Vừa sạc pin vừa dùng điện thoại, coi chừng 'tử thần' gõ cửa
Vừa sạc điện thoại vừa sử dụng chơi game, xem video, gọi điện thoại… có thể dẫn đến những tai nạn thương tâm. Chuyên gia chỉ cách phòng tránh những tình huống này.
"Tử thần" từ cục sạc điện thoại
Kỹ sư Nguyễn Huy Bạo, nguyên cán bộ Học viện Kỹ thuật Quân sự cho biết, chiếc sạc điện thoại tưởng là vô hại, nhưng lại chính là "tử thần" lấy đi sinh mạng mà ít người có thể ngờ tới.
Mỗi điện thoại đều được đính kèm một củ sạc riêng biệt. Để nạp pin cho điện thoại, củ sạc sẽ hoạt động theo nguyên lý của máy biến áp: biến điện áp cao thành điện áp thấp, đổi dòng từ xoay chiều qua 1 chiều. Hạ điện áp từ 220V xuống điện áp nạp (tùy từng dòng điện thoại). Sau đó nắn từ dòng điện xoay chiều sang dòng điện 1 chiều để nạp cho điện thoại.
Về cấu tạo, củ sạc điện thoại gồm 2 bộ phận: sơ cấp nối với dòng điện vào và thứ cấp nối với dòng điện ra. Như vậy cho dù mạch ra có kín hay không (nghĩa là có sạc hay không) thì mạch vào luôn kín nếu được cắm điện.
Chính vì nguyên lý hoạt động như trên nên khi không sạc thì mạch sơ cấp với cấu tạo mạch kín vẫn tiêu thụ điện năng, chỉ là ở mức ít hơn so với khi mạch ra đóng kín (khi sạc). Khi cắm sạc vào nguồn điện nhưng không sử dụng còn khiến tuổi thọ của mạch sơ cấp giảm do các linh kiện của mạch này phải hoạt động liên tục nếu không được rút ra khỏi ổ điện.
Với thiết kế đơn giản, độ an toàn thấp của các sạc điện thoại hiện nay thì việc điện giật và lấy đi tính mạng người dùng bất cứ lúc nào là điều dễ. KS. Nguyễn Huy Bạo khuyến cáo:
Chỉ cắm điện khi cần sạc điện thoại để tránh những rủi ro không đáng có.
Sạc điện thoại cũng cần đúng cách, đừng chờ đến khi điện thoại hết sạch pin mới cắm sạc và cũng đừng chờ đến khi điện thoại báo đầy pin đến 100% mới rút sạc ra.
Khi pin báo còn từ 35-40% nên cắm sạc. Khi sạc được khoảng 95-98% là phải rút sạc ra.
Việc nhận biết linh kiện bên trong cục sạc bị hỏng là rất khó, chỉ trừ khi đã xảy ra sự cố, hỏng hóc rồi. Có những chiếc sạc dùng chục năm không hỏng, nhưng có những cái vừa mua đã hỏng. Do đó cần dùng sạc chính hãng, có bảo hành. Khi cục sạc có dấu hiệu nóng bất thường, phải thay bằng sạc khác.
Theo TS. Trần Văn Thịnh, nguyên Trưởng bộ môn Thiết bị Điện, ĐH Bách khoa Hà Nội, hiện nay trong các gia đình, thói quen sử dụng thiết bị điện sai cách, không đúng hướng dẫn sử dụng của thiết bị, chính là những "sát thủ" đối với các thành viên trong nhà, nhất là đối với trẻ em.
Nhiều nhà sử dụng bình đun nước siêu tốc, nhưng đa phần không rút phích cắm mà cứ để nguyên đó, trong khi công tắc điện nằm trên thân ấm chứ không nằm ở bộ phận để tiếp đất. Rất nguy hiểm nếu điện rò rỉ ra ngoài, hoặc trẻ em nghịch ngợm, chọc vào ổ điện thì nguy cơ chết người là có thể.
Hoặc thói quen cắm sạc điện thoại, sạc máy tính để đó cũng cực kỳ nguy hiểm vì đa phần các thiết bị này có lớp sơn cách điện mỏng chỉ khoảng 1 micromet đến đầu cắm sạc. Chỉ cần sơ sẩy để lớp sơn này bong ra, khả năng bị điện giật chết người từ việc sờ vào các đầu cắm sạc cũng rất lớn
Sử dụng sạc điện thoại đúng cách
Vậy sử dụng sạc điện thoại thế nào là đúng cách?. Theo KS. Nguyễn Huy Bạo, đầu tiên là không cắm cục sạc liên tục vào ổ cắm điện. Nhiều người vì cho tiện mỗi khi cần cắm sạch nên cứ để cục sạc cắm liên tục ở ổ cắm. Điều này rất nguy hiểm vì cục sạc là thiết bị hạ điện áp từ 220V xuống 5V không sử dụng biến áp mà sử dụng điện trở và tụ điện. Sau đó, điện được đưa trực tiếp từ nguồn điện lưới xuống thông qua mạch điện biến xoay chiều thành một chiều để nạp cho pin điện thoại.
Giả sử nếu trẻ nghịch ngậm vào đầu dây cắm vào điện thoại đầu ra bị chập do nước làm cho mạch điện quá tải bị chập điện, thông mạch đầu ra sẽ là điện lưới 220V. Hoặc đơn giản vào những khi trời nồm như khoảng thời gian này ở miền Bắc, ẩm ướt làm chập đầu ra làm chập mạch điện sẽ xảy ra hỏa hoạn.
Không được sử dụng điện thoại trong khi sạc (vừa sạc vừa sử dụng) điều này rất nguy hiểm. Nhiều trường hợp nổ điện thoại gây ra thương tích, có khi chết người. Sở dĩ có hiện tượng đó vì khi sạc điện thoại làm pin nóng lên, cùng lúc đó sử dụng điện thoại làm dòng điện tăng càng làm điện thoại nóng lên. Khi đó, pin phồng to dẫn tới nổ pin.
Theo KS. Nguyễn Huy Bạo, để tránh các tình trạng gây cháy nổ, giật điện gây nguy hiểm cho người sử dụng, bạn không nên thường xuyên vừa dùng điện thoại vừa sạc pin. Đồng thời, khi phát hiện điện thoại có những dấu hiệu như nóng lên bất thường thì bạn nên nhanh chóng rút sạc ra khỏi ổ điện ngay lập để giảm nhiệt cho pin điện thoại của mình.
Không nên để pin hết kiệt mới sạc mà thông thường khi điện thoại báo pin còn 15% là cần sạc (nhiều điện thoại khi xuống 15% là báo để người dung sạc). Lý do là khi xuống tới 15% pin thì điện thoại chuyển sang chế độ bù dòng, tăng cường dòng điện. Do đó nếu để pin xuống quá thấp rồi mới sạc sẽ rất dễ làm hỏng pin, giảm tuổi thọ của pin.
Đồng thời khi sạc pin cũng không nên sạc tới đầy 100% mới rút ra vì như thế cũng dễ làm pin chóng hỏng (chai pin). Chỉ nên nạp tới 95% đến 98% nên rút ra.
Không cắm sạc điện thoại qua đêm. Thông thường điện thoại nào cũng có bộ ngắt điện khi nạp đầy nhưng nếu để điện thoại tự ngắt lúc đó pin đầy 100% mới ngắt sẽ làm chai pin. Mặt khác đề phòng điện thoại hỏng bộ ngắt pin nạp quá tải sẽ bị nổ, trong lúc đang ngủ thì dễ xảy ra tai nạn đáng tiếc.
Theo TS. Trần Văn Thịnh, ở các công trình công cộng hay nhà ở, an toàn nhất là lắp hệ thống aptomat chống rò, chống giật. Khi có điện rò ra vỏ thì aptomat sẽ tự động ngắt hệ thống điện. Theo nguyên lý đó, khi có người không may chạm vào dây điện bị hở thì hệ thống aptomat cũng sẽ tự động ngắt điện. Đây là cách dễ làm nhất để tránh xảy ra những tai nạn thương tâm. Đặc biệt là những thiết bị điện dễ xảy ra rò rỉ như bình nóng lạnh, tủ lạnh, máy sấy, nồi cơm điện, ấm đun nước, ấm siêu tốc… thì nên lắp đặt hệ thống aptomat riêng…
Ngày 24/5, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) cho biết các bác sĩ vừa tiếp nhận trường hợp nam bệnh nhân ở Hà Nội vào viện với nhiều vết thương nghiêm trọng do điện thoại phát nổ. Bác sĩ Nguyễn Hoàng Quân, Khoa Phẫu thuật chi trên và y học thể thao, Bệnh viện Việt Đức cho biết, nam bệnh nhân có vết thương môi trên kích thước 2x2 cm, dập nát ngón 1,2 mất hết phần mềm; cụt chấn thương ngón 1, vết thương ngón 3 tay trái, vết thương 3 cm vùng cẳng chân bên phải… Qua khai thác, người bệnh cho biết khi vừa sạc điện thoại vừa chơi điện tử, bất ngờ điện thoại phát nổ.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Tô Hội