Vụ thông thầu tại Công ty AIC: Hành trình chuyển biến nhận thức
Vụ án thông thầu, cài thầu của Công ty cổ phần Tiến bộ (viết tắt là Công ty AIC) tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai đã tạm khép lại với mức án của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên phạt 36 bị cáo trong vụ án về các tội danh: Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Diễn ra trong 2 tuần, rút gọn hơn gần 1 tuần so với dự kiến ban đầu, phiên tòa được ghi nhận bởi sự chuyển biến về nhận thức của các bị cáo, kể cả những bị cáo có mặt cũng như không có mặt tại phiên tòa. Để đạt được sự chuyển biến này, các cơ quan tố tụng đã thực hiện đầy đủ các bước cải cách tư pháp trong quá trình xét xử. Hội đồng xét xử tiến hành điều khiển phiên tòa công tâm, dân chủ; đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa đã chủ động cân nhắc, phân hóa vai trò các bị cáo một cách khách quan, thấu tình, đạt lý.
Phân hóa vai trò của từng bị cáo
Để xác định trách nhiệm hình sự của mỗi bị cáo, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã làm rõ mức độ, vai trò hành vi phạm tội của từng bị cáo ngay từ bản cáo trạng, từ đó phân hóa vai trò của mỗi người trong vụ án này. Việc phân hóa được đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa cập nhật, điều chỉnh kịp thời theo diễn biến thực tế từng giai đoạn xét hỏi, tranh luận, nhằm đảm bảo tính khách quan và nhân văn.
Viện Kiểm sát phân hóa vai trò của từng bị cáo dựa trên mức độ hành vi, sự thành khẩn, hợp tác giải quyết vụ án, việc chủ động khắc phục hậu quả vụ án... Từ đó, phân tích, đánh giá hành vi, vai trò của ai cao, ai thấp, trách nhiệm của ai nặng, ai nhẹ... để lượng hình khi đề nghị mức án.
Thông qua việc phân hóa này, bản chất vụ án, vai trò thực hiện hành vi của các bị cáo được chứng minh công khai tại phiên tòa, góp phần chuyển biến nhận thức cho từng bị cáo. Hầu hết các bị cáo có mặt tại phiên tòa, các luật sư bào chữa đều thừa nhận hành vi của các bị cáo, thừa nhận cáo trạng, thừa nhận luận tội của Viện kiểm sát là đúng. Một số bị cáo thừa nhận có tội nhưng không khai nhận hành vi vi phạm cụ thể. Có bị cáo kêu oan, nhưng sau đó tự chuyển biến nhận thức và thừa nhận hành vi của mình là vi phạm pháp luật.
Luận tội các bị cáo tại phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát đã đánh giá vai trò của bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty AIC) giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu, chỉ đạo và trực tiếp thực hiện các hành vi vi phạm quy định về đấu thâùm đưa hối lộ. Sau khi phạm tội, bị cáo bỏ trốn gây khó khăn cho việc giải quyết vụ án nên bị cáo giữ vai trò đầu vụ và phải chịu mức án cao nhất. Quan điểm này đã được Hội đồng xét xử chấp thuận và đã tuyên phạt bị cáo Nhàn 30 năm tù về 2 tội: Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, Đưa hối lộ.
Đối với các bị cáo khác, đại diện Viện Kiểm sát cũng đã phân hóa mức độ vai trò của họ và đưa ra các mức án đề nghị thuyết phục. Trong đó, đại diện Viện Kiểm sát đã xem xét một số bị cáo nộp tiền để khắc phục hậu quả; tích cực hợp tác với Cơ quan điều tra để giải quyết vụ án; có thành tích trong công tác; một số bị cáo phạm tội với vai trò giúp sức không đáng kể, làm việc theo sự chỉ đạo, không được hưởng lợi… và đề nghị Hội đồng xét xử quyết định hình phạt ở khung hình phạt liền kề hoặc hình phạt liền kề nhẹ hơn trong điều luật truy tố, thể hiện giá trị nhân văn, sự khoan hồng của pháp luật.
Trong số này có bị cáo Nguyễn Văn Bằng (nguyên Giám đốc Công ty Tâm Hợp) bị Viện Kiểm sát xác định là đã đồng ý chủ trương để Công ty Tâm Hợp làm quân xanh tham gia đấu thầu giúp Công ty AIC tại Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Sau khi Công ty AIC trúng thầu, Công ty Tâm Hợp đã bán 14 thiết bị y tế cho Công ty TCI để cung cấp vào Dự án, qua đó thu lợi nhuận hơn 2,8 tỷ đồng. Xét bị cáo Bằng đã thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác làm rõ bản chất vụ án, chủ động nộp lại toàn bộ số tiền hưởng lợi... nên đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị cho bị cáo Bằng mức án từ 30-36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Luật sư bào chữa cho bị cáo Bằng đã nhất trí với quan điểm buộc tội của Viện Kiểm sát và cho rằng mức án đề nghị này thể hiện sự cân nhắc thấu tình đạt lý của cơ quan công tố. Hội đồng xét xử cũng chấp thuận đề nghị này của đại diện Viện Kiểm sát và tuyên phạt bị cáo Bằng 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Quá trình tranh luận tại phiên tòa, sau khi cân nhắc những lập luận, sự nhận thức pháp luật và thái độ thành khẩn của các bị cáo… đại diện Viện Kiểm sát đã quyết định điều chỉnh mức án đề nghị với 5 bị cáo theo hưởng giảm nhẹ cho mỗi người 1 năm tù so với đề nghị trước đó của đại diện Viện Kiểm sát, thể hiện sự khoan hồng của pháp luật. Năm bị cáo này gồm: Nguyễn Thị Dung (Tổng Giám đốc Công ty Mediconsult) từ 5-6 năm tù xuống 4-5 năm tù; Hoàng Thế Quỳnh (nhân viên Công ty AIC) từ 6-7 năm tù xuống 5-6 năm tù; Đỗ Mỹ Hạnh (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cát Vân Sa - đã bỏ trốn) từ 6-7 năm tù còn 5-6 năm tù; Huỳnh Tuấn Anh (Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Tạ Thiên Ân) từ 4-5 năm tù xuống 3-4 năm tù; Nguyễn Thị Nhung (nguyên Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Tư vấn xây dựng Đồng Nai) từ 6-7 năm tù xuống 5-6 năm tù.
Bị cáo bỏ trốn gửi đơn xin được hợp tác với Tòa án
Trong số 36 bị cáo bị điều tra, truy tố và xét xử tại vụ án này, có 8 bị cáo gồm: Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Trần Mạnh Hà, Nguyễn Đăng Thuyết, Đỗ Mỹ Hạnh, Ngô Thế Vinh, Nguyễn Thị Tích, Nguyễn Thị Sen, Đỗ Văn Sơn, trước hoặc sau khi vụ án bị khởi tố, điều tra đã xuất cảnh khỏi Việt Nam để trốn tránh việc xử lý về hình sự, gây khó khăn cho việc giải quyết toàn diện đối với vụ án. Cơ quan điều tra đã ra lệnh truy nã; đồng thời các Cơ quan tiến hành tố tụng đã phát thư kêu gọi các bị cáo ra đầu thú để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật nhưng không có kết quả. Tuy nhiên, với các tài liệu, chứng cứ thu thập được có đủ căn cứ xác định hành vi của các bị cáo nêu trên đã phạm tội như Viện kiểm sát truy tố. Việc Tòa án quyết định đưa vụ án cùng các bị cáo (kể cả các bị cáo đã truy nã nhưng không có kết quả) ra xét xử là kịp thời, cần thiết, đảm bảo đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định, thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật để giải quyết toàn diện vụ án với tinh thần “trốn cũng không thể trốn được”.
Tuy nhiên, quá trình diễn ra phiên tòa, nhiều luật sư bào chữa cho một số bị cáo bỏ trốn cho biết thân chủ của mình đã gửi đơn xin hợp tác với Tòa án.
Luật sư Nguyễn Văn Tú (bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đăng Thuyết - nguyên Giám đốc Công ty Thành An Hà Nội) cho biết, bị cáo Nguyễn Đăng Thuyết đã gửi đơn tới Hội đồng xét xử. Trong đó trình bày về việc bị cáo Thuyết đã xuất cảnh sang Mỹ từ tháng 4/2021 để giám hộ cho 2 con đang theo học tại đây. Bị cáo Thuyết xuất cảnh từ trước khi các cơ quan tố tụng tiến hành xác minh vụ án này. Bị cáo Thuyết đã gửi đơn tới Hội đồng xét xử xác định tôn trọng toàn bộ nội dung Kết luận điều tra và nội dung Cáo trạng truy tố của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao. Bị cáo Thuyết xin được xét xử vắng mặt và xin chấp hành mọi phán quyết của Tòa. Bản thân bị cáo Thuyết cũng đã nhờ gia đình nộp lại toàn bộ số tiền hưởng lợi bất chính gần 2 tỷ đồng. Đồng thời, bị cáo Thuyết bày tỏ mong muốnHội đồng xét xử có một phán quyết công tâm, khách quan, thấu tình, đạt lý.
Đơn của bị cáo Thuyết đã được gửi tới Hội đồng xét xử trước khi diễn ra phiên tòa. Hội đồng xét xử đã chấp thuận đơn xin xét xử vắng mặt của bị cáo Nguyễn Đăng Thuyết và kêu gọi các bị cáo bỏ trốn còn lại tiếp tục ra đầu thú để được hưởng khoan hồng của pháp luật.
Tương tự, các luật sư bào chữa của 2 bị cáo bỏ trốn khác là bị cáo Đỗ Mỹ Hạnh (Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cát Vân Sa) và Ngô Thế Vinh (Giám đốc Công ty Việt Tiên) thông báo về việc thân chủ của họ đã gửi đơn và tâm thư đến Tòa bày tỏ nguyện vọng hợp tác cùng các cơ quan tố tụng.
Cụ thể, bị cáo Hạnh đã gửi tâm thư bày tỏ mong muốn được xét xử công tâm, khách quan và xin chấp nhận phán quyết của Tòa.
Đối với bị cáo Ngô Thế Vinh, trong đơn gửi tới Hội đồng xét xử, bị cáo Vinh trình bày hoàn cảnh đang chăm sóc con ốm ở Mỹ, bị cáo cũng đang phải điều trị bệnh theo chỉ định của bác sĩ tại đây, không kịp về Việt Nam tham dự phiên tòa nên mong muốn sẽ hợp tác, chấp hành các yêu cầu của cơ quan tố tụng.
Bị cáo kêu oan xin nhận tội
Trong số 28 bị cáo có mặt tại phiên tòa, đa số các bị cáo thừa nhận sai phạm, một số bị cáo thừa nhận một phần hành vi vi phạm, riêng bị cáo Lưu Văn Phương (nhân viên Công ty AIC) không thừa nhận hành vi phạm tội và kêu oan.
Bị cáo Lưu Văn Phương cho rằng bị cáo bị oan, bị cáo chỉ làm hồ sơ đấu thầu lần 1, nhưng sau đó hồ sơ này không trúng thầu. Tới lần thứ 2, khi chủ đầu tư hạ tiêu chí đấu thầu, AIC tham gia dự thầu mới trúng thầu. Trong lần thứ 2 đó, bị cáo Phương cho rằng bị cáo không làm Hồ sơ dự thầu vì khi đó bị cáo đang đi công tác Vũng Tàu 6 tháng.
Trước khi kết thúc phần xét hỏi tại phiên tòa, bị cáo Lưu Văn Phương đã thay đổi lời khai và thừa nhận hành vi phạm tội. Bị cáo Phương trình bày: Sau khi bị cáo nghe thêm những lời khai bổ sung của các bị cáo là cán bộ liên quan đến Hồ sơ dự thầu lần 2 của Công ty AIC, bị cáo thấy mình không đưa ra được bằng chứng gì thuyết phục để chứng minh cho việc bị cáo không liên quan đến Hồ sơ dự thầu lần 2. Do vậy, bị cáo Lưu Văn Phương xin nhận tội, mong được hưởng các tình tiết giảm nhẹ từ đại diện Viện Kiểm sát và Hội đồng xét xử. Bản thân bị cáo Lưu Văn Phương cũng đã tác động tới gia đình để nộp tiền, tích cực khắc phục hậu quả trong vụ án.
Đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa đã đặt câu hỏi với bị cáo Lưu Văn Phương về việc bị cáo có bị ép buộc, dụ dỗ để thay đổi lời khai không? Bị cáo Lưu Văn Phương trả lời: “Sau một đêm bị cáo suy nghĩ rất nhiều và cho rằng bản thân không còn băn khoăn gì nữa. Bị cáo hoàn toàn tự nguyện nhận tội, mong Viện Kiểm sát và Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo”.
Phiên tòa xét xử vụ án thông thầu tại Công ty AIC cũng như các vụ án trọng điểm khác đã thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật. Việc phát hiện, xử lý các vụ án về tham nhũng, kinh tế được thực hiện đồng bộ, triệt để “không có vùng cấm”, góp phần quan trọng trong việc kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi vi phạm, tội phạm tham nhũng, kinh tế, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đưa ra xét xử nghiêm minh đối với những bị cáo này không chỉ có tác dụng giáo dục, chuyển biến nhận thức cho các bị cáo mà còn giúp phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm; củng cố niềm tin của nhân dân, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội.