Vùng biên nghèo khởi sắc dưới ánh sáng lãnh đạo của Đảng (Bài 3)
Đứng trước muôn vàn khó khăn, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An xác định xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh và tập trung mọi nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng làm nhiệm vụ hàng đầu. Theo đó, nhiều giải pháp, chương trình mang tính đột phá được triển khai. Dưới ánh sáng lãnh đạo của Đảng, vùng biên nghèo dần khởi sắc, đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân được nâng cao.
Bài 3: Tạo đột phá phát triển kinh tế
Ban Thường vụ Huyện ủy Đức Huệ xác định đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông là giải pháp đột phá để phát triển KT-XH. Từ đó, không chỉ làm thay đổi bộ mặt vùng biên mà còn tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện các chương trình đột phá của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra.
Triển vọng thu hút đầu tư
Xác định giao thông phải đi trước một bước để mở đường cho phát triển, huyện tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng nhiều tuyến đường. Nếu như năm 2005, toàn huyện chỉ có 3km đường nhựa (Đường tỉnh (ĐT) 838) thì hiện nay, nhiều trục đường chính được nhựa hóa. Trong đó phải kể đến ĐT839 từ thị trấn Đông Thành về xã Bình Hòa Hưng, ĐT838 từ thị trấn về Cửa khẩu Mỹ Quý Tây (xã Mỹ Quý Tây). Đây là những tuyến đường được xem như trục xương sống kết nối thông thương giữa thị trấn với các xã trong huyện.
Bí thư Huyện ủy Đức Huệ - Trần Thanh Phong nhận định: “Những tuyến đường được nâng cấp, đầu tư mới là động lực quan trọng để phát triển KT-XH, bởi “đường đến đâu thì xóa đói, giảm nghèo đến đó”. Các tuyến đường được đầu tư xây dựng không chỉ rút ngắn khoảng cách về trung tâm tỉnh và các xã trong huyện mà còn có ý nghĩa đặc biệt về an ninh - quốc phòng trên tuyến biên giới và mở ra triển vọng trong thu hút đầu tư”.
Bên cạnh đó, huyện tăng cường huy động nhiều nguồn lực đầu tư hệ thống giao thông nông thôn. Đặc biệt, huyện được nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vận động xây dựng nhiều cầu, đường giao thông nông thôn. Qua đó, góp phần giúp các xã tháo gỡ khó khăn trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, phục vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC).
Tiếp tục mở đường cho nông thôn phát triển, huyện chuẩn bị nhựa hóa tuyến đường 4, 5, 6, xã Mỹ Quý Tây, giai đoạn 2021-2025, dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng năm 2024, dự toán kinh phí thực hiện trên 70 tỉ đồng. Đây là công trình trọng điểm của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025.
Với quan điểm “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, Ban Thường vụ Huyện ủy tổ chức họp lấy ý kiến thống nhất trong đảng viên và chỉ đạo Đảng ủy xã phối hợp các ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và người dân. Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp 4, xã Mỹ Quý Tây - Võ Thành Sơn chia sẻ: “Để tạo sự đồng thuận, hưởng ứng cao trong các tầng lớp nhân dân, tôi gương mẫu đi đầu thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước. Ngoài ra, tôi còn tích cực phối hợp ban vận động ấp đến từng hộ dân để vận động hiến đất, hoa màu và vật kiến trúc trên đất để góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện công trình trọng điểm của huyện”.
Nhằm tháo gỡ “nút thắt” giao thông phục vụ phát triển công nghiệp, huyện tiếp tục tham mưu tỉnh nâng cấp, mở rộng các trục đường có tải trọng lớn và mang tính kết nối giữa huyện với các địa phương lân cận như cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Đông kết nối đường Thủ Thừa - Bình Thành - Hòa Khánh với ĐT823, ĐT822B kết nối đường Hồ Chí Minh với ĐT838,...
Nông nghiệp khởi sắc
ƯDCNC vào sản xuất được xem là hướng đi đúng, bền vững trong nền nông nghiệp hiện đại. Vì vậy, bên cạnh tập trung xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông thì phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đối với cây chanh và con bò giai đoạn 2021-2025 được huyện xác định là giải pháp phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân. Đây cũng là chương trình đột phá của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025.
Theo ông Trần Thanh Phong, thời gian qua, Ban Thường vụ Huyện ủy tăng cường lãnh, chỉ đạo phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp ƯDCNC một cách toàn diện nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng, có sức cạnh tranh cao, thân thiện với môi trường, đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn. Đây là giải pháp thiết thực góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Ban Thường vụ Huyện ủy tổ chức nhiều cuộc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với người dân các xã trong vùng quy hoạch phát triển sản xuất chuyên canh cây chanh, chăn nuôi bò ƯDCNC để lắng nghe, tiếp thu ý kiến, đề xuất của người dân và kịp thời đề ra giải pháp tháo gỡ khó khăn”.
Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, từ đó thay đổi tập quán sản xuất, canh tác, người dân đồng tình với chủ trương của Nhà nước. Ông Nguyễn Văn Chu (ấp 3, xã Bình Hòa Nam) chia sẻ: “Thực tế cho thấy, các hộ dân tham gia mô hình trồng chanh trong vùng chuyên canh được nhiều lợi ích như tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, áp dụng khoa học - kỹ thuật nhằm tăng năng suất, chất lượng, giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Vì vậy, gia đình tôi tham gia vào mô hình”.
Có thể khẳng định, song song với củng cố hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ thì đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp được Đức Huệ xem là những giải pháp đột phá chiến lược trước mắt và lâu dài trong thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH. Qua đó, giúp bộ mặt vùng biên dần khởi sắc, đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân được nâng cao./.
Theo kế hoạch, đến năm 2025, huyện phát triển đàn bò trên địa bàn đạt 9.000 con, trong đó ít nhất 50% tổng đàn được ƯDCNC trong chuỗi chăn nuôi, địa bàn thực hiện trên 10 xã. Sản lượng chanh bình quân toàn huyện đạt 40.000 tấn/năm. Xây dựng vùng sản xuất cây chanh ƯDCNC 620ha tại các xã: Bình Hòa Nam, Bình Hòa Bắc, Bình Thành, Mỹ Bình và Bình Hòa Hưng.
Theo đó, mỗi xã có ít nhất 1 hợp tác xã hoặc tổ hợp tác chăn nuôi bò thịt và trồng chanh ƯDCNC hoạt động hiệu quả, xây dựng được liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, huyện hoàn thành việc chọn hộ thực hiện mô hình điểm chăn nuôi bò thịt ƯDCNC và chuyển đổi giống bò thịt chất lượng cao đạt 50% so với kế hoạch; hoàn thành công tác quy hoạch các khu vực trồng chanh ƯDCNC.