'Vựa vàng' nơi 'rốn phèn' - Câu chuyện của Đồng Tháp Mười: Tỉ phú nông dân (Bài 3)

Nhắc đến vùng Đồng Tháp Mười (ĐTM) xưa kia, những người lớn tuổi trong vùng nhớ đến hình ảnh vùng đất 'muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội tựa bánh canh'. Những hình ảnh chân thật nhất của vùng ĐTM xưa được khắc họa qua bộ phim Cánh đồng hoang của đạo diễn Nguyễn Hồng Sến. Ngày đó, không ai dám nghĩ vùng ĐTM của tỉnh lại có thể trở thành vựa lúa lớn. Vậy mà bây giờ, không chỉ có sản lượng lúa cao nhất tỉnh Long An, vùng đất chua phèn ngày nào đã 'trở mình' là nơi bén rễ của cây ăn trái, góp phần mang lại thu nhập cao cho người dân, chất lượng cuộc sống không ngừng nâng lên.

Bài 3: Tỉ phú nông dân

Đi lên từ hai bàn tay trắng, nhạy bén trong sản xuất và chung sức, đồng lòng kiến tạo quê hương,... là điểm chung của những nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tại vùng ĐTM của tỉnh. Từ vùng đất hoang hóa năm nào, với bàn tay và khối óc của những con người đi khai phá vùng đất mới, ĐTM trở thành “vựa vàng” bởi “có sức người, sỏi đá cũng thành cơm”.

“Bà đỡ” lập nghiệp

Từ hai bàn tay trắng, ông Nguyễn Chí Trãi (xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Hưng) đã sở hữu 25ha đất, 4 máy gặt đập liên hợp và 1 máy cày

Từ hai bàn tay trắng, ông Nguyễn Chí Trãi (xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Hưng) đã sở hữu 25ha đất, 4 máy gặt đập liên hợp và 1 máy cày

Một ngày giữa tháng 5, chúng tôi có dịp gặp ông Nguyễn Chí Trãi (xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An) để nghe kể về câu chuyện lập nghiệp tại vùng kinh tế mới.

Ông Trãi nói: “Quê tôi ở xã Nhơn Thạnh Trung, TP.Tân An. Gia đình 11 anh em, không có đất canh tác, khi ra riêng cha mẹ không giúp được nhiều. Thời điểm đó, vợ chồng tôi sống bằng nghề làm thuê, làm mướn “có đồng nào xào đồng đó”. Năm 1987, tôi quyết định đưa cả gia đình theo người quen về xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Hưng lập nghiệp”.

Như bao gia đình khác khi mới về vùng đất “muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội tựa bánh canh” và sự khắc nghiệt từ thiên nhiên, ông Trãi gặp muôn vàn khó khăn, thử thách. Đó là những năm lúa trồng được vài ngày thì bị “sặc phèn” chết hết hoặc lúa mới vừa ngậm sữa thì rầy tấn công, chuột cắn phá, vậy là bao mồ hôi, công sức đều mất trắng. Trước những khó khăn này, nhiều người nản lòng bỏ về quê, vậy mà ông Trãi vẫn cố gắng bám đất.

Năm 1989, ông mượn tiền người thân, bạn bè mua máy cày, đưa cơ giới vào đồng ruộng. Đất khó không “bó” được đôi tay, không ngăn được ý chí của những người nông dân như ông Trãi. Để rồi, với chiếc máy cày, ông vừa cải tạo đất, vừa cày thuê cho những nông dân khác trong vùng. Chỉ 1 năm sau đó, ông đã lấy lại vốn và mua thêm đất. Giờ đây, ông Trãi sở hữu hơn 25ha đất, 4 máy gặt đập liên hợp và 1 máy cày. Sau khi trừ tất cả chi phí, trung bình mỗi năm, ông có thu nhập gần 1,5 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Chí Trãi nhận đỡ đầu 7 gia đình quê tỉnh Đồng Tháp đến huyện Vĩnh Hưng lập nghiệp

Ông Nguyễn Chí Trãi nhận đỡ đầu 7 gia đình quê tỉnh Đồng Tháp đến huyện Vĩnh Hưng lập nghiệp

Điều đáng ghi nhận và trân trọng ở ông Trãi còn là tấm lòng sẻ chia, giúp đỡ người dân quê Đồng Tháp đến xã Vĩnh Bình lập nghiệp. Cứ thế, hơn 20 năm qua, ông cho 7 gia đình mượn đất cất nhà, tạo việc làm; đồng thời, hỗ trợ vốn để họ phát triển kinh tế.

Anh Nguyễn Văn Lộc (quê Đồng Tháp) khẳng định: “Ông ngoại (ông Nguyễn Chí Trãi) giúp đỡ gia đình tôi nhiều lắm! Hồi trước, tôi chủ yếu theo máy cắt, máy cày thuê đắp đổi qua ngày, đâu dám mơ mua đất canh tác. Vậy mà nhờ sự giúp đỡ của ngoại, gia đình tôi mua được 1ha đất nông nghiệp, thuê thêm khoảng 10ha đất trồng lúa. Nhờ vậy kinh tế gia đình tôi ngày càng ổn định hơn”.

Lập nghiệp từ hai bàn tay trắng, hơn ai hết, ông Trãi hiểu rõ khó khăn, vất vả của những người đến với vùng đất này. Ông trải lòng: “Họ cũng giống như mình hồi trước, giúp được thì thì giúp. Hồi trước, dù có vất vả cỡ nào tôi cũng chưa từng nghĩ mình sẽ bỏ cuộc, cứ động viên nhau cùng cố gắng”.

Thay đổi tư duy sản xuất

Căn nhà mái Thái được bao quanh bởi vườn cây trĩu quả là cơ ngơi của gia đình anh Nguyễn Văn Vẹn (xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng). Trong căn nhà khang trang, anh Vẹn kể cho chúng tôi nghe về hành trình làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương: “Đất trồng lúa không được mà tràm có giá thì tôi trồng tràm, đến khi lúa có giá thì mình làm ngược lại. Ngoài trồng trọt, tôi còn nuôi thêm heo, gà, vịt,... lãi nhiều nhất là nuôi trăn.

Năm 2000, gia đình tôi bỏ túi gần cả trăm triệu đồng từ nuôi trăn, mua được cả chục lượng vàng. Dành dụm được bao nhiêu, tôi đều mua đất. Chưa có kinh nghiệm, kỹ thuật trồng lúa, tôi tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật hoặc đi thực tế các mô hình xung quanh. Bây giờ, nông dân phải cập nhật kiến thức thường xuyên mới giảm được chi phí sản xuất, tăng năng suất, lợi nhuận trên cùng diện tích canh tác”.

Anh Vẹn không nhớ rõ mình trồng bao nhiêu loại cây, chăn nuôi bao nhiêu loại con, chỉ biết cái gì có lợi là anh làm. Với cách suy nghĩ tích cực, lối tư duy mới, anh Vẹn được Hội Nông dân các cấp chọn làm điểm thực hiện các mô hình. Anh Vẹn cho biết: “Hiện gia đình có 18ha đất tham gia Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên cây lúa, trong đó có 3ha lúa trồng theo hướng hữu cơ. Ngoài trồng lúa, tôi còn cải tạo vườn tạp trồng mai vàng, chà là, bưởi, mít,... Trung bình mỗi năm, gia đình tôi có thu nhập hơn 600 triệu đồng”.

Nghĩa tình nơi biên giới

Hành trình khai hoang ở ĐTM lắm gian truân, những nông dân nơi đây đã cùng nhau vượt qua khó khăn, giữ trọn vẹn sự hào sảng, nghĩa tình đặc trưng của người miền Tây. Không chỉ nỗ lực phát triển kinh tế gia đình, họ còn sẵn lòng sẻ chia, tạo điều kiện để bà con láng giềng cùng nhau vươn lên. Câu chuyện của anh Nguyễn Công Bằng (xã Thạnh Trị, thị xã Kiến Tường) là một minh chứng sinh động cho tinh thần “tương thân, tương ái” ấy.

Hơn 2 thập kỷ gắn bó với mảnh đất biên giới Kiến Tường, anh Bằng từng trải qua những mùa lúa “trắng tay”. Nhờ sự nhạy bén, anh đã chuyển đổi 7.000m² đất sang trồng cây tắc. Sau nhiều năm nỗ lực, nhất là những năm tắc “được mùa, trúng giá”, anh mở rộng diện tích trồng lên hơn 2ha, mang về thu nhập ổn định khoảng 200 triệu đồng/năm.

Không chỉ làm giàu cho riêng mình, anh Bằng còn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu đầu ra trái tắc cho hơn 10 hộ nông dân khác trong vùng với tổng diện tích hơn 15ha. “Mình đi trước có chút kinh nghiệm, giúp được bà con cùng nhau làm ăn khấm khá thì còn gì bằng. Cái tình người miền Tây mình nó vậy, thấy ai khó khăn là muốn chung tay giúp liền hà!” - anh Bằng cười tươi nói.

Anh Hà Văn Hùng (xã Thạnh Trị) tiếp lời: “Nhờ anh Bằng chỉ dẫn tận tình từ khâu chọn giống, chăm sóc đến phòng trừ sâu, bệnh, người dân quanh đây mới mạnh dạn chuyển sang trồng tắc. Cái quý nhất là anh ấy bao tiêu sản phẩm, giúp chúng tôi không còn lo lắng về đầu ra, kinh tế gia đình nhờ đó mà ổn định hơn rất nhiều”.

Anh Nguyễn Công Bằng (bìa trái, xã Thạnh Trị, thị xã Kiến Tường) không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn giúp đỡ nhiều nông dân khác

Anh Nguyễn Công Bằng (bìa trái, xã Thạnh Trị, thị xã Kiến Tường) không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn giúp đỡ nhiều nông dân khác

Không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu nông sản, anh Nguyễn Công Bằng còn đảm nhận vai trò là cán bộ ủy nhiệm của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Với vai trò này, anh đã tận tâm kết nối, hỗ trợ gần 600 hộ dân trong địa phương tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất. Đến nay, tổng dư nợ mà anh Bằng hỗ trợ người dân vay lên đến hơn 77 tỉ đồng.

Từ nguồn vốn quý báu này, biết bao gia đình nông dân đã có thêm điều kiện để mua sắm vật tư nông nghiệp, đầu tư vào cây trồng, vật nuôi, mở rộng sản xuất, từng bước nâng cao đời sống. Sự hỗ trợ tận tình của anh Bằng đã góp phần làm thay đổi diện mạo của vùng quê biên giới này, nơi tình làng, nghĩa xóm luôn được trân trọng và phát huy.

Câu chuyện của ông Trãi, anh Vẹn hay anh Bằng chỉ là 3 trong vô vàn những tấm gương sáng về sự sẻ chia và tinh thần đoàn kết của người dân vùng ĐTM. Chính sự hào sảng, nghĩa tình ấy đã trở thành một nét đẹp văn hóa, động lực mạnh mẽ giúp họ vượt qua mọi khó khăn, cùng nhau xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc trên mảnh đất từng được xem là “vùng trũng”. Tinh thần “Lá lành đùm lá rách” cùng ý chí nỗ lực làm kinh tế mới không chỉ giúp những nông dân nơi đây phát triển mà còn góp phần củng cố thêm tình đoàn kết cộng đồng, tạo nên sức mạnh nội tại để vùng đất ĐTM ngày thêm trù phú và kiên cường./.

(còn tiếp)

Lê Ngọc - Huỳnh Phong

Bài cuối: Hướng đến phát triển bền vững

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/vua-vang-noi-ron-phen-cau-chuyen-cua-dong-thap-muoi-ti-phu-nong-dan-bai-3--a195778.html