Vụ UBS mua lại Credit Suisse: Nhiều ý kiến trái chiều tại Thụy Sỹ
Việc ngân hàng UBS thâu tóm Credit Suisse, với sự hỗ trợ lớn và áp lực từ phía Chính phủ Thụy Sỹ đã dấy lên lo ngại có thể làm suy yếu UBS nói riêng và lĩnh vực tài chính của nước này.
Truyền thông và chính giới Thụy Sỹ đều đang tỏ ra phẫn nộ khi một trong những thể chế ngân hàng lâu đời và mang tính biểu tượng nhất của nước này sụp đổ, và cho rằng dù đang vướng vào một loạt các khủng hoảng và bê bối, nhưng Credit Suisse đáng lẽ phải được giải cứu.
Giới chức Thụy Sỹ đang đối mặt với nhiều chỉ trích vì đã phản ứng quá chậm, khi giá cổ phiếu của Credit Suisse, vốn được xem là mắt xích yếu nhất trong hệ thống ngân hàng châu Âu sau nhiều năm liên tục gặp bê bối và khủng hoảng, lao dốc hồi tuần trước trong bối cảnh thị trường hỗn loạn sau vụ phá sản của hai ngân hàng Mỹ.
Ông Balthasar Glattli, Chủ tịch Đảng Xanh, đáng có chủ trưởng xây dựng các quy định mới để quản lý các ngân hàng được xem là quá lớn để có thể sụp đổ như Credit Suisse và UBS, ngày 20/3 cảnh báo ngân hàng UBS mới sau khi thâu tóm Credit Suisse sẽ là “một con quái vật quá lớn để có thể giải cứu”.
Bản thân UBS đã đứng đầu toàn cầu trong mảng quản lý tài sản, nhưng thỏa thuận thâu tóm Credit Suisse sẽ tạo ra một “gã khổng lồ” quản lý khoảng 3.400 tỷ USD tài sản. Ông Marcel Fratzscher, người đứng đầu công ty nghiên cứu DIW ở Berlin, cảnh báo thỏa thuận trên tạo ra một “siêu ngân hàng” lớn đến mức nó có thể đẩy cả đất nước vào rắc rối. Một bài báo trên tờ Neue Zurcher Zeitung đã cánh báo về quy mô của ngân hàng sau sáp nhập này một cách hình ảnh rằng: “Một con zombie sắp biến mất, nhưng một con quái vật đang hình thành”.
Trong khi đó, ông Thierry Burkart, Chủ tịch đảng Tự do, lại gọi ngày Chủ Nhật 19/3 là “một ngày đen tối với lĩnh vực ngân hàng Thụy Sỹ và với cả đất nước này nói chung”.
Cả hai đảng trên ngày 20/3 đã kêu gọi tổ chức một cuộc họp quốc hội khẩn cấp để thảo luận về thỏa thuận mua lại Credit Suisse của UBS, trong đó những hỗ trợ tài chính lớn từ Chính phủ và Ngân hàng trung ương Thụy Sỹ. Quốc hội nước này cho biết dự kiến sẽ tổ chức cuộc họp này vào giữa tháng Tư.
Nhiều nhà quan sát cảnh báo rằng thương vụ sáp nhập lớn này không phải là không có rủi ro cho UBS. Hãng xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings đã điều chỉnh triển vọng đối với mức xếp hạng A-/A-2 của tập đoàn UBS Group AG xuống “tiêu cực”, đồng thời cảnh báo nguy cơ từ sự hợp nhất này, dù vẫn cho rằng UBS có đủ “đệm chống xóc” để hạn chế rủi ro một cách hiệu quả.
Vụ sáp nhập trên có thể là một trong những yếu tố đem lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho việc làm ở Thụy Sỹ, vì UBS và Credit Suisse có nhiều mảng hoạt động trùng lặp với nhau. Hai ngân hàng lớn thứ nhất và thứ hai Thụy Sỹ này hiện tạo ra tổng cộng 37.000 việc làm toàn thời gian tại Thụy Sỹ. Theo tính toán của các chuyên gia, trong trung hạn, việc tháo dỡ mạng lưới chi nhánh và thực hiện các biện pháp hợp lý hóa khác sau khi UBS tiếp quản Credit Suisse có thể sẽ làm mất đi từ 9.500 việc làm đến 12.000 việc làm.
Dù vậy, nhiều người vẫn thừa nhận còn quá ít sự lựa chọn. Chính phủ Thụy Sỹ cho biết phương án duy nhất có thể thay thế cho thỏa thuận của UBS là quốc hữu hóa hoàn toàn Credit Suisse. Tổng thống Thụy Sỹ Alain Berset khẳng định thỏa thuận này là giải pháp tốt nhất để lấy lại niềm tin đối với các thị trường tài chính./.