Thấy gì khi các fandom Việt quyên góp từ thiện hàng trăm triệu đồng
Không chỉ mở fanpage ủng hộ idol, các fandom Việt còn quyên góp, xây dựng các dự án từ thiện. Chuyên gia nhận xét giới trẻ nước ta làm từ thiện khác hẳn quốc tế.

Fandom Việt có nhiều hoạt động từ thiện đáng chú ý trong năm 2024. Trong ảnh, fan tham dự concert Anh trai "say hi" ở Hà Nội. Ảnh: Thế Bằng.
Bão lũ hoành hành khu vực miền Bắc Việt Nam trong tháng 9/2024. Cộng đồng người hâm mộ BTS (nhóm nhạc nam Kpop) tại Việt Nam nhanh chóng quyên góp hơn 866 triệu đồng để gửi tới đồng bào chịu ảnh hưởng của thiên tai.
Fanpage Yeol Best - EXO ChanYeol's Vietnam, cộng đồng người hâm mộ Chanyeol (EXO), quyên góp số tiền 212 triệu đồng sau khoảng một ngày kêu gọi. Hơn 61 triệu đồng là số tiền được gửi từ fandom của Super Junior tại Việt Nam.
Các nhóm hâm mộ nghệ sĩ trong nước cũng không thua kém. Sky, cộng đồng người hâm mộ của Sơn Tùng MTP, ủng hộ tổng số tiền 236 triệu đồng. Một người hâm mộ của Soobin đã chuyển hơn 100 triệu đồng tới Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Nhiều nhóm fan khác cũng chung tay giúp đỡ người dân ở vùng thiên tai.
Chia sẻ trong buổi thảo luận vào sáng 21/2, ThS Nguyễn Văn Bình, tác giả chính của quyển sách Từ thiện trong dòng chảy văn hóa xã hội từ truyền thống đến hiện đại, nhận xét giới trẻ Việt Nam có cách nghĩ và thực hành hoạt động từ thiện khác hẳn so với thế hệ trước lẫn cộng đồng quốc tế. Tiểu biểu là hoạt động từ thiện của cộng động người hâm mộ trẻ tuổi.
GS Lương Văn Hy, Đại học Toronto (Canada), nhận xét cách từ thiện của người Việt Nam có phần độc đáo và khác nhau giữa miền Bắc - miền Nam.

Giáo sư Lương Văn Hy đang giảng dạy tại Đại học Toronto và từng là Chủ tịch Hiệp hội nghiên cứu châu Á. Ảnh: Đức An.
Gen Z làm từ thiện
Nghiên cứu Từ thiện trong dòng chảy văn hóa xã hội từ truyền thống đến hiện đại được nhóm nghiên cứu của Quỹ Khởi Sự Từ Tâm và Viện khoa học xã hội vùng Nam Bộ phối hợp thực hiện.
Sau khi khảo sát 667 người dân ở TP Hà Nội, TP.HCM, An Giang, Quảng Bình, ThS Nguyễn Văn Bình cho biết giới trẻ Việt có cách định nghĩa “từ thiện” khác hẳn thế hệ trước.
Với những người trên 33 tuổi, từ thiện được xem là hoạt động hiến tặng, quyên góp tiền, hiện vật để giúp đỡ những người đang gặp khó khăn. Song, với giới trẻ, từ thiện được xem là “những hành động tử tế, bảo vệ môi trường, ủng hộ những giá trị tốt đẹp”.

Sách "Từ thiện trong dòng chảy văn hóa xã hội từ truyền thống đến hiện đại". Ảnh: KSTT.
ThS Bình lấy các nhóm người hâm mộ thuộc thế hệ Z ở Việt Nam làm ví dụ. Không chỉ chạy dự án truyền thông, tham gia concert, họ còn tổ chức quyên góp, vận hành hoạt động từ thiện như món quà cho thần tượng.
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, ông cho biết giới trẻ ngày nay cũng quan tâm đến từ thiện sớm hơn các thế hệ trước nhờ tiếp cận nhiều thông tin từ thiện xã hội sớm hơn. Các hoạt động như tổ chức diễn đàn truyền thông về nhân quyền, hưởng ứng tắt đèn, tắt máy xe khi dừng đèn đỏ bảo vệ Trái Đất… của giới trẻ cũng được xem là “từ thiện”.
“Có thể nói giới trẻ Việt Nam đang thách thức những khái niệm từ thiện quốc tế, vốn chỉ công nhận hoạt động từ thiện phải có mục đích, đối tượng cụ thể. Họ hoạt động từ thiện vì một cộng đồng lớn chứ không phải nhóm nhỏ”, ThS Bình cho biết.
Nữ giới làm từ thiện cao gấp 1,86 lần nam giới
Tác giả chính của sách Từ thiện trong dòng chảy văn hóa xã hội từ truyền thống đến hiện đại nói thêm vai trò giới cũng ảnh hưởng đáng kể đến các hoạt động từ thiện. Nữ giới Việt làm từ thiện cao gấp 1,86 lần nam giới.
“Quan điểm ‘phúc đức tại mẫu’ và định kiến nữ giới là người quản lý chi tiêu gia đình là hai yếu tố chính dẫn đến sự chênh lệch này. Đây là yếu tố khác biệt giữa từ thiện Việt Nam và thế giới”, ông Bình giải thích.
GS Lương Văn Hy nói thêm cách từ thiện giữa hai khu vực Nam - Bắc Việt Nam cũng có sự khác biệt.
“Giữa đại dịch Covid-19, TP.HCM đóng góp 1.600 tỷ đồng, TP Hà Nội là 12 tỷ. Con số góp ở TP.HCM cao hơn 140 lần TP Hà Nội. Song, điều này không phản ánh người dân miền Bắc từ thiện ít hơn miền Nam mà cho thấy sự khác nhau giữa hình thức quyên góp”, GS cho biết.

ThS Nguyễn Văn Bình cho biết hoạt động từ thiện ở Việt Nam có nhiều điểm độc đáo so với quốc tế. Ảnh: BTC.
Bổ sung, ThS Nguyễn Văn Bình cho biết miền Nam và miền Bắc khác nhau nhiều nhất ở các kênh từ thiện.
Người dân TP.HCM và Tây Nam Bộ thường đóng góp qua các tổ chức từ thiện tôn giáo hoặc tự phát. Trong khi đó, người Hà Nội, Quảng Bình sẽ đóng góp qua các đoàn thể xã hội chính thức hoặc những người có uy tín, hội đồng hương.
Dù ở Nam hay Bắc bộ, các hoạt động từ thiện đều cho thấy hệ thống tư tưởng của người dân Việt Nam khác hẳn so với khái niệm từ thiện quốc tế, thậm chí có phần dịch chuyển giữa “từ thiện” sang “tương trợ, chia sẻ”.
“Một điều thú vị là người dân Việt xem các hoạt động như phát cháo, cơm, chở một cuốc xe ôm miễn phí, dạy nghề cho thanh thiếu niên… là sự tương trợ, chia sẻ thường ngày chứ không thích được gọi là từ thiện. Điều đó phần nào cho thấy tinh thần tương thân tương ái của người Việt”, ThS Bình giải thích.