này cũng được Hội đồng xét xử yêu cầu đối với những người đồng sở hữu khác.
Hội đồng xét xử tuyên giành quyền khởi kiện dân sự trong một vụ án khác cho ông Đặng Nghĩa Toàn và một số người liên quan đến số tiền bị Nguyễn Thị Hà Thành chiếm đoạt.