'Vua xi măng' trắng tay sau 15 phút, đại gia ngành thép mất tích
Kinh tế suy thoái khiến tài sản của những người giàu Trung Quốc giảm mạnh, thậm chí phá sản. Nhiều người phải vào tù, một số bỏ trốn ra nước ngoài.
Đại gia ngành thép bị tòa treo thưởng 73 tỉ đồng
Ngày 15/9/2021, Tòa án Thượng Hải đã công khai thông báo treo thưởng truy tìm người bỏ trốn, số tiền thưởng lên tới 21 triệu NDT (73,5 tỉ đồng).
Người bị truy tìm là Lý Triệu Hội, sinh 1981 cựu chủ tịch Tập đoàn Hải Hâm, Sơn Tây. Ông từng là người giàu nhất tỉnh Sơn Tây và là chồng cũ của nữ diễn viên điện ảnh Xa Hiểu.
Tập đoàn Hải Hâm từng là doanh nghiệp tư nhân lớn nhất tỉnh Sơn Tây và là doanh nghiệp thép lớn thứ hai ở tỉnh này. Năm 2008, Lý Triệu Hội trở thành người giàu nhất Sơn Tây với tài sản ròng 12,5 tỉ NDT (1,75 tỉ USD). Cùng năm ông được tiến cử làm Ủy viên Hội nghị Chính trị Hiệp thương toàn quốc khóa 11, đại diện cho giới doanh nghiệp.
Năm 2012, ông đứng thứ 3 trong danh sách người giàu trẻ Trung Quốc với khối tài sản 12 tỉ NDT.
Bước ngoặt lớn nhất diễn ra sau đó chính là vụ phá sản của Tập đoàn Gang thép Hải Hâm năm 2014 khiến cả Trung Quốc chấn động.
Theo báo chí Trung Quốc, do các yếu tố như ngành thép dư thừa công suất, suy thoái thị trường, các tổ chức tài chính rút vốn cho vay và quản lý nội bộ yếu kém, cuối năm 2013 Tập đoàn Hải Hâm bắt đầu gặp khó khăn về tài chính và buộc phải tạm dừng sản xuất hoàn toàn vào tháng 3/2014.
Tại thời điểm đó, tỷ lệ nợ của Tập đoàn Hải Hâm đã vượt quá 100%. Năm 2014, tập đoàn tiến hành thủ tục phá sản, trở thành vụ phá sản doanh nghiệp tư nhân lớn nhất ở Trung Quốc vào thời điểm đó.
Tỉ phú sắt thép Lý Triệu Hội tổ chức lễ cưới xa xỉ với ngôi sao màn bạc Xa Hiểu
(Ảnh: Sohu).
Lý Triệu Hội, người từng có tài sản ròng hàng chục tỉ NDT, không có tài sản đứng tên để chấp hành. Để trốn nợ, ông và em gái là Lý Triệu Hà đã biến mất, đến nay vẫn không rõ tung tích.
“Vua xi măng” gần như trắng tay chỉ sau 15 phút
Chiều 9/4/2024, thị trường chứng khoán Hong Kong xảy ra sự kiện chấn động: khi sắp kết thúc phiên giao dịch, cổ phiếu của Xi măng Thiên Thụy Trung Quốc của tỉ phú Lý Lưu Phát bất ngờ sụp đổ.
Chỉ trong 15 phút, giá mỗi cổ phiếu từ 4,92 HKD giảm xuống còn 0,048 HKD - mức giảm kỷ lục 99% trong một ngày. Giá trị vốn hóa thị trường của công ty "bốc hơi" 14,5 tỉ HKD (1 tỉ 885 triệu USD), chỉ còn 141 triệu HKD (18,33 triệu USD).
Là một trong những doanh nghiệp xi măng tư nhân hàng đầu Trung Quốc, Xi măng Thiên Thụy từng có sản lượng hàng năm lên tới 57 triệu tấn. Để so sánh, tổng sản lượng xi măng của Mỹ năm 2022 là 95 triệu tấn.
Ông chủ Lý Lưu Phát đã hai lần được tạp chí "New Fortune" xếp hạng là người giàu nhất Hà Nam năm 2011 và 2012. Năm 2018, ông trúng cử đại biểu Quốc hội ( Đại hội ĐBNDTQ) Trung Quốc khóa 13.
Xi măng Thiên Thụy đứng thứ 16 trong số 50 công ty xi măng lớn nhất thế giới, và là một trong 12 công ty xi măng trọng điểm quốc gia được hỗ trợ.
Theo báo cáo tài chính, Lý Lưu Phát nắm giữ 69,58% cổ phần của Xi măng Thiên Thụy, tổng cộng 2,044 tỉ cổ phiếu. Trước khi giá cổ phiếu sụt giảm, chỉ riêng Xi măng Thiên Thụy đã đóng góp gần 10 tỉ NDT (1,4 tỉ USD) vào tài sản của ông.
Vua xi măng Lý Lưu Phát từng được tôn vinh, ca ngợi (Ảnh: Sohu).
Thành công của Lý Lưu Phát phần lớn nhờ vào cổ tức từ ngành xi măng. Trong doanh thu 50 tỉ NDT của Tập đoàn Thiên Thụy, mảng kinh doanh xi măng chiếm tới gần 1/4. Sự giàu có của vợ chồng Lý Lưu Phát phần lớn đến từ công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Hong Kong.
Tuy nhiên, xi măng là một ngành có tính chu kỳ mạnh và khoảng cách giữa đỉnh và đáy đôi khi thay đổi chớp nhoáng. Sau năm 2018, khi ngành bất động sản sa sút, ngành xi măng vốn có mối quan hệ mật thiết với ngành này chịu ảnh hưởng nặng nề.
Bị ảnh hưởng bởi xu hướng đi xuống chung của ngành xi măng Trung Quốc, kết quả hoạt động của Xi măng Thiên Thụy trong năm 2023 rất kém. Dữ liệu cho thấy năm 2023, tổng doanh thu của công ty là 7,8 tỉ NDT giảm gần 30% so với năm trước và lợi nhuận ròng bị lỗ 634 triệu NDT, giảm 241% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 17 năm, 35 tỉ phú bị bỏ tù
Tháng 12/2015, Viện nghiên cứu Hurun công bố “Báo cáo đặc biệt về những người giàu nhất Trung Quốc”.
Báo cáo cho thấy trong 17 năm kể từ khi “Danh sách người giàu Trung Quốc Hurun” được công bố, có tổng cộng 35 “tỉ phú có vấn đề”, trong đó 18 người đang ngồi tù, 5 người đang chờ tuyên án và 1 người đã bị thi hành án tử hình.
Tỉ phú Hoàng Quang Dụ ngồi tù từ 2008 đến tháng 2/2021 (Ảnh: Sohu)
Viện nghiên cứu Hurun phát hiện, trong số 18 tỉ phú Trung Quốc vướng vòng lao lý, người giàu nhất là Hoàng Quang Dụ, nhà sáng lập Gome Electric Appliances (Điện khí Quốc Mỹ).
Năm 2015, ông ta vẫn đứng thứ 87 trong danh sách với tài sản ròng 22 tỉ NDT (3,08 tỉ USD). Hoàng Quang Dụ bị bắt năm 2008. Năm 2010, ông bị kết án 14 năm tù, phạt 600 triệu NDT và tịch thu tài sản 200 triệu NDT.
Năm 2016, Viện nghiên cứu Hurun lại công bố danh sách cho thấy có 12 người giàu có gặp rắc rối trong năm 2016. Ngoài Hoàng Quang Dụ đang ở trong tù, 2 người khác đã bị tòa xét xử nhưng chưa bị kết án, 7 người đang bị điều tra, 1 người đang bị giám sát quản thúc tại nơi cư trú và 1 người đang mất tích hoặc đã di cư ra nước ngoài.
Trong danh sách năm 2017, Hứa Gia Ấn, sinh 1958, người sáng lập, Chủ tịch kiêm Bí thư đảng ủy Tập đoàn bất động sản Evergrande (Hằng Đại), đã trở thành người giàu nhất Trung Quốc với tài sản 290 tỉ NDT.
Evergrande từng là công ty bất động sản duy nhất ở Trung Quốc lọt vào danh sách Fortune 500 chỉ sau 20 năm thành lập.
Hứa Gia Ấn, Chủ tịch Tập đoàn bất động sản Evergrande đang bị giam giữ để điều tra
(Ảnh: Sohu).
Vào tháng 6/2021, Tập đoàn Evergrande gặp sóng gió khiến tình hình kinh doanh của tập đoàn liên tục xấu đi. Năm đó, Evergrande nợ các nhà cung cấp, chủ nợ và nhà đầu tư tổng cộng 1,96 nghìn tỉ NDT.
Tháng 9/2023, Hứa Gia Ấn đã bị cảnh sát bắt điều tra cùng nhiều nhân vật cốt cán của tập đoàn - trong đó có con trai ông là Hứa Đằng Hạc, người chủ trì quản lý của cải của tập đoàn và CFO Phan Đại Vinh, cựu Chủ tịch tập đoàn Tặng Lập Đào.
Ngày 18/3/2024, Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc đã ban hành lệnh xử phạt hành chính và thông báo trước về lệnh cấm thị trường đối với Bất động sản Evergrande.
Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc cũng quyết định cảnh cáo Hứa Gia Ấn, phạt 47 triệu NDT và áp dụng lệnh cấm tham gia thị trường chứng khoán suốt đời đối với ông. Cùng ngày, Tòa án nhân dân trung cấp thành phố Hàm Ninh, tỉnh Hồ Bắc đã ban hành lệnh hạn chế tiêu dùng đối với Hứa Gia Ấn.