'Vui sao nước mắt lại trào'

Vậy là buổi lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã khép lại trong niềm hân hoan trọn vẹn, như một khúc khải hoàn ca ngân vang trong trái tim mỗi người con đất Việt. Dư âm của nó vẫn còn lan tỏa, lay động từng tầng cảm xúc.

Khi những đoàn quân trang nghiêm, hùng dũng, những khối quần chúng rạng rỡ rời lễ đài, hòa vào dòng người chào đón nồng nhiệt trên khắp các ngả đường, một niềm xúc cảm vỡ òa trong lồng ngực nhiều người.

Đó không chỉ là niềm vui kỷ niệm ngày chiến thắng, mà còn là sự xúc động nghẹn ngào khi chứng kiến sức mạnh đoàn kết của dân tộc, là lòng biết ơn trào dâng đối với những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do. Triệu trái tim như cùng ngân lên một nhịp đập thiêng liêng, nhịp đập của Tổ quốc, của non sông thống nhất.

 Các chiến sĩ khối Lực lượng Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tươi cười trước sự chào đón của người dân. Ảnh: CẨM TUYẾT

Các chiến sĩ khối Lực lượng Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tươi cười trước sự chào đón của người dân. Ảnh: CẨM TUYẾT

1.

Từ 18 giờ đêm 29-4, những con đường dẫn về khu vực diễn ra lễ diễu binh đã chật kín người. Dòng người đủ mọi lứa tuổi, từ khắp mọi miền đất nước và cả những người con của thành phố mang trong tim một niềm háo hức chung. Họ đến, không quen biết nhưng rồi lại trở thành những người bạn đồng hành trong một “khối yêu nước”.

Tiếng hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng...”, “Tiến về Sài Gòn...” cứ thế vang lên, lan tỏa niềm tự hào và khí thế hào hùng. Trên những gương mặt rạng rỡ, hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng như một biểu tượng kết nối triệu trái tim. Trong dòng người ấy, có những mái đầu bạc phơ của các cựu chiến binh, những người đã dành cả tuổi thanh xuân cho độc lập, tự do của Tổ quốc.

Dù tuổi cao, sức yếu, họ vẫn lặn lội từ các tỉnh xa xôi, mang theo ba lô và cả những ký ức không thể nào quên, chỉ để được tận mắt chứng kiến khoảnh khắc lịch sử này.

Ở phố đi bộ Nguyễn Huệ, những bạn trẻ lại thể hiện tình yêu nước theo cách riêng của mình, sôi nổi, nhiệt huyết, cùng nhau hô vang “Tôi yêu nước!” trên nền nhạc rap mạnh mẽ. Khí thế ấy lan tỏa, sục sôi đến tận bình minh. Giữa biển người mênh mông, những cử chỉ đẹp vẫn âm thầm diễn ra: bạn trẻ nhường chỗ cho người lớn tuổi, người dân chia sẻ nhau chút nước, miếng bánh…

Lực lượng chức năng, những người đã thức trắng bao đêm, căng mình trong suốt hơn một tháng chuẩn bị, vẫn giữ trên môi nụ cười thân thiện, ân cần hướng dẫn người dân. Câu chuyện về người cựu chiến binh hơn 80 tuổi từ Phú Yên, vượt hàng trăm cây số trên chiếc xe máy cũ kỹ để đến với buổi lễ, đã chạm đến trái tim của rất nhiều người.

Lãnh đạo TPHCM đã trân trọng gửi thư mời ông trở thành đại biểu tham dự chính thức. Hình ảnh những người lính trẻ, những chiến sĩ công an nghiêm trang chào trước những mái đầu bạc ấy là một lời tri ân sâu sắc, một sự tiếp nối truyền thống đầy xúc động. Những em bé tiểu học, trung học đạp xe hàng chục kilomét từ tỉnh lân cận về xem diễu hành cũng khiến chúng ta không khỏi ngạc nhiên và cảm phục.

Tất cả những điều đó là vì cái gì? Câu trả lời chỉ có thể là vì lòng yêu nước, vì lòng tự hào dân tộc, vì nhân dân và vì đây là kỷ niệm đánh dấu nửa thế kỷ độc lập, tự do của dân tộc, một mốc son quan trọng để bước tiếp chặng đường phía trước.

2.

Trong ánh bình minh rực rỡ, trên nền trời xanh biếc của TPHCM vào sáng 30-4, buổi duyệt binh diễn ra trang nghiêm và hùng tráng. Tiếng đại bác vang vọng từ Bến Bạch Đằng như một lời nhắc nhở về những năm tháng hào hùng. Những cánh trực thăng, những chiếc máy bay tiêm kích lướt qua bầu trời mang theo niềm kiêu hãnh và tự hào của một dân tộc đã đứng lên giành lại độc lập.

Dưới mặt đất, đoàn diễu binh tiến bước với những bước chân kiên cường, dứt khoát, gợi nhớ về khí thế “năm cánh quân tiến về Sài Gòn” năm xưa, “Rầm rập bước chân ta đi rung chuyển đường phố Sài Gòn, khi con chim én báo mùa xuân về, tin vui chiến thắng bay từ quê nhà, Sài Gòn ơi ta đã về đây, ta đã về đây…” (Sài Gòn quật khởi, Hồ Bắc).

Những người chiến sĩ trong chiến tranh bom đạn đã không tiếc gì máu xương để bảo vệ Tổ quốc, nay lại tiếp tục là những người lính canh giữ biên cương, biển đảo, là lực lượng nòng cốt xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Lời thề “Trung với Đảng, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng…” vẫn vang vọng trong trái tim mỗi người chiến sĩ.

Tinh thần “tất cả vì nhân dân” đã thấm nhuần trong từng hành động, từ những buổi tập luyện dưới cái nắng gay gắt đến những nụ cười thân thiện, lời chào kính trọng dành cho người dân. Họ là hiện thân của sự tiếp nối truyền thống, là cầu nối giữa quá khứ hào hùng và tương lai tươi sáng của dân tộc.

Hình ảnh các khối nhân dân diễu hành là minh chứng sinh động cho sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đó không chỉ là sự tập hợp của những gương mặt tiêu biểu, mà còn là sự hội tụ của ý chí, khát vọng và tinh thần cống hiến của hàng triệu người con đất Việt.

Từ những bậc cao niên uy tín trong tôn giáo như Thượng tọa Thích Thanh Phong, Linh mục Trần Quang Vinh, đến nhà khoa học, bác sĩ tận tâm như PGS-TS-BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, những nghệ sĩ tài năng như NSND Kim Xuân, NSND Mỹ Uyên, và cả những gương mặt trẻ đầy triển vọng. Họ đại diện cho những lĩnh vực khác nhau, nhưng đều chung một lòng yêu nước, một khát vọng xây dựng một TPHCM văn minh, hiện đại, nghĩa tình; một Việt Nam vươn mình, phát triển thịnh vượng.

Hình ảnh những nghệ sĩ hóa thân thành các nhân vật lịch sử như Nguyễn Trãi, Lý Thường Kiệt, vua Quang Trung... không chỉ tái hiện quá khứ hào hùng mà còn khơi dậy niềm tự hào về truyền thống văn hóa của dân tộc. Sự tham gia nhiệt tình của các nghệ sĩ, vận động viên nổi tiếng như ca sĩ Phương Thanh, võ sĩ Nguyễn Duy Nhất... càng làm tăng thêm niềm hứng khởi và tự hào cho người dân. Tất cả họ, bằng tài năng và sự cống hiến của mình, đã góp phần làm nên những trang sử vẻ vang của đất nước trong suốt 50 năm qua.

3.

Trong chiến tranh, Việt Nam chiến thắng đối phương là nhờ chiến lược chiến tranh nhân dân; trong thời bình, quân dân tiếp tục chung một lòng xây dựng đất nước, người dân luôn dành tình cảm đặc biệt cho các lực lượng vũ trang nhân dân. Chứng kiến sự đoàn kết, sức mạnh và niềm tự hào của dân tộc trong buổi lễ kỷ niệm, người dân càng thêm thấm thía câu hát của nhạc sĩ Xuân Hồng: “Vui sao nước mắt lại trào”.

Giờ đây, những giọt nước mắt ấy không chỉ đơn thuần là biểu hiện của niềm vui chiến thắng, mà còn là sự hòa quyện của bao cảm xúc thiêng liêng. Đó là giọt nước mắt của lòng tri ân sâu sắc đối với những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Đó là giọt nước mắt của niềm tự hào khi chứng kiến một Việt Nam ngày càng vững mạnh và phát triển.

Đó còn là giọt nước mắt của sự xúc động khi cảm nhận được tình quân dân cá nước, một truyền thống quý báu của dân tộc ta. Và sâu xa hơn, đó là giọt nước mắt của niềm hy vọng, của sự trao truyền ngọn lửa yêu nước và ý chí kiên cường cho các thế hệ mai sau.

Buổi lễ đã khép lại, nhưng những hình ảnh và cảm xúc sâu lắng ấy sẽ còn mãi trong trái tim mỗi người dân Việt Nam, trở thành động lực để chúng ta cùng nhau xây dựng một tương lai tươi sáng hơn cho đất nước.

NGỌC DIỄM

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/vui-sao-nuoc-mat-lai-trao-post793591.html