Vụ Vạn Thịnh Phát: Bà Trương Mỹ Lan được áp dụng nguyên tắc có lợi
Từ ngày 5/3 - 29/4, TAND TPHCM sẽ xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB). 86 bị cáo trong vụ án này bị xét xử nhiều tội danh khác nhau.
Bà Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) bị xét xử về các tội “Tham ô tài sản”, “Đưa hối lộ” và “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Ở tội danh “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, Viện Kiểm sát truy tố bà Lan theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 mà không áp dụng theo Bộ luật Hình sự 2015.
Khi truy tố bà Lan theo Bộ luật Hình sự năm 1999, Viện Kiểm sát tối cao lập luận rằng, bà Trương Mỹ Lan và các đồng phạm thực hiện hành vi phạm tội trong một thời gian dài, trong khi Bộ luật Hình sự có sự thay đổi cơ bản về đường lối xử lý tại thời điểm trước và sau ngày Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực. Tại quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999, Bộ luật Hình sự năm 2015 và Nghị quyết số 41 năm 2017, của Quốc hội về thi hành Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, thì những hành vi phạm tội xảy ra trước ngày 1/1/2018 thì xử lý theo điều, khoản tương ứng Bộ luật Hình sự năm 1999. Những hành vi sai phạm nếu xảy ra sau ngày 1/1/2018 bị xử lý theo các điều, khoản của Bộ luật Hình sự năm 2015, có xem xét đến nguyên tắc có lợi cho các bị can.
Từ kết quả điều tra, các cơ quan tiến hành tố tụng đã rà soát, phân loại xử lý các bị can theo các tội danh cụ thể tương ứng với vị trí, vai trò, số lượng, tính chất, mức độ hành vi và lỗi của từng bị can. Theo các cơ quan tố tụng, bà Trương Mỹ Lan có hành vi sai phạm diễn ra trong thời gian dài, trước khi Bộ luật Hình sự hiện hành có hiệu lực, Cơ quan tố tụng áp dụng nguyên tắc có lợi cho người bị buộc tội, nên áp dụng luật cũ đối với tội danh “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, theo Bộ luật Hình sự năm 1999, thay vì áp dụng Bộ luật Hình sự 2015.
Ngân hàng thiệt hại từ tiền vốn đến lãi
Cáo trạng vụ án cho biết, hành vi của bà Trương Mỹ Lan và các đồng phạm bị đánh giá là có tổ chức với thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, chiếm đoạt và gây thiệt hại số tiền đặc biệt lớn. Từ năm 2012 đến tháng 10/2022, bà Trương Mỹ Lan nắm giữ từ 85% đến 91,5% cổ phần của SCB, chỉ đạo, điều hành và thao túng toàn bộ hoạt động của SCB. SCB đã giải ngân cho 1.366 khách hàng là 710 cá nhân và 656 tổ chức. Trong đó, nhóm của bà Trương Mỹ Lan có hơn 2.500 khoản vay tại SCB với tổng số tiền giải ngân hơn 1.066.000 tỷ đồng. SCB cho nhóm bà Lan vay chiếm 93% số tiền cho vay, 7% còn lại là nhóm khách hàng thông thường.
Đến năm 2022, 875 khách hàng trong nhóm bà Trương Mỹ Lan với gần 1.300 khoản vay còn dư nợ tại SCB hơn 677.000 tỷ đồng. Bà Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo thuộc cấp lập khống 916 hồ sơ vay vốn của SCB với số tiền là 545.000 tỷ đồng và chiếm đoạt 304.000 tỷ đồng. Như vậy SCB ngoài việc mất số tiền gốc bị chiếm đoạt, ngân hàng này phải trả thêm hơn 129.372 tỷ đồng lãi suất.
Ở tội danh “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, Viện Kiểm sát áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị can,qua đó truy tố bà Lan theo khoản 3, Điều 179 Bộ luật Hình sự năm 1999, với khung hình phạt từ 10-20 năm tù, thay vì áp dụng khoản 4, Điều 206, Bộ luật Hình sự 2015, có khung hình phạt 12-20 năm tù.