Vụ việc ở Đồng Tâm: Bài học đắt giá từ sự buông lỏng quản lý đất đai

Trong quá trình quản lý, sử dụng, các đơn vị quốc phòng cũng như Ủy ban Nhân dân xã Đồng Tâm đã buông lỏng quản lý trong một thời gian dài.

Tang vật thu được từ vụ việc ở Đồng Tâm (Nguồn: TTXVN phát)

Tang vật thu được từ vụ việc ở Đồng Tâm (Nguồn: TTXVN phát)

Việc buông lỏng quản lý Nhà nước về đất đai tại xã Đồng Tâm trong một thời gian dài đã tạo nên lỗ hổng để các thành phần cơ hội lợi dụng xuyên tạc và kích động chống đối.

Trong khi đó, hành vi chống đối của những kẻ quá khích này chưa được nhận diện một cách kịp thời và toàn diện cũng là nguyên nhân gây bất ổn về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tại địa phương này trong thời gian qua.

Đây là những bài học đắt giá mà chính quyền và người dân cần rút kinh nghiệm sâu sắc, tránh đi vào vết xe đổ trong thời gian tới.

Theo Quyết định số 113/TTg ngày 14/4/1980 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 386-QĐ/UB ngày 10/11/1981 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Sơn Bình, Quyết định số 5383/QĐ-UBND ngày 20/10/2014 của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, toàn bộ đất sân bay Miếu Môn là đất quốc phòng, được các đơn vị quân đội sử dụng vào mục đích quốc phòng, cắm mốc giới bêtông cốt thép, lập các sơ đồ, bản đồ quản lý đất sân bay với mốc giới, tọa độ theo quy chuẩn.

Thông báo của Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ: Từ năm 1981 đến nay, toàn bộ diện tích đất sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm do các đơn vị quốc phòng quản lý, sử dụng. Tuy nhiên, trong quá trình quản lý, sử dụng, các đơn vị quốc phòng cũng như Ủy ban Nhân dân xã Đồng Tâm đã buông lỏng quản lý trong một thời gian dài.

Các đơn vị quốc phòng đã ký hợp đồng canh tác đất tăng gia hàng năm với Ủy ban Nhân dân xã Đồng Tâm, để Ủy ban Nhân dân xã giao cho các đội sử dụng vào mục đích nông nghiệp; chưa thực hiện di dời một số hộ dân đã ở trên đất quốc phòng từ trước năm 1980, để các hộ lấn chiếm, cho tặng, chuyển nhượng, xây dựng công trình trái phép mà đơn vị quốc phòng không có biện pháp xử lý kiên quyết, triệt để.

Bên cạnh đó, Ủy ban Nhân dân xã Đồng Tâm đã buông lỏng quản lý để các hộ dân xây dựng không phép trên đất quốc phòng; từ năm 2003 đến năm 2010, Ủy ban Nhân dân xã Đồng Tâm đã xác nhận các hồ sơ thừa kế, cho, tặng, chuyển nhượng của các hộ dân đang sử dụng đất quốc phòng là trái thẩm quyền và vi phạm pháp luật về quản lý đất đai.

Sai phạm nối tiếp sai phạm, một số cán bộ, lãnh đạo xã Đồng Tâm còn thao túng việc cấp, giao, bán và xác nhận lịch sử sử dụng đất trái quy định của pháp luật.

Những sai phạm này được một số cán bộ ở Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mỹ Đức tiếp tay, bằng việc ký xác nhận để đề nghị Ủy ban Nhân dân huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Việc làm đó không những hợp thức hóa diện tích đất được cấp trái thẩm quyền, mà còn gián tiếp hợp pháp hóa cho những sai phạm của cán bộ xã. Chính từ những sai phạm này đã khiến người dân lầm tưởng đất quân đội là của mình.

Thêm vào đó, những kẻ mạo danh đại diện cho người dân, kích động, xúi giục khiếu kiện kéo dài. Đây là mầm mống của những hành vi gây rối an ninh trật tự, chống đối người thi hành công vụ, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Những kẻ tấn công người thi hành công vụ không đại diện cho người dân Đồng Tâm

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh khẳng định: Đất khu vực sân bay Miếu Môn là đất phục vụ mục đích quốc phòng, không thể chuyển đổi, cũng không hề có một dự án nào ngoài mục đích quốc phòng ở đây.

Ông phân tích: Người dân có thể hiểu lầm là đơn vị quân đội chưa sử dụng, nên có ý định xin lại để canh tác. Nguyện vọng đó theo quy định phải thể hiện qua Hội đồng Nhân dân xã Đồng Tâm, nhưng theo ghi nhận chưa từng có ý kiến đó. Một số hộ không thể đại diện cho tất cả để đòi lại khu đất này.

Ông Cao Xuân Thiết, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Đồng Tâm khẳng định, việc khiếu nại đất ở sân bay Miếu Môn chỉ có một nhóm đối tượng, không đại diện cho người dân xã Đồng Tâm.

Đồng quan điểm, ông Trần Ngọc Viễn đại diện 14 hộ dân đã đồng ý di dời khỏi đất sân bay Miếu Môn cho biết, gia đình ông ở trong đất sân bay Miếu Môn từ năm 1988 và khẳng định đây là đất do quân đội quản lý.

Ông Trần Ngọc Viễn chia sẻ: "Chúng tôi đồng tình di dời khỏi đất sân bay Miếu Môn và đã giải tỏa xong bởi chúng tôi hiểu pháp luật.

Chúng tôi đã vui vẻ di dời khi được Đảng, Nhà nước hỗ trợ. Người dân Đồng Tâm đa phần chấp hành, ủng hộ, chỉ có một bộ phận nhỏ phản đối."

Ông Nguyễn Quyết Thắng, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Đồng Tâm, cho rằng, ngoài cái gọi là "tổ đồng thuận" do ông Lê Đình Kình đứng đầu, toàn bộ người dân Đồng Tâm đều đồng tình với Kết luận thanh tra số 2346/KL-TTTP-P5 của Thanh tra thành phố Hà Nội cũng như Thông báo số 611/TB-TTCP của Thanh tra Chính phủ.

Người dân cũng ghi nhận việc chính quyền công bố các bản đồ liên quan đến khu đất sân bay Miếu Môn và mong muốn những vấn đề liên quan được xử lý dứt điểm, tạo điều kiện đảm bảo an ninh trật tự ở địa phương, nâng cao đời sống người dân.

Đến thời điểm này, tất cả hộ dân có diện tích đất trong khu vực sân bay Miếu Môn đã đồng tình ký vào biên bản được đền bù, hỗ trợ và di dời ra khỏi đất khu vực sân bay Miếu Môn theo đúng luật định.

Đối tượng kích động vụ việc. (Ảnh: TTXVN phát)

Đối tượng kích động vụ việc. (Ảnh: TTXVN phát)

Hiện toàn bộ đất trong khu vực sân bay Miếu Môn đã được giải phóng mặt bằng sạch, để giao cho đơn vị quân đội quản lý, sử dụng đất.

Cơ quan chức năng đang tiếp tục xây dựng các hạng mục phục vụ mục đích quốc phòng theo kế hoạch.

Xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm pháp luật

Nhìn lại toàn bộ quá trình diễn biến sự việc ở Đồng Tâm từ năm 2017 đến nay cho thấy, chính quyền thành phố và các cơ quan chức năng đã xử lý kiên trì, có lý, có tình nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân, bảo đảm tính thượng tôn pháp luật.

Cùng với đó, các hộ gia đình có quyền lợi tại khu vực sân bay Miếu Môn đã được chính quyền địa phương xem xét, phân loại và được hỗ trợ thỏa đáng.

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Thanh tra Chính phủ cũng đã tổ chức 2 buổi để thông tin, đối thoại với người dân, làm rõ kết luận thanh tra vào tháng 8/2019 và tháng 11/2019.

Chính quyền, cơ quan chức năng, cơ quan pháp luật cũng đã thực hiện đúng các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước thông qua việc trao đổi, gặp gỡ, đối thoại, thanh tra, kiểm tra, xác minh, giải quyết kiến nghị.

Đồng thời, chính quyền cũng đã kiên quyết, ai sai đến đâu xử lý đến đó để bảo vệ lẽ phải, bảo vệ tài sản Nhà nước, bảo vệ đất quốc phòng, bảo vệ chủ trương triển khai các dự án quốc phòng và lợi ích quốc gia, giữ gìn kỷ cương phép nước.

Liên quan việc buông lỏng quản lý đất đai tại khu sân bay Miếu Môn, gần 30 cán bộ có hành vi vi phạm đã bị xử lý nghiêm khắc.

Nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã, nguyên Xã đội trưởng, nguyên Trưởng ban Tài chính xã đã bị Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội phạt tù từ 24 đến 36 tháng tù; nguyên Giám đốc, Phó Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai, nguyên Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mỹ Đức cũng nhận mức án từ 24-36 tháng tù treo.

Đây là bài học cảnh tỉnh cho những cán bộ, đảng viên không làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao, coi thường pháp luật.

Lực lượng chức năng bảo vệ hiện trường nơi xảy ra vụ việc. (Ảnh: TTXVN phát)

Lực lượng chức năng bảo vệ hiện trường nơi xảy ra vụ việc. (Ảnh: TTXVN phát)

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò quan trọng của pháp luật. Bác Hồ là một người bao dung, nhân ái, nhưng Người cũng rất nghiêm khắc, không bỏ qua, bao che sai lầm, khuyết điểm và luôn đòi hỏi sự bình đẳng trước pháp luật.

Trong bài phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Tư pháp toàn quốc năm 1950, Người nhấn mạnh: "Pháp luật của ta hiện nay bảo vệ quyền lợi cho hàng triệu người lao động…

Pháp luật của ta là pháp luật thật sự dân chủ, vì nó bảo vệ quyền tự do, dân chủ rộng rãi cho nhân dân lao động.... Người nào sử dụng quyền tự do quá mức của mình mà phạm đến tự do của người khác là phạm pháp."

Ấy vậy mà trong vụ việc xảy ra ở Đồng Tâm vừa qua, một số kẻ quá khích vì lợi ích cá nhân, coi thường luật pháp, hô hào, kích động tạo sự đối lập giữa chính quyền và người dân.

Những đối tượng quá khích, thành viên của cái gọi là "tổ đồng thuận" do Lê Đình Kình cầm đầu, không từ bất cứ một thủ đoạn nào, mượn cớ “đòi đất” để chửi bới lăng mạ, chống người thi hành công vụ, bắt giữ người trái phép và đỉnh điểm là việc sát hại dã man 3 chiến sỹ công an.

Những hành vi hung hãn, mất nhân tính của Lê Đình Kình và đồng phạm thời gian qua đã tự vạch trần bộ mặt thật của chúng - những kẻ mạo danh “nhân dân” để phản dân, hại nước. Qua chuỗi sự kiện ở Đồng Tâm, công luận có thể nhận thấy điều mà những kẻ này thực sự mưu toan là hỗn loạn trong gia đình, sự bất ổn trong xã hội, sự đối lập giữa người dân và chính quyền.

Biện pháp mà chúng sử dụng từ ngăn chặn đối thoại tới kích động bạo lực và sử dụng bạo lực để gây tội ác.

Trong một xã hội dân chủ, văn minh và thượng tôn pháp luật, không một công dân nào được cho mình quyền vi phạm đến tự do của người khác, lại càng không được phép tấn công, sát hại những người thực thi công việc bảo vệ luật pháp, mang lại sự bình yên cho xã hội.

Để công lý được thực thi, nhân dân mong muốn cơ quan chức năng cần sớm điều tra, đưa ra xét xử nghiêm những kẻ vi phạm pháp luật. Điều mà Đảng, Nhà nước và người dân cả nước còn mong muốn hơn đó là sau vụ việc này, người dân tại xã Đồng Tâm sẽ đồng lòng cùng Đảng bộ, chính quyền, địa phương sớm ổn định tình hình, phát triển kinh tế, xã hội./.

Nguyễn Thắng-Văn Cảnh (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/vu-viec-o-dong-tam-bai-hoc-dat-gia-tu-su-buong-long-quan-ly-dat-dai/618432.vnp