Vụ sữa giả 500 tỷ đồng: Siết chặt kiểm soát, chấn chỉnh từ gốc
Vụ việc hai doanh nghiệp sản xuất, phân phối sữa giả với quy mô gần 500 tỷ đồng bị triệt phá mới đây đã dấy lên lo ngại sâu sắc trong dư luận về tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng len lỏi vào thị trường, đặc biệt với mặt hàng liên quan trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng như sữa và thực phẩm chức năng. Vậy trách nhiệm thuộc về ai và cần làm gì để ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại ngày càng tinh vi?

Doanh nghiệp sản xuất, phân phối sữa giả với quy mô lớn bị triệt phá.
Liên quan đến vụ việc này, ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Quản lý và phát triển thị trường trong nước (Bộ Công thương) đã có cuộc trao đổi với phóng viên báo chí để làm rõ hơn về vấn đề này.
Phóng viên: Thưa ông, nhiều người dân bày tỏ bức xúc trước quy mô lớn và mức độ tinh vi trong đường dây sản xuất, kinh doanh sữa giả vừa bị triệt phá. Xin ông cho biết, trách nhiệm quản lý và cấp phép với các sản phẩm liên quan trong vụ việc này thuộc về đơn vị nào?
Ông Trần Hữu Linh: Theo Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, các sản phẩm sữa được phân loại và giao cho cơ quan chuyên ngành tương ứng quản lý. Bộ Công thương chỉ quản lý nhóm sản phẩm sữa chế biến thông thường.
Đối với các sản phẩm có bổ sung vi chất dinh dưỡng, thực phẩm chức năng hoặc dược phẩm có yếu tố dinh dưỡng đặc biệt như sản phẩm của hai công ty vi phạm là Công ty cổ phần Dược quốc tế Rance Phama và Công ty cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group thì thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế.
Ngoài ra, việc cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp không thuộc thẩm quyền của Bộ Công thương mà là trách nhiệm của Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh, thành phố theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Như vậy, Bộ Công thương không cấp phép và cũng không quản lý trực tiếp các sản phẩm của hai doanh nghiệp trên.
Phóng viên: Trong 4 năm qua, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý nhiều vụ việc liên quan đến sản phẩm sữa. Xin ông chia sẻ cụ thể hơn về kết quả này?
Ông Trần Hữu Linh: Giai đoạn 2021-2024, chúng tôi đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường cả nước tăng cường giám sát, kiểm tra các mặt hàng thiết yếu, trong đó có sữa và thực phẩm chức năng. Kết quả là đã tiến hành kiểm tra, xử lý 783 vụ vi phạm, tổng số tiền xử phạt trên 2,2 tỷ đồng. Số lượng hàng hóa vi phạm bao gồm 58.187 hộp, 451 thùng và 20.394 chai, lon sản phẩm các loại.
Riêng địa bàn Hà Nội, lực lượng chức năng đã xử lý 53 vụ, tịch thu và tiêu hủy hơn 5.800 sản phẩm vi phạm, với tổng giá trị hơn 200 triệu đồng. Đáng chú ý, năm 2024, hai vụ việc nghiêm trọng đã được chuyển cho cơ quan điều tra tiếp nhận, xử lý theo quy định pháp luật.
Phóng viên: Xin ông chia sẻ thêm về hai vụ việc điển hình đó?
Ông Trần Hữu Linh: Vụ thứ nhất xảy ra ngày 10/1/2024, Đội quản lý thị trường Số 8 phối hợp Công an huyện Gia Lâm kiểm tra một phương tiện vận chuyển mang BKS 29H-485.71, phát hiện 3.000 lon sữa bột không nhãn mác, không rõ nguồn gốc do hộ kinh doanh Trần Thị Kim Cúc kinh doanh tại Khu đô thị Vinhomes Ocean Park, xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, Thành phố Hà Nội.
Vụ thứ hai, cũng ngày 10/1/2024, Đội Quản lý thị trường số 9 phối hợp với Công an huyện Đông Anh và Công an huyện Gia Lâm kiểm tra Công ty Cổ phần sản xuất thực phẩm công nghệ cao NCT3 Food tại địa chỉ thôn Mỹ Nội, xã Bắc Hồng, huyện Đông Anh, Hà Nội phát hiện hơn 123.600 là hộp, túi, gói… liên quan đến sữa và các chế phẩm từ sữa có dấu hiệu tẩy xóa, sửa chữa thời hạn sử dụng và có chỉ tiêu chất lượng dưới 70% chỉ tiêu đã công bố.
Phóng viên: Vậy nguyên nhân nào khiến các doanh nghiệp vi phạm có thể hoạt động trong thời gian dài mà không bị phát hiện?
Ông Trần Hữu Linh: Có những yếu tố dẫn tới tình trạng này, tôi xin nêu ba nguyên nhân chính dưới đây:
Thứ nhất, các doanh nghiệp vi phạm thường có đủ giấy tờ pháp lý bên ngoài nhưng lại trà trộn sản phẩm không đạt chất lượng vào dòng sản phẩm được cấp phép. Điều này chỉ có thể phát hiện khi có phản ánh của người tiêu dùng hoặc khi tiến hành kiểm nghiệm định kỳ.
Thứ hai, sản phẩm được tiêu thụ qua các kênh phi chính thống, không qua hệ thống siêu thị, quản lý chính hãng mà chủ yếu phân phối trực tiếp thông qua các hội thảo chuyên ngành, phòng khám, bệnh viện. Việc này gây khó khăn cho công tác theo dõi, kiểm tra.
Thứ ba, họ lợi dụng mạng xã hội để tiếp cận người tiêu dùng, sử dụng hình ảnh người nổi tiếng, người có ảnh hưởng (KOLs) để quảng bá, tạo niềm tin giả tạo. Đây là hình thức rất khó kiểm soát nếu không có sự phối hợp liên ngành và phản hồi kịp thời từ cộng đồng.
Phóng viên: Trước tình trạng đó, Bộ Công thương sẽ triển khai giải pháp gì trong thời gian tới để chấn chỉnh tình hình?
Ông Trần Hữu Linh: Trước tiên, Cục Quản lý và phát triển thị trường trong nước sẽ tăng cường chỉ đạo các Chi cục Quản lý thị trường địa phương siết chặt kiểm tra, giám sát hoạt động lưu thông và phân phối sản phẩm sữa, nhất là trên các kênh bán hàng nhỏ lẻ, sàn thương mại điện tử và mạng xã hội, những nơi tiềm ẩn rủi ro cao về hàng giả, hàng kém chất lượng.
Chúng tôi cũng đang phối hợp liên ngành với Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp để xây dựng cơ chế giám sát chuỗi từ nguyên liệu đến sản phẩm tiêu dùng. Ngoài ra, việc thu thập và xử lý phản ánh từ người tiêu dùng sẽ được thực hiện thường xuyên, kết hợp với các chiến dịch kiểm tra chuyên đề trên diện rộng.
Đồng thời, Bộ Công thương đang tiến hành rà soát lại toàn bộ công tác quản lý lưu thông hàng hóa đối với mặt hàng sữa, từ đó đề xuất hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các bộ ngành, nhằm gia tăng hiệu lực và hiệu quả quản lý, xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại, quảng cáo sai sự thật và vi phạm an toàn thực phẩm.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!