Vun đắp môi trường báo chí văn hóa

Sau 2 năm triển khai, phong trào 'Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí và văn hóa người làm báo Việt Nam' đã tạo sự lan tỏa rộng khắp trong các cơ quan báo chí, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm trong sứ mệnh người cầm bút.

"Bệ đỡ" quan trọng

Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí và văn hóa người làm báo Việt Nam được Ban Tuyên giáo T.Ư, Bộ TT&TT, Hội Nhà báo Việt Nam phát động vào dịp kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/2022).

Đồng thời, Bộ tiêu chí thực hiện “Cơ quan báo chí văn hóa và văn hóa của người làm báo Việt Nam” với 6 điểm dành cho cơ quan báo chí và 6 điểm dành cho người làm báo cũng được triển khai. Đây là một phong trào lớn của giới báo chí, thời gian triển khai mới được 2 năm, nhưng đã tạo nên những kết quả rõ nét.

Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Báo Kinh tế & Đô thị nhân kỷ niệm 25 năm ngày xuất bản số báo đầu tiên, ngày 29/12/2023 Ảnh: Thanh Hải

Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Báo Kinh tế & Đô thị nhân kỷ niệm 25 năm ngày xuất bản số báo đầu tiên, ngày 29/12/2023 Ảnh: Thanh Hải

Luật Báo chí, các quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam... đều coi trọng việc nâng cao văn hóa, đạo đức nghề nghiệp người làm báo, coi đây là một trong những vấn đề sống còn trong hoạt động báo chí.

Tuy nhiên, thực tế dường như vẫn chưa đủ. Để chấn chỉnh đạo đức nhà báo, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại, việc gìn giữ, phát huy văn hóa báo chí tiếp tục được lan tỏa, nhân rộng mạnh mẽ.

Sau khi phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí” được phát động, các cơ quan báo chí đã tiếp tục cụ thể hóa thành các giải pháp gắn với thực hiện nghiêm túc 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo.

Việt Nam để phong trào này ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả thực chất, giúp mỗi cơ quan báo chí, mỗi người làm báo nâng cao ý thức, trách nhiệm trong sứ mệnh người cầm bút. Từ đó tạo nên nhiều sản phẩm báo chí có chất lượng, giàu giá trị văn hóa tốt đẹp, góp phần khơi dậy, định hướng những dòng chảy văn hóa tích cực trong đời sống xã hội.

Có thể nói sau hai năm triển khai, phong trào đã thực sự đi vào đời sống, hoạt động tác nghiệp của những người làm báo. Như tại Hà Nội, 9 Liên Chi hội, Chi hội nhà báo cơ quan báo chí đều đã tổ chức ký cam kết và triển khai tới cán bộ, phóng viên, hội viên, trong đó tuân thủ 12 tiêu chí của phong trào đề ra.

Thông qua phong trào, xây dựng cơ quan báo chí văn hóa và người làm báo Thủ đô văn hóa đã tạo được nền nếp, tiếp nối truyền thống văn hóa của báo chí Hà Nội. Đồng thời, mỗi nhà báo cũng nâng cao được ý thức, tu dưỡng, phát huy giá trị cao đẹp của nghề báo, tiếp tục rèn luyện với phương châm giữ bút sắc, lòng trong, công tâm, khách quan trong đưa tin, viết bài; đề cao trách nhiệm xã hội, đạo đức, văn hóa của người làm báo.

Như nhiều ý kiến đã nhận định, khi phong trào đã thực sự đi vào đời sống, hoạt động tác nghiệp của những người làm báo, hiện tượng những người làm báo có hành vi thiếu văn hóa trong hoạt động tác nghiệp đã được khắc phục, hạn chế.

Đặc biệt, hàm lượng văn hóa trong các tác phẩm báo chí đã được nâng lên rõ rệt. Đồng thời, các cơ quan báo chí cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước số hóa các khâu, quy trình xuất bản, thực hiện tốt quy trình tác nghiệp, bảo đảm các chuẩn mực cao nhất về tính chính xác, sự tin cậy và tính nhân văn trong từng tác phẩm.

Đặc biệt, đề cao, phát huy vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ chủ chốt, chính đội ngũ này là tấm gương sáng truyền nhiệt huyết tới các nhà báo trẻ để chung tay góp sức xây dựng môi trường văn hóa báo chí.

Trở thành nếp sinh hoạt thường xuyên

Khi nhà báo tác nghiệp với những hành vi không chuẩn mực, gắn với việc theo đuổi những lợi ích cá nhân, vụ lợi là hành vi phản văn hóa, để lại hình ảnh xấu.

Cách làm nghề như vậy không chỉ làm tổn hại danh dự của người làm báo chân chính mà còn làm suy giảm uy tín và vai trò của báo chí. Bởi thế, theo đánh giá của các chuyên gia và những người làm báo, xây dựng cơ quan báo chí văn hóa, người làm báo có văn hóa là một phong trào dài hơi, không chỉ phát động trong thời gian ngắn, mà phải trở thành một nếp sinh hoạt thường xuyên, lâu dài đối với các cơ quan báo chí.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi khẳng định, để báo chí Việt Nam thực sự “hiện đại, chuyên nghiệp, nhân văn”, việc xây dựng môi trường văn hóa báo chí và người làm báo văn hóa phải trở thành vấn đề sống còn, yêu cầu không thể thiếu và hết sức cấp thiết đối với hết thảy các cơ quan báo chí Việt Nam.

Đời sống báo chí càng biến động, môi trường văn hóa báo chí càng phải được thiết lập, càng phải là bệ đỡ vững vàng để báo chí Việt Nam phát triển lành mạnh, đúng định hướng, chuyên nghiệp, hiện đại nhưng phải thực sự nhân văn. Chính vì thế, từ cá nhân cho đến tập thể, nếu đồng lòng thực hiện tốt phong trào sẽ góp phần cho tạo nên một môi trường làm việc lành mạnh, đóng góp tích cực cho sự nghiệp báo chí.

Khi làm rõ giá trị cốt lõi văn hóa báo chí và vì sao cần phải đẩy mạnh phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí”, PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng - Trưởng ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam cũng cho rằng, văn hóa trong báo chí không phải là điều gì đó cao siêu, trừu tượng.

Báo chí nhân văn là báo chí thực hiện đúng chức trách, tôn chỉ mục đích, hoạt động theo pháp luật, có tính toán đến tác động của thông tin với độc giả và với chính nhân vật. Chỉ khi mỗi cơ quan báo chí, mỗi người làm báo có văn hóa sẽ ý thức được trách nhiệm xây dựng kế hoạch hoạt động, tác nghiệp vì mục đích tận hiến với nghề nghiệp; cho ra đời những sản phẩm báo chí chất lượng, tích cực, lan tỏa giá trị nhân văn, văn hóa.

Tác phẩm báo chí nhiều khi không phải là của một cá nhân nhà báo, mà còn nhân danh một tổ chức, thậm chí là nhân danh công luận. Do đó, triển khai tốt việc “Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí” cũng không ngoài mục đích góp phần nhân lên những giá trị tiến bộ, nhân văn trong hoạt động báo chí. Qua đó động viên, khích lệ mỗi tòa soạn báo phấn đấu trở thành những điểm sáng về văn hóa, đồng thời góp phần tăng cường, nâng cao “sức đề kháng” của cơ quan báo chí chống lại những ảnh hưởng tiêu cực từ bên ngoài xã hội.

Những giá trị cốt lõi nhất của đạo đức nghề nghiệp luôn gắn liền với văn hóa báo chí. Do đó từ những hiệu quả của phong trào và sự nghiêm túc trong thực hiện 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam và Bản quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo luôn là vấn đề được đặt lên hàng đầu. Đây là các chuẩn mực rất cụ thể và thiết thực nhằm xác định trách nhiệm, đạo đức người làm báo trong hoạt động nghề nghiệp.

Với sứ mệnh vẻ vang của người chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, mỗi người làm báo cần xác định rõ trách nhiệm trong việc thắp lên ngọn lửa tri thức, lòng nhân ái trong toàn xã hội. Mỗi bài báo phải là một tác phẩm văn hóa, thấm đẫm tính nhân văn, lắng đọng giá trị văn hóa dân tộc, đủ sức lay động lòng người, hướng tới các giá trị cao đẹp của chân - thiện - mỹ. Mỗi cơ quan báo chí phải là một tấm gương đi đầu trong việc xây dựng văn hóa công sở, văn hóa cơ quan.
Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa

Hà Bình

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/vun-dap-moi-truong-bao-chi-van-hoa.html