Vững bước trên hành trình phát triển sau 50 năm thống nhất đất nước

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, vùng đất Phú Giáo, nơi ghi dấu bao chiến công oanh liệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đã chuyển mình mạnh mẽ, trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội của Bình Dương.

Hệthống trường học được lầu hóa, chất lượng giáo dục ngày càng nâng cao, góp phần tạo nền tảng vững chắc cho Phú Giáo hội nhập và phát triển

Vươn lên từ gian khó

Sau 25 năm kể từ ngày tái lập huyện (1999), Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Phú Giáo đồng lòng thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trọng tâm: Phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm quốc phòng - an ninh; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch rõ rệt theo hướng tích cực, đời sống nhân dân từng bước nâng cao, diện mạo đô thị và nông thôn đổi thay mạnh mẽ. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp tăng hơn 38 lần so với thời điểm tái lập.

Đặc biệt, Phú Giáo trở thành địa phương đi đầu trong việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, kết hợp với công nghiệp chế biến và dịch vụ thương mại. Giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ước đạt hơn 6.660 tỷ đồng vào năm 2024. Các mô hình sản xuất tiên tiến như trồng trọt trong nhà màng, chăn nuôi thông minh, hợp tác xã kiểu mới… đang từng ngày khẳng định hiệu quả và tính bền vững.

Ấn tượng hơn nữa làhạ tầng giao thông, yếu tố then chốt cho phát triển vùng, được đầu tư mạnh mẽ với các công trình huyết mạch như ĐT741, đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng; sắp tới là cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành. Đến nay, 10/10 xã của huyện Phú Giáo đã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. “Phú Giáo hôm nay khác xưa nhiều lắm. Từ hạ tầng giao thông, hệ thống trường lớp, đến đời sống người dân, tất cả đều mang một diện mạo mới. Tôi thật sự phấn khởi và tự hào khi thấy vùng đất từng chỉ là một thị trấn nhỏ giờ đã khởi sắc, mạnh mẽ từng ngày”, thầy Ngô Minh Tú, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức huyện Phú Giáo, chia sẻ.

Trong khi đó ông Nguyễn Văn Rua, cán bộ về hưu sau nhiều năm giữ cương vị Bí thư Đảng ủy thị trấn Phước Vĩnh, cho rằng niềm vui lớn nhất của người cán bộ về hưu chính là được chứng kiến quê hương khang trang hơn, người dân ấm no hơn, trẻ con đến trường trong niềm vui rạng rỡ. “Tôi tin rằng những chủ trương mới của Đảng và Nhà nước, nếu được triển khai quyết liệt và đồng lòng từ nhân dân, thì chắc chắn sẽ góp phần làm cho dân ta giàu hơn, nước ta mạnh hơn”, ông Nguyễn Văn Rua nói.

Khát vọng phát triển bền vững

Bên cạnh phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa xã hội của huyện Phú Giáo có nhiều chuyển biến tích cực, trường học đạt chuẩn chất lượng giáo dục chiếm tỷ lệ cao; công tác y tế, chăm sóc sức khỏe cho người dân không ngừng nâng cao; công tác xã hội, giảm nghèo, giải quyết việc làm được thực hiện tốt.

Cô Võ Thị Thu Thảo, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Phú Giáo, nhớ lại: “Phú Giáo là một trong những địa phương của Bình Dương đi đầu trong xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia. Từ những hội thảo chuyên đề, những cuộc trao đổi thẳng thắn giữa các hiệu trưởng, chúng tôi đã từng bước thay đổi tư duy quản lý, đưa chất lượng giáo dục đi lên rõ rệt. Hôm nay nhìn lại, tôi thật sự tự hào khi thấy nhiều trường đã đạt chuẩn Quốc gia, giáo viên mạnh dạn đổi mới, học sinh có thêm cơ hội tiếp cận kiến thức hiện đại”.

Với cô Võ Thị Thu Thảo, tinh thần hiếu học của người dân Phú Giáo chính làđộng lực cho các thế hệ ham học, tìm tòi, sáng tạo nâng cao chất lượng giáo dục. “Tôi mong các thế hệ trẻ tiếp nối, dám nghĩ, dám làm, mang tri thức để xây dựng quê hương. Phú Giáo hoàn toàn có thể trở thành vùng đất học tập suốt đời, nơi mọi người dân đều được học, được làm và được sống hạnh phúc trên chính mảnh đất của mình”, cô Võ Thị Thu Thảo nói.

Trong lĩnh vực văn hóa, những năm qua, huyện Phú Giáo luôn duy trì và phát huy hiệu quả Liên hoan văn hóa - thể thao đồng bào dân tộc thiểu số định kỳ 3 năm/lần, trở thành ngày hội lớn thể hiện sự đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng dân cư đa dân tộc. Tỷ lệ hộ gia đình văn hóa đạt 98,18%; 100% khu, ấp đạt chuẩn văn hóa.

Trong công tác giảm nghèo và phát triển an sinh xã hội, PhúGiáo tập trung vào các chương trình hỗ trợ sinh kế, đào tạo nghề cho hộ nghèo, cận nghèo và nhóm yếu thế; đẩy mạnh chính sách hỗ trợ nhà ở, y tế, giáo dục và bảo hiểm xã hội; hỗ trợ vay vốn ưu đãi, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, người khuyết tật; đẩy mạnh tuyên truyền các mô hình khởi nghiệp sáng tạo, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Mục tiêu là đến năm 2030, Phú Giáo cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn đa chiều, nâng cao chất lượng sống một cách toàn diện cho người dân.

Anh Hồ Hoàng Hiếu: Mong muốn Phú Giáo trở thành mô hình mẫu về nông nghiệp công nghệ cao

Sinh ra tại xã An Long, Hồ Hoàng Hiếu khởi nghiệp với nấm linh chi, một loại dược liệu quý nhưng còn ít được khai thác đúng tiềm năng. Từ mô hình nhỏ, Hiếu từng bước xây dựng quy trình khép kín, từ sản xuất meo giống, phôi nấm đến trồng nấm trong nhà và ngoài trời. Không dừng lại ở đó, anh đã hướng dẫn hàng chục hộ dân cùng tham gia, tạo nên sinh kế ổn định.

Ngoài ra, anh còn nghiên cứu chiết xuất linh chi làm trà, mỹ phẩm và tái chế phụ phẩm nông nghiệp để làm giá thể, góp phần giảm ô nhiễm môi trường. “Tôi mong muốn Phú Giáo không chỉ là vùng đất nông nghiệp truyền thống, mà trở thành mô hình mẫu về nông nghiệp công nghệ cao, sinh kế bền vững và giáo dục khởi nghiệp từ nông nghiệp”, anh Hiếu nói.

MINH HIẾU - THÁI HẢI - LÝ HUY

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/vung-buoc-tren-hanh-trinh-phat-trien-sau-50-nam-thong-nhat-dat-nuoc-a345761.html