Vun đắp tình yêu quê hương
Những năm học gần đây, các trường phổ thông trên địa bàn thành phố Việt Trì đã triển khai nhiều giải pháp tích cực để đưa nội dung Giáo dục địa phương (GDĐP) đến với học sinh... với những kiến thức cơ bản về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế, chính trị, xã hội, môi trường của mỗi địa phương... Từ đó, bồi dưỡng, vun đắp cho học sinh tình yêu quê hương, ý thức tìm hiểu và vận dụng những điều đã học để góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị lịch sử, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
![Học sinh khối lớp 7 Trường THCS Nông Trang trải nghiệm thực tế, biểu diễn Hát Xoan tại đình Nông Trang.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_08_444_51424806/f3e512f52bbbc2e59baa.jpg)
Học sinh khối lớp 7 Trường THCS Nông Trang trải nghiệm thực tế, biểu diễn Hát Xoan tại đình Nông Trang.
“Trèo, trèo lên mới hờ là cây bưởi, cây bưởi ối a là hái hoa/ Mình à thời là thời có hái hết, để a là ta, là ta có bẻ cành/ Cành là cành xanh ấy chứ cũng có quýt làm là làm cam chịu/ Chót, chót đàn mấy hờ là ran ríu cô bay líu mái tóc...". Đó là những lời hát của bài “Trèo lên cây bưởi hái hoa” do học sinh lớp 5G, Trường Tiểu học Thọ Sơn vang lên mượt mà trong giờ học Âm nhạc làm chúng tôi như được trở về miền quê xa xưa thanh bình. Được biết, đây là nội dung được tích hợp thực hiện chương trình GDĐP trong giờ học Âm nhạc.
Cô giáo Hoàng Thị Thu Hường - Chủ nhiệm lớp 5G cho biết: Với bộ tài liệu GDĐP được ngành Giáo dục thiết kế một cách khoa học, nội dung gắn liền với thực tiễn địa phương trong tỉnh, vì vậy, trong quá trình giảng dạy, giáo viên sẽ là người xây dựng kế hoạch nội dung bài giảng, mỗi chủ đề, giáo viên sẽ tích hợp vào hoạt động cụ thể trong bài dạy để giúp học sinh nắm bắt các vấn đề về văn hóa, lịch sử truyền thống, dân cư, cảnh quan, môi trường tự nhiên. Ví dụ như “Di sản Hát Xoan Phú Thọ” được tích hợp trong giảng dạy của môn Âm nhạc, trong tiết hoạt động trải nghiệm để dạy cho học sinh tìm hiểu về Di sản Hát Xoan và tập cho các em hát, biểu diễn được một số bài Xoan. Nhà trường tổ chức cho học sinh lên miếu Lãi Lèn (xã Kim Đức) để gặp mặt và giao lưu với các nghệ nhân Hát Xoan... Qua những hoạt động cụ thể này, nội dung GDĐP trở nên gần gũi, giúp học sinh hình thành tình yêu quê hương, từng bước phát triển phẩm chất và năng lực bản thân theo đúng định hướng mục tiêu Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Đã thành công việc thường niên, trong mỗi năm học, Trường THCS Nông Trang tổ chức cho từng khối lớp trải nghiệm tại đình Nông Trang. Tại đây, học sinh cùng nhau tham gia tìm hiểu về lịch sử, nguồn gốc đình Nông Trang, về những chiến thắng hào hùng mà Nhân dân Đại Cồ Việt giành được dưới sự lãnh đạo của Vua Đinh Tiên Hoàng. Sau nội dung học tập về truyền thống lịch sử, học sinh còn được tham gia thực hành Hát Xoan ngay trên sân đình linh thiêng... Buổi học thực tế đã mang lại nhiều điều bổ ích, lý thú, giúp học sinh có thêm kiến thức về lịch sử dân tộc, phát triển cho các em năng lực học tập và vun đắp niềm tự hào, tình yêu quê hương, đất nước.
Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Lan - Hiệu trưởng Trường THCS Nông Trang cho biết: “GDĐP có giáo trình riêng, Nhà trường xếp thời khóa biểu cụ thể, phân công giáo viên dạy các chủ đề, chủ điểm sao cho phù hợp, hiệu quả. Đặc biệt, thông qua hình thức dạy học trên lớp, qua thực tế tại điểm di tích..., Nhà trường đưa nội dung GDĐP một cách linh hoạt, trong đó đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy nhằm khai thác thêm các tư liệu trên mạng Internet để minh chứng, tạo sự hấp dẫn cho nội dung bài học”.
![Học sinh Trường Tiểu học Thọ Sơn trải nghiệm gói bánh chưng tại chương trình quyên góp, ủng hộ “Xuân gắn kết, Tết yêu thương” năm 2025.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_08_444_51424806/850d7c1d4553ac0df542.jpg)
Học sinh Trường Tiểu học Thọ Sơn trải nghiệm gói bánh chưng tại chương trình quyên góp, ủng hộ “Xuân gắn kết, Tết yêu thương” năm 2025.
Theo quy định, ở cấp tiểu học, nội dung GDĐP được tích hợp chủ yếu với hoạt động trải nghiệm, các môn học và các hoạt động giáo dục khác. Ở cấp THCS và THPT, nội dung GDĐP có vị trí tương đương các môn học khác, được thiết kế dưới hình thức lĩnh vực và chủ đề của lĩnh vực với tổng thời lượng 35 tiết/lớp/năm học.
Đồng chí Nguyễn Thu Trà - Phó Trưởng Phòng GD&ĐT Việt Trì cho biết: Nội dung GDĐP trong Chương tình GDPT 2018 được Phòng GD&ĐT đặc biệt quan tâm khi đưa vào thực tế giảng dạy, 100% giáo viên được tham gia tập huấn về cách lựa chọn nội dung, tổ chức giảng dạy linh hoạt trên tinh thần đổi mới, sáng tạo. Trong quá trình triển khai, các thầy cô chủ động tích hợp với các môn học khác về các vấn đề cơ bản của tự nhiên, địa lý, lịch sử, văn hóa, nghệ thuật; gắn lý thuyết với thực hành, gắn nội dung giáo dục với thực tiễn, bảo đảm mức độ yêu cầu chung của giáo dục phổ thông. Nhờ đó, học sinh được tìm hiểu và trải nghiệm thực tiễn, giúp xâu chuỗi thông tin, để có thêm nhiều kiến thức bổ ích, khơi dậy hứng thú học tập và vận dụng vào thực tiễn cuộc sống. Từ đó, giúp các em có những việc làm hữu ích với bản thân, gia đình và với cộng đồng, xã hội.
Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/vun-dap-tinh-yeu-que-huong-227565.htm