Vừa nhận lời cầu hôn, bạn gái bắt ký hợp đồng sang tên nhà, nộp lương
Cầu hôn xong, anh Dương tái mặt khi bạn gái bắt ký hợp đồng tiền hôn nhân, trong đó anh phải sang tên nhà, nộp hơn 4 tỷ đồng sính lễ và nửa số lương mỗi tháng.
Chia sẻ của anh Dương, một chàng trai trẻ ở Cao Hùng, Đài Loan (Trung Quốc) về chuyện bạn gái bắt ký hợp đồng tiền hôn nhân đang tạo ra cuộc bàn tán ồn ào trên mạng xã hội.
Anh Dương và bạn gái yêu nhau được 2 năm. Vài ngày trước, anh cầu hôn thành công nên vô cùng hạnh phúc. Nào ngờ, niềm vui chưa kịp nhân đôi thì nỗi buồn đã ập tới. Sau khi nhận được cái gật đầu đồng ý của bạn gái, anh Vương ngỡ ngàng khi cô yêu cầu ký vào bản hợp đồng tiền hôn nhân với những điều khoản gây sốc.
Trong bản hợp đồng nêu rõ, anh Dương phải chuẩn bị sính lễ trị giá 5,2 triệu Đài tệ (khoảng hơn 4 tỷ đồng) để chứng tỏ tình yêu của mình. Thứ hai, căn nhà mà anh Dương đã mua sẽ phải sang tên cho bạn gái để cô có sự an tâm sau khi kết hôn.
Thứ ba, bạn gái sẽ không ra ngoài làm việc sau khi kết hôn, và anh Dương sẽ phải đưa một nửa tiền lương hàng tháng của mình cho cô để chi tiêu trong gia đình. Cô muốn tập trung làm nội trợ, quán xuyến gia đình, không để anh phải lo lắng điều gì, có thể tập trung vào công việc và sự nghiệp.
Đọc xong bản hợp đồng tiền hôn nhân này, anh Dương rất đắn đo và không biết có nên ký không. Anh căng thẳng đến mức không ngủ được và không dám kể với gia đình, chỉ biết lên mạng giãi bày, xin lời khuyên.
Tình huống này khiến nhiều cư dân mạng choáng váng, họ để lại tin nhắn khuyên nhủ anh Dương: "Cô ấy họ Đào à? Đào trong đào mỏ ấy? May là biết sớm nhé, né đi còn kịp", "Nhanh chóng chia tay đi. Anh đã bao giờ hiếu thảo với bố mẹ như vậy chưa?", "Tôi là con gái mà còn không thể chịu nổi nội dung của thỏa thuận tiền hôn nhân này nữa. Cô ấy thích hợp với người có nhiều tiền hơn. Hãy để cô ấy đi, đừng suy nghĩ nhiều", "Chia tay đi! Chia tay ngay đi", "Bây giờ có ai tự báo giá như vậy nữa không?"...
Có thể thấy, hầu hết mọi người đều khuyên anh Dương chia tay. Tuy nhiên, cũng có người cho rằng hôn nhân là chuyện của hai người, đối phương yêu cầu sính lễ cao như vậy thì có lẽ của hồi môn cũng không kém, nếu thật là như vậy thì cũng khá bình đẳng.