Vụ Trưởng bộ phận thư ký tài chính AIC đầu thú: Đầu thú sau khi bị truy nã có được giảm nhẹ tội?
Liên quan đến việc Trưởng bộ phận thư ký tài chính Công ty AIC Nguyễn Thu Phương đầu thú, nhiều người đặt câu hỏi, theo quy định, đầu thú sau khi bị truy nã có được coi là tình tiết giảm nhẹ?
Theo thông tin từ Bộ Công an, mới đây, bị can Nguyễn Thu Phương, Trưởng bộ phận thư ký tài chính Công ty AIC đã về nước đầu thú sau khi bị truy nã với cáo buộc có sai phạm liên quan đấu thầu ở Sở Y tế Quảng Ninh. Hiện cơ quan điều tra đang làm rõ hành vi của Phương trong vụ án này.
Trước đó, Phương đã bị khởi tố về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng trong vụ án xảy ra tại Sở Y tế Quảng Ninh, Công ty AIC và các đơn vị liên quan. Do bỏ trốn trước khi khởi tố vụ án và khởi tố bị can nên đối tượng bị truy nã.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Thị Thu - Đoàn Luật sự Hà Nội cho rằng, theo Điều 2 Thông tư liên tịch 13/2012/TTLT-BCA-BTP-VKSNDTC-TANDTC, đối tượng bị truy nã gồm: Bị can, bị cáo bỏ trốn hoặc không biết đang ở đâu; Người bị kết án trục xuất, người chấp hành án phạt trục xuất bỏ trốn; Người bị kết án phạt tù bỏ trốn… Cơ quan có thẩm quyền chỉ được ra quyết định truy nã khi có đủ các điều kiện theo quy định.
Về việc giải quyết trường hợp người bị truy nã ra đầu thú, theo khoản 3 Điều 16 Thông tư liên tịch 13, khi có người bị truy nã đến đầu thú thì các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất biết để cử người đến tiếp nhận và lập biên bản về việc người bị truy nã ra đầu thú.
Trường hợp người bị truy nã ra đầu thú tại cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc UBND các cấp thì các cơ quan này phải lập biên bản về việc người bị truy nã ra đầu thú và giải ngay người đó đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền.
Khi tiếp nhận người bị truy nã ra đầu thú, Cơ quan điều tra phải lập biên bản về việc người bị truy nã ra đầu thú (nếu cơ quan bàn giao chưa lập biên bản) và lấy lời khai về hành vi phạm tội, quá trình trốn, lý do đầu thú và những vấn đề khác có liên quan.
Người phạm tội bị truy nã ra đầu thú thì được xem xét là một tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự.
Người có quyết định thi hành án phạt tù bỏ trốn bị truy nã ra đầu thú nhưng đang bị bệnh hiểm nghèo (có kết luận của Hội đồng y khoa Bệnh viện cấp tỉnh trở lên), phụ nữ có thai (có xác nhận của Bệnh viện đa khoa cấp huyện trở lên), người đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc người lao động duy nhất trong gia đình (có xác nhận của chính quyền địa phương) nếu phải chấp hành án phạt tù thì gia đình sẽ lâm vào hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, thì Tòa án có thể cho tạm hoãn chấp hành án phạt tù theo quy định tại Điều 61 BLHS 2015.
Trong khi đó, theo khoản 2 Điều 51 BLHS 2015, khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án.
Các tình tiết giảm nhẹ đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ trong khi quyết định hình phạt.Như vậy, trường hợp người bị truy nã ra đầu thú thì khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi đầu thú là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án - luật sư Nguyễn Thị Thu nhấn mạnh.