'Vùng đất kỳ bí' và dấu ấn mới của xiếc
Theo thông tin từ Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam, tính từ mùng 1 Tết Ất Tỵ đến nay, vở xiếc 'Vùng đất kỳ bí' (chỉ đạo nghệ thuật: đạo diễn - NSƯT Lê Ích Diễn, cố vấn chuyên môn: Nguyễn Phi Sơn, tác giả kịch bản: Thục Trâm, đạo diễn: Nguyễn Quốc Công) đã diễn được 23 suất, thu hút gần 18.000 lượt khán giả, lập kỷ lục về chương trình xiếc kéo dài và thu hút đông khán giả nhất ở TPHCM.
Sự thành công này có một phần từ việc đổi mới công tác truyền thông của những người tổ chức. Một số màn trình diễn của vở được đăng tải trên các trang mạng xã hội và lan truyền rộng rãi. Ngay lập tức, vở kịch xiếc đã nhận được sự chú ý của cộng đồng, nhất là giới trẻ, thậm chí một số video clip còn trở thành xu hướng (trend) trên nền tảng TikTok.
Từ đó, lượng khán giả đặt vé đã gia tăng nhanh chóng, hầu hết các suất diễn trong dịp tết đều cháy vé. Để đáp ứng nhu cầu của khán giả, Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam đã tăng từ 2 suất diễn/tuần lên 6 suất diễn/tuần. Thế nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu, toàn bộ các suất diễn từ ngày 20-2 đến ngày 23-3 với khoảng hơn 23.000 vé đã gần như bán hết.
Thành công mở đầu có thể là nhờ khâu truyền thông tốt, tuy nhiên để duy trì sức hút, không thể phủ nhận sức hấp dẫn của Vùng đất kỳ bí. Vở kịch xiếc đã huy động hơn 20 nghệ sĩ, diễn viên xiếc trẻ tài năng tham gia. Tất cả phải tập luyện với cường độ cao trước đó hơn 2 tháng nhằm đảm bảo thể hiện tốt các kỹ thuật khó, tập phối hợp biểu diễn xiếc với các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, điều khiển nhuần nhuyễn các con rối… Những con rối khổng lồ cũng là điểm nhấn quan trọng khi được thiết kế mới lạ, hoàn thiện khá kỳ công, có thể dễ dàng tương tác trực tiếp không chỉ với diễn viên mà còn với khán giả, tạo được hiệu ứng sân khấu độc đáo, hấp dẫn.
Theo NSƯT Lê Ích Diễn, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam, vở xiếc Vùng đất kỳ bí không chỉ tạo nên một cột mốc lịch sử cho nhà hát mà còn cho thấy nghệ thuật xiếc chưa bao giờ bị khán giả lãng quên. Có chăng chỉ là những người làm xiếc chưa biết tự làm mới mình, đáp ứng nhu cầu thưởng thức ngày càng cao của khán giả. Nếu làm được những tác phẩm hay, hấp dẫn, khán giả sẽ lại đến với xiếc.
Tháng 4 với những sự kiện lớn, dấu mốc lịch sử đang đến gần, với các nghệ sĩ xiếc, đây cũng là thời khắc lịch sử khi nghệ thuật xiếc TPHCM chuẩn bị đón ngôi nhà mới - Rạp Xiếc và Biểu diễn đa năng Phú Thọ (đường Lữ Gia, quận 11, TPHCM). Với cơ ngơi mới, hiện đại, đa năng, với những bước đi đúng đắn, thành công thời gian qua, nghệ thuật xiếc tại TPHCM đang đứng trước cơ hội mang đến cho khán giả nhiều hơn nữa những tác phẩm chất lượng, quy mô, đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu giải trí, thưởng thức nghệ thuật của công chúng.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/vung-dat-ky-bi-va-dau-an-moi-cua-xiec-post782817.html